Xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác thi đua, khen thưởng

Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác thi đua khen thưởng.
Xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác thi đua, khen thưởng ảnh 1Tôn vinh công nhân lao động tiêu biểu tỉnh Bắc Giang lần thứ VII-2016. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác thi đua, khen thưởng.

Các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, hướng vào những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá nhằm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội như: Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo môi trường và động lực mới cho sự phát triển; thi đua xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, bảo đảm an sinh xã hội góp phần nâng cao đời sống nhân dân, làm tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa...

Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh Phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; chú trọng thực hiện hiệu quả phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới," tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng.

Công tác thi đua phải bảo đảm thiết thực, hiệu quả, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chương trình và mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương, cấp, ngành.

Các phong trào thi đua cần xác định rõ chủ đề, nội dung và biện pháp thực hiện, hình thức cần phong phú, bám sát nhiệm vụ được giao.

Công tác khen thưởng phải bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, đúng tiêu chuẩn, thực chất, tránh tràn lan; chú trọng đến khen thưởng đột xuất, phát hiện nhân tố mới, điển hình tiên tiến, những tấm gương người tốt, việc tốt, những người lao động trực tiếp, công nhân, nông dân và có các hình thức khen thưởng đột xuất, phù hợp, kịp thời.

Việc khen thưởng cho các đối tượng là doanh nghiệp, người đứng đầu doanh nghiệp cần chú ý tới kết quả sản xuất kinh doanh và dư luận xã hội. Về công tác tuyên truyền, cần phát huy vai trò tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí trong phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến, nhân tố mới; biểu dương, tôn vinh điển hình người tốt, việc tốt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục