Xây dựng Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử ở Bắc Giang

Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử thuộc địa bàn huyện Sơn Động, Bắc Giang cói tổng kinh phí xây dựng dự kiến trên 305 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn xã hội hóa.
Xây dựng Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử ở Bắc Giang ảnh 1 Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Khu Di tích danh thắng non thiêng Yên Tử. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Ngày 10/5, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang tổ chức công bố quy hoạch và triển khai kế hoạch xây dựng Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử thuộc địa bàn xã Tuấn Mậu (huyện Sơn Động, Bắc Giang), với tổng kinh phí dự kiến trên 305 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn xã hội hóa.

Theo quy hoạch, Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử thuộc trục đường mòn phía sườn Tây Yên Tử lên chùa Đồng (thuộc đỉnh Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh) với tổng diện tích là 13,8ha.

Việc xây dựng và phục dựng các di tích thuộc vùng Tây Yên Tử được thực hiện gọn trong không gian khu vực Đồng Thông, xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động (Bắc Giang) và chia làm 4 cụm chùa độc lập gồm: chùa Trình, chùa Hạ (chùa Phật Quang), chùa Trung, chùa Thượng (chùa Kim Quy), các điểm chùa có cao độ từ 145m đến điểm cao nhất gần 1.000m, kết nối với chùa Đồng, tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh Yên Tử, cùng với hệ thống hạ tầng kĩ thuật, các công trình dịch vụ, hệ thống giao thông, cáp treo... đồng bộ.

Đặc biệt, ở quần thể Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử nằm ở chùa Hạ với 108 quả chuông đồng được bố trí hoàn toàn trong khuôn viên chùa.

Các cung đường đến Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử được nối từ Quốc lộ 1A, qua đường tỉnh lộ 293 (còn gọi là con đường tâm linh) hoặc theo Quốc lộ 31 từ trung tâm thành phố Bắc Giang ngược lên qua các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, kết nối với các địa điểm di tích văn hóa, lịch sử, phật giáo: Chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, chùa Am Vãi và đặc biệt là cụm di tích Đông Yên Tử (thuộc tỉnh Quảng Ninh).

Ngoài ra, cùng với các điểm du lịch, sinh thái như hồ Khuôn Thần, Cấm Sơn, suối Nước Vàng, Suối Mỡ, khu bảo tồn thiên nhiên Khe Rỗ, bản "gái đẹp tiến vua" bản Mậu... tạo lập một vùng cảnh quan du lịch, dịch vụ gắn kết các di tích, danh thắng khu vực Yên Tử thành một hệ thống tổng thể.

Bên cạnh việc nâng cấp đường cho xe ôtô đi bắt đầu từ chùa Trình khoảng 6m chiều rộng và nâng cấp các tuyến đường đi bộ, Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử cũng bố trí các điểm ăn, nghỉ, giao lưu, trình diễn văn hóa bản địa có sự góp mặt của người dân địa phương.

Quá trình xây dựng Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử được chia làm ba giai đoạn, bắt đầu từ năm 2014 và dự kiến đến năm 2025 hoàn thành. Giai đoạn 1 từ năm 2014 đến năm 2018 triển khai xây dựng hai điểm chùa Thượng và chùa Hạ, nâng cấp tuyến giao thông tỉnh lộ 293 vào chùa Hạ; giai đoạn 2 từ năm 2018 đến năm 2020 triển khai xây dựng hai điểm chùa Trình và chùa Trung; giai đoạn 3 từ năm 2021 đến năm 2025 hoàn thiện toàn bộ các hạng mục đầu tư về công trình và hạ tầng kĩ thuật.

Nằm trong hệ thống núi Yên Tử khu vực sườn Tây Yên Tử thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang là vùng đất có vị trí quan trọng với các địa danh như núi Chúng Sơn, núi Huyền Đanh, núi Am Ni, núi Nham Biển...hiện nay đều thuộc các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Dũng (Bắc Giang), với địa thế núi cao, cảnh đẹp nên từ xa xưa khu vực các núi này đã được các vị vua thời Lý-Trần quan tâm chọn là nơi dựng chùa, tu tâm, học đạo.

Triển khai xây dựng Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử nhằm kết nối để bảo tồn, tôn tạo và phát huy tốt giá trị các di sản danh thắng khu vực Tây Yên Tử trên địa bàn tỉnh Bắc Giang với khu danh thắng Yên Tử (Đông Yên Tử - Quảng Ninh) với thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, khôi phục lại con đường hành hương trong không gian văn hóa chung để du khách có thể khởi hành từ Bắc Giang cũng tới được với chốn tổ Trúc Lâm Yên Tử.

Việc xây dựng khu văn hóa tâm linh cũng nhằm quy hoạch, làm sống lại không gian văn hóa, hệ thống đền chùa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh để tạo thành một hệ thống liên hoàn có tổ chức nhằm giới thiệu đầy đủ hơn về vùng đất Bắc Giang văn hiến với nhân dân cả nước, và là dịp để mọi cấp ủy, chính quyền cùng toàn thể nhân dân hiểu thêm những giá trị văn hóa, di sản văn hóa của các thế hệ cha ông đã để lại, từ đó đồng lòng, trách nhiệm với việc xây dựng và bảo tồn phát huy hệ thống di tích hiện có, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân, tạo ra động lực mới cho phát triển du lịch của tỉnh Bắc Giang./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục