Xây dựng thương hiệu càphê Việt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng

Càphê Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là càphê nhân, giá trị gia tăng thấp, đặc biệt là vấn đề xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao giá trị gia tăng và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế.
Xây dựng thương hiệu càphê Việt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng ảnh 1Thu hái càphê. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Là một trong những nước sản xuất càphê lớn nhất thế giới và cũng là mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của nông nghiệp Việt Nam với giá trị kim ngạch xuất khẩu hơn 3 tỷ USD/năm, nhưng càphê Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là càphê nhân, giá trị gia tăng thấp.

Đặc biệt là vấn đề xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao giá trị gia tăng và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế.

Vậy việc xây dựng thương hiệu cho càphê Việt hiện nay như thế nào và đâu là giải pháp để thúc đẩy thương hiệu càphê Việt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới?

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Đào Đức Huấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn.

- Đối với sản phẩm càphê, một sản phẩm quốc gia thì đâu là hướng tiếp cận phù hợp để xây dựng thương hiệu càphê Việt trong thời gian tới?

Ông Đào Đức Huấn: Càphê là sản phẩm quốc gia và là một trong 10 mặt hàng chủ lực của Việt Nam thuộc nhóm nông sản có kim ngạch xuất khẩu cao nhất với kim ngạch 3,2 tỷ USD trong năm 2017.

Đồng thời, chúng ta là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, đặc biệt là càphê Robusta, trở thành một cường quốc về càphê.

Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu và đòi hỏi của thị trường, cần phải phát huy lợi thế và xác định chiến lược phù hợp với cách tiếp cận dài hơi hơn để càphê Việt giữ vững và khẳng định vị trí.

Tôi cho rằng, định hướng tiếp cận xây dựng càphê Việt nên đi theo hướng khai thác lợi thế của các vùng càphê đặc sản để xây dựng thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý như: càphê Buôn Ma Thuột, càphê Sơn La…

Lợi thế về điều kiện sản xuất, chất lượng nổi trội sẽ là cơ sở để thúc đẩy thị trường, giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường một cách hiệu quả hơn, nhất là thị trường trong nước.

Xây dựng và định vị thương hiệu càphê Việt theo hướng sản phẩm chất lượng cao gắn với nguồn gốc, chứng nhận chất lượng và được kiểm soát.

Cách tiếp cận này cho phép chúng ta phát triển tổng thể dựa trên vai trò của doanh nghiệp và thúc đẩy kết nối giữa sản xuất-chế biến và thị trường.

[Mô hình sản xuất càphê chồn độc đáo của một thanh niên ở Bình Phước]

- Việt Nam đã có những chính sách, định hướng gì để hỗ trợ thúc đẩy xây dựng thương hiệu cho càphê Việt, thưa ông?

Ông Đào Đức Huấn: Thời gian qua, nhiều chính sách, giải pháp của các Bộ như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, các địa phương đã được triển khai để xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản thông qua việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Hiện nay, Việt Nam đã có hai chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm càphê là chỉ dẫn địa lý càphê Buôn Ma Thuột và chỉ dẫn địa lý càphê Sơn La.

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã có Quyết định số 4653/QĐ-BNN-KHCN về việc phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia “càphê Việt Nam chất lượng cao.”

Mục tiêu của Đề án nhằm phát triển ngành càphê sản xuất hàng hóa chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cao trên cơ sở áp dụng đồng bộ giống mới, quy trình kỹ thuật canh tác và công nghệ sau thu hoạch tiên tiến gắn với cơ giới hóa, tổ chức lại sản xuất, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh càphê, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.

Xây dựng thương hiệu càphê Việt Nam chất lượng cao là một giải pháp quan trọng, là cơ sở để thúc đẩy hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị sản phẩm càphê Việt trong thời gian tới.

- Trong bối cảnh chất lượng, an toàn thực phẩm của nông sản nói chung và càphê nói riêng còn hạn chế, vậy làm thế nào để có thể giải quyết vấn đề này trong quá trình xây dựng thương hiệu càphê, thưa ông?

Ông Đào Đức Huấn: Càphê là một sản phẩm tiêu dùng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng và những vấn đề liên quan đến chất lượng luôn là được thị trường và người tiêu dùng quan tâm. Chính vì vậy, để giải quyết vấn đề này thì thương hiệu càphê Việt cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Cụ thể là xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chứng nhận chất lượng, phát triển bền vững; đồng thời có sự kết nối và được kiểm soát theo chuỗi giá trị với sự tham gia một cách chủ động của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Sản phẩm càphê tiếp cận với thị trường cũng cần tập trung theo hướng càphê sạch, càphê nguyên chất. Đây phải là định hướng tiếp cận cho các doanh nghiệp, đặc biệt là thị trường nội địa với các sản phẩm chế biến sâu như: càphê rang, càphê bột.

- Thực tế cho thấy sản xuất càphê của Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn như: quy mô sản xuất nhỏ, xuất khẩu chủ yếu là càphê nhân, năng lực chế biến và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp còn hạn chế… Vậy đâu là giải pháp để khắc phục những vấn đề này trong quá trình xây dựng thương hiệu càphê Việt, thưa ông?

Ông Đào Đức Huấn: Đây không chỉ là thách thức đối với càphê mà còn là thách thức đối với nhiều loại nông sản khác của Việt Nam. Để giải quyết bài toán này, nhiều địa phương đã có những cách tiếp cận phù hợp, điển hình như càphê Sơn La.

Những năm gần đây, vấn đề phát triển thương hiệu cho càphê đã được tỉnh Sơn La quan tâm với nhiều giải pháp. Trong đó có giải pháp bảo hộ và phát triển chỉ dẫn địa lý cho càphê Sơn La.

Cách tiếp cận trong xây dựng thương hiệu càphê Sơn La thông qua bảo hộ chỉ dẫn địa lý được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La xác định rõ ràng. Đó là phát triển thị trường càphê gắn với chỉ dẫn địa lý, chỉ dẫn nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm; đồng thời bảo hộ nhiều loại sản phẩm, bao gồm cả các sản phẩm chế biến (thay vì chỉ có sản phẩm thô) như càphê nhân, càphê hạt rang và càphê bột.

Đây là cơ sở giúp doanh nghiệp tiếp cận và phát triển thị trường nội địa, làm cơ sở để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm.

Phát triển thương hiệu gắn với vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã, tỉnh Sơn La đã khuyến khích được các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, thúc đẩy liên kết hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông dân, hợp tác xã trong việc áp dụng các tiến bộ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng trong xuất khẩu như bộ tiêu chuẩn càphê 4C, UTZ…, từng bước thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ ra thị trường, xây dựng sản phẩm “product of Vietnam” trên thị trường quốc tế.

Mặc dù mới gia nhập thị trường sản phẩm chế biến, nhưng sản phẩm chế biến từ càphê Sơn La đã được người tiêu dùng đón nhận với hướng tiếp cận phù hợp bằng việc đưa ra các sản phẩm càphê nguyên chất dùng cho pha máy hiện đại, pha phin truyền thống và càphê hòa tan.

- Xây dựng thương hiệu là một quá trình dài và khó khăn, vậy Nhà nước cần phải làm gì và vai trò của doanh nghiệp như thế nào để quá trình xây dựng thương hiệu càphê Việt thành công như mong đợi, thưa ông?

Ông Đào Đức Huấn: Để thương hiệu càphê Sơn La nói riêng và càphê Việt nói chung có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế, ngoài sự chủ động của doanh nghiệp, tôi cho rằng vai trò của Nhà nước đóng vai trò quan trọng bởi càphê Việt hay chỉ dẫn địa lý là hình ảnh quốc gia.

Do đó cần những chính sách để thúc đẩy, quản lý và bảo vệ hình ảnh đó làm cơ sở để doanh nghiệp có điểm tựa thúc đẩy thị trường, phát triển sản phẩm trên nền tảng có sự quản lý của Nhà nước.

Đặc biệt cần có các chính sách và giải pháp đồng bộ của Nhà nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm nâng cao hình ảnh càphê Việt trên thị trường, góp phần nâng cao giá trị, thúc đẩy thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.