Theo mạng tin News.com.au ngày 5/6, để chuẩn bị đối phó với dân số tiếp tục tăng và tăng quỹ đất cho nông nghiệp, Trung Quốc đang ồ ạt triển khai các dự án phát triển đô thị trên các đỉnh núi bị san bằng ở nhiều địa phương.
Ý tưởng của các nhà chuyên môn Trung Quốc khá đơn giản: cắt cụt các ngọn núi và sử dụng số đất đá đó để đổ xuống các thung lũng bên dưới, nhằm tạo ra những khu đất bằng phẳng, có thể phục vụ dân sinh.
Hàng chục cây số vuông mặt bằng mới hiện đã hình thành ở các thành phố Trùng Khánh, Thập Yển, Nghi Xương, Lan Châu và Duyên An.., trong đó một số thành phố dự kiến sẽ tăng gấp đôi diện tích mặt bằng hiện có của họ bằng phương pháp này.
Theo tính toán, việc phát triển các khu đô thị mới này sẽ mang lại hàng tỷ nhân dân tệ nhờ bán và cho thuê nhà, đồng thời giúp mở rộng diện tích đất dành cho nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về khoa học và môi trường quốc tế, tất cả những dự trù này không hề đơn giản như người ta tưởng. Theo họ, các chuyên gia Trung Quốc đã vội vã phát triển chương trình được đầu tư 16 tỷ USD này khi chưa cân nhắc kỹ lưỡng mọi mặt, đặc biệt là khía cạnh môi trường.
Tạp chí uy tín về khoa học và môi trường Nature mới đây đã nhận xét rằng hậu quả về mặt môi trường, kỹ thuật và kinh tế của các chương trình chưa từng có này đã không được tính đến một cách đầy đủ. Có quá ít luận chứng về chi phí và lợi ích của việc tạo ra đất đai bằng phương pháp này.
Theo các chuyên gia quốc tế, toàn bộ quá trình này có nguy cơ gây ra một thảm họa về môi trường và kỹ thuật do các thiếu sót nghiêm trọng trong nghiên cứu và chuyên môn.
Chẳng hạn, chỉ ba tháng trước ngày khởi công các dự án trên các đỉnh núi ở Duyên An, người ta mới đưa ra kết luận rằng các đỉnh núi này là nơi tích lũy bùn đất do gió mang tới từ hàng triệu năm nay.
Theo các chuyên gia của tạp chí Nature, nền đất yếu như vậy có thể sụt lún mạnh khi ẩm ướt, gây ra sự sụp đổ về cấu trúc, một yếu tố có thể làm tăng chi phí xây dựng và thậm chí gây mất an toàn.
Tại thành phố Thập Yển, việc biến những vùng đồi núi thành đồng bằng đã gây ra hiện tượng lở đất và lũ lụt. Việc nắn dòng chảy từ các con sông vào kênh rạch đã làm tăng quá trình xói mòn đất và gây lắng đọng bùn đất tại các sông hồ trong khu vực.
Tờ Nature viết: "Các dự án tạo nguồn đất đã và đang gây ô nhiễm không khí và nguồn nước, làm xói mòn đất và thay đổi về địa chất. Các dự án này cũng phá hủy rừng và gây nguy cơ đối với hệ động thực vật... Nhiều dự án tạo nguồn đất ở Trung Quốc đã phớt lờ các quy định về môi trường, bởi các chính quyền địa phương ưu tiên kiếm tiền hơn là bảo vệ thiên nhiên."
Tuy nhiên, vẫn không có bằng chứng nào cho thấy việc bạt núi để phát triển đô thị lớn sẽ mang lại lợi nhuận lớn. Chương trình kéo dài 10 năm này có thể phải mất nhiều thập kỷ mới có thể hoàn vốn.
Ngoài ra, về mặt kỹ thuật, nền đất mềm đòi hỏi ít nhất một thập kỷ để ổn định trước khi có thể tiến hành xây dựng. Sự chờ đợi kéo dài như vậy cũng có thể khiến các nhà đầu tư mất kiên nhẫn.
Điều đáng lo ngại là tiến độ của các dự án dạng này vẫn đang diễn ra ồ ạt. Theo các chuyên gia quốc tế, chính phủ Trung Quốc cần phải nhận ra rằng việc "dời non" thực sự không đơn giản như họ vẫn tưởng.
Trung Quốc không chỉ cần dành kinh phí cho việc nghiên cứu về địa chất và thủy địa chất mà còn cần phải sớm hợp tác với các cơ quan chuyên môn quốc tế để có được những giải pháp đúng đắn. Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc cũng cần phải xây dựng một bộ quy tắc trước khi cắt cụt các mỏm núi để xây dựng đô thị./.