Xây dựng sân bay Cần Thơ thành "căn cứ" của đồng bằng sông Cửu Long

Làm việc với thành phố Cần Thơ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gợi ý thành phố Cần Thơ kêu gọi đầu tư, xây dựng Sân bay Quốc tế Cần Thơ thành sân bay căn cứ của vùng để giữ chân du khách.
Xây dựng sân bay Cần Thơ thành "căn cứ" của đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN.)

Chiều 26/2, nhân chuyến công tác tại các tỉnh phía Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn công tác Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ và lãnh đạo một số sở, ban, ngành thành phố về tình hình kinh tế xã hội hai tháng đầu năm 2017 và giải quyết một số kiến nghị của lãnh đạo thành phố Cần Thơ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao về tình hình kinh tế-xã hội của thành phố trong 2 tháng đầu năm 2017 phát triển ổn định, một số lĩnh vực có bước phát triển cao, đặc biệt là tổng mức bán lẻ hàng hóa và kinh doanh dịch vụ tăng 10,5% so với cùng kỳ. Cần Thơ là điểm sáng về phát triển thương mại-dịch vụ của vùng.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý đối với một số lĩnh vực có mức tăng trưởng thấp mà Cần Thơ cần quan tâm chỉ đạo thực hiện như xuất khẩu, thu ngân sách, phát triển du lịch, phát triển hệ thống cảng... Cần Thơ cũng cần đẩy mạnh phát triển, nâng cao kim ngạch xuất khẩu vì hiện nay giá một số mặt hàng nông sản như cá tra, lúa gạo đang tăng. Cần Thơ cũng cần quan tâm đầu tư thêm trong lĩnh vực nông nghiệp vì nông nghiệp phát triển sẽ góp phần đưa GDP phát triển. Song song đó, cần đẩy nhanh phát triển doanh nghiệp, chủ động đối thoại với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, có kế hoạch chỉ đạo, rà soát lại hoạt động của Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc, quan tâm phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với xây dựng nông thôn mới.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng gợi ý thành phố Cần Thơ cần phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, các hãng hàng không để kêu gọi đầu tư, xây dựng Sân bay Quốc tế Cần Thơ thành sân bay căn cứ của vùng để giữ chân du khách. Cần Thơ cũng cần nghiên cứu tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư để mời gọi các nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế vào đầu tư như một số tỉnh thành đã và đang thực hiện rất hiệu quả. Chính phủ và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ sẵn sàng hỗ trợ Cần Thơ tổ chức nhưng thành phố phải chuẩn bị thật kỹ các nội dung để các bộ, ngành Trung ương, các doanh nghiệp triển khai thuận lợi.

Đối với các kiến nghị của thành phố về việc đẩy nhanh triển khai các dự án giao thông như: đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận-Cần Thơ, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 91 đoạn km0-km7, nâng cấp sửa chữa Quốc lộ Nam sông Hậu đoạn từ Ngã Năm cầu Cần Thơ đến Cái Cui, hoàn chỉnh luồng Quan Chính Bố để đảm bảo lưu thông 2 chiều và đón nhận tàu có tải trọng từ 10.000 đến 20.000 tấn, triển khai xây dựng hệ thống logistics khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ..., Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đây là những tuyến đường, những dự án huyết mạch không phải chỉ đối với Cần Thơ mà còn cho cả vùng nên Chính phủ rất quan tâm.

Từ trước Tết Nguyên đán, Phó Thủ tướng đã làm việc với các ngân hàng và đã được sự đồng thuận về tiếp tục tài trợ cho dự án đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ.

Đối với các dự án chưa có nguồn vốn bố trí, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, sớm tìm nguồn vốn bố trí đầu tư; đồng thời yêu cầu thành phố Cần Thơ cần tăng cường phối hợp với các bộ như Bộ Giao thông Vận tải, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiếp tục nghiên cứu phương thức đầu tư hệ thống kho, cảng và các dự án giao thông trên địa bàn...

Theo báo cáo của thành phố Cần Thơ, trong 2 tháng đầu năm 2017, tình hình kinh tế-xã hội thành phố phát triển ổn định, thương mại dịch vụ tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Thành phố quan tâm triển khai xây dựng mô hình cánh đồng lớn phát triển về quy mô, diện tích và số hộ tham gia; xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực với 20/36 xã và 1/4 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; an sinh xã hội được đảm bảo, lĩnh vực lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, cải cách hành chính... có nhiều tiến bộ.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như một số lĩnh vực có tăng nhưng đạt thấp so với kế hoạch, sức cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường chưa cao. Sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn, thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, phát sinh dịch bệnh ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Các mặt hàng nông sản tiếp tục đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt với nông sản nước ngoài trên thị trường trong và ngoài nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.