Xây dựng kế hoạch tổng thể về vaccine trên cơ sở nhu cầu trong nước

Với tốc độ tiếp nhận vaccine và tiêm chủng như hiện nay, dự kiến đến hết tháng 10/2021, Việt Nam có thể đạt tỷ lệ tiêm chủng để chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì họp Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine lần thứ 4. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Ngày 13/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine, đã chủ trì cuộc họp định kỳ của Tổ công tác. 

Diễn ra đúng hai tháng sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập Tổ công tác vào ngày 13/8, cuộc họp tập trung đánh giá kết quả triển khai các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong hai tháng qua; đồng thời trao đổi, thống nhất định hướng triển khai ngoại giao vaccine trong tình hình mới.

Các báo cáo của Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế tại cuộc họp đều nhấn mạnh, dưới sự chỉ đạo sát sao, sự tham gia trực tiếp, quyết liệt, hết sức mình của các Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời giữa các bộ, ngành trong nước và các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, công tác ngoại giao vaccine đã đạt kết quả rất tích cực. Tổng số vaccine về Việt Nam đã tăng liên tục trong những tháng gần đây.

Đến ngày 13/10, nước ta đã tiếp nhận khoảng 90 triệu liều vaccine từ các nguồn mua, phân phối của COVAX và viện trợ của các nước. 

Bên cạnh vận động vaccine, Tổ Công tác đã kịp thời tham mưu, kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh hợp tác về công nghệ sản xuất vaccine và hỗ trợ quá trình sản xuất, thử nghiệm vaccine trong nước; kết nối nhập khẩu một số loại thuốc điều trị COVID-19. 

Một số công ty của Việt Nam đã hợp tác với các hãng của Mỹ, Nga, Nhật Bản để chuyển giao công nghệ, sản xuất, đóng gói các loại vaccine, đặc biệt là vaccine công nghệ mới mRNA, đóng ống thành phẩm vaccine Spunik V.

Về hỗ trợ sản xuất vaccine trong nước, Công ty Nanogen đã đạt thỏa thuận hợp tác với Ấn Độ về thử nghiệm và hợp tác sản xuất vaccine.

[Latvia nhượng lại 200.000 liều vaccine AstraZeneca cho Việt Nam]

Trong bối cảnh dịch bệnh trong nước diễn biến hết sức phức tạp, Việt Nam tích cực vận động và đã nhận được số lượng lớn trang thiết bị y tế thiết yếu trị giá hàng chục triệu USD từ nhiều đối tác, tổ chức quốc tế và kiều bào trao tặng; kịp thời phục vụ thiết thực công tác điều trị trong giai đoạn số lượng ca mắc tăng cao, giảm áp lực cho hệ thống y tế.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Chính phủ về ngoại giao vaccine nhấn mạnh, tốc độ và số lượng vaccine về Việt Nam vừa qua tăng nhanh là nhờ sự vận động hết sức quyết liệt của ta, đặc biệt là kết quả của các hoạt động đối ngoại của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, qua các chuyến thăm song phương, các cuộc tiếp xúc, điện đàm, trao đổi thư với các nước, tổ chức quốc tế, các hãng sản xuất; từ đó, các đối tác tăng cường hỗ trợ và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các cam kết về vaccine đối với Việt Nam.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì họp Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine lần thứ 4. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Đại diện Bộ Y tế đánh giá, với số lượng vaccine được chuyển về nước ngày càng nhiều, công tác tiêm chủng được đẩy nhanh, góp phần quan trọng vào các nỗ lực chung về phòng, chống dịch, giúp giảm tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong.

Đến nay, cả nước đã tiêm 1 mũi cho hơn 54% dân số trên 18 tuổi và tiêm đủ 2 mũi cho khoảng 22% dân số. Với tốc độ tiếp nhận vaccine và tiêm chủng như hiện nay, dự kiến đến hết tháng 10/2021, Việt Nam có thể đạt tỷ lệ tiêm chủng để chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn với dịch bệnh.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao các thành viên Tổ công tác đã phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, vào cuộc khẩn trương; kịp thời tham mưu, kiến nghị và tổ chức triển khai các hoạt động ngoại giao vaccine cấp cao rất hiệu quả, bài bản.

Có thể nói, Tổ Công tác đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao phó. Kết quả đạt được vừa qua có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo điều kiện tiên quyết để đất nước có thể chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn với dịch bệnh, khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh và phục hồi kinh tế. 

Để thích ứng hiệu quả, an toàn với dịch bệnh, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh ba yếu tố tiên quyết là tiêm chủng trên diện rộng, bao phủ toàn dân; nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân; bảo đảm năng lực của các cơ sở y tế.

Bộ trưởng chỉ đạo nhiệm vụ quan trọng nhất từ nay đến cuối năm của Tổ công tác là tiếp tục vận động, đôn đốc, bảo đảm các đối tác chuyển giao vaccine theo đúng cam kết. Đồng thời, cần xây dựng kế hoạch tổng thể về vaccine cho năm 2022 trên cơ sở nhu cầu trong nước, gồm cả vaccine cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi, từ 12 đến 18 tuổi và vaccine tiêm mũi tăng cường, cũng như năng lực sản xuất vaccine trong nước để hoàn toàn chủ động trong việc tiếp cận vaccine. Tổ công tác cần thúc đẩy hợp tác quốc tế trong sản xuất vaccine để hỗ trợ phát triển vaccine trong nước, bảo đảm nguồn cung ổn định và tự chủ lâu dài về vaccine.

Với việc xác định thuốc điều trị COVID-19 có vai trò quan trọng trong hạn chế các ca bệnh nặng, giảm tỷ lệ tử vong và là giải pháp cho chung sống lâu dài, an toàn với dịch bệnh, Bộ trưởng chỉ đạo cần đẩy mạnh tiếp cận các loại thuốc đặc trị COVID-19.

Trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới tiếp tục diễn biến khó lường và còn kéo dài, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị các thành viên Tổ công tác tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, phối hợp chặt chẽ, linh hoạt, sáng tạo, đánh giá sát tình hình, kịp thời tham mưu, kiến nghị các hoạt động ngoại giao vaccine phù hợp với tình hình và nhu cầu trong nước, nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe của nhân dân, thích ứng an toàn với dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội tình trạng bình thường mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục