Xử phạt đối với chủ xe không làm thủ tục đăng ký sang tên

Cục Cảnh sát giao thông đang nghiên cứu sửa đổi thông tư quy định về đăng ký xe theo hướng ràng buộc trách nhiệm của chủ sở hữu phương tiện khi có quyết định điều động, mua bán, cho, tặng xe.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý phương tiện giao thông đường bộ, Cục Cảnh sát giao thông đang nghiên cứu sửa đổi thông tư quy định về đăng ký xe (thay thế Thông tư số 15/2014/TT-BCA của Bộ Công an quy định về đăng ký xe và Thông tư số 64/2017/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2014/TT-BCA), theo hướng ràng buộc trách nhiệm của chủ sở hữu phương tiện khi có quyết định điều động, mua bán, cho, tặng xe.

Xử phạt đối với chủ xe không làm thủ tục đăng ký sang tên

Các nội dung chính sẽ được sửa đổi, bổ sung gồm, quy định đăng ký xe phải có tài khoản ngân hàng; quy định thời hạn giấy chứng nhận đăng ký xe của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; sửa đổi, bổ sung quy định xe đã đăng ký, cấp biển số, nay có quyết định điều chuyển, bán, cho thì trước khi bàn giao xe cho tổ chức, cá nhân mua hoặc được điều chuyển, tặng, cho, chủ xe phải thu hồi, nộp lại đăng ký, biển số cho cơ quan đăng ký xe. Cùng với đó, bổ sung quy định việc đăng ký xe đã mua bán qua nhiều chủ nhưng không có chứng từ chuyển nhượng theo quy định thì được giải quyết đăng ký sang tên.

Cục Cảnh sát giao thông cũng kiến nghị bổ sung việc xử phạt đối với chủ xe không làm thủ tục đăng ký sang tên. Việc sửa đổi thông tư quy định về đăng ký xe là bước tiến mới trong việc cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch hoạt động quản lý nhà nước cũng như nâng cao hiệu quả xử phạt qua hệ thống camera giám sát.

Theo Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, quy định chủ xe phải nộp giấy chứng nhận đăng ký phương tiện khi bán, cho, tặng xe sẽ buộc người mới mua, nhận xe phải làm thủ tục sang tên, như vậy sẽ đảm bảo công tác quản lý nhà nước, thống kê chính xác số liệu phương tiện và thuận lợi trong việc xử phạt vi phạm hành chính.

Trước đây, thông thường chỉ phạt người mua, nhận xe mà không làm thủ tục sang tên đổi chủ, còn chủ xe cho rằng họ đã bán rồi và hết trách nhiệm với phương tiện đó. Do vậy, rất khó cho công tác quản lý. Không ít phương tiện được bán, cho, tặng qua nhiều người, khi phát sinh vấn đề xử lý vi phạm hành chính, hình sự, phải xác minh rất khó khăn.

“Lâu nay chúng ta mới phạt người mua xe. Giờ đây, bổ sung thêm quy định người đứng tên chủ sở hữu đăng ký xe mà bán, cho, tặng phải trả lại giấy chứng nhận đăng ký thì sẽ xử phạt được cả người chủ xe đã đăng ký sở hữu mà không làm thủ tục. Như vậy, người bán sẽ phải cung cấp thông tin đã bán, cho, tặng xe cho ông A, B, C ở tỉnh nào đó và cơ quan công an sẽ quản lý được xe này khi có vấn đề liên quan đến hành chính hoặc hình sự,” Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng nói.

Xử phạt qua hình ảnh, nộp phạt qua tài khoản

Trao đổi về vấn đề xử phạt qua hình ảnh trích xuất từ camera, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng cho biết, chính vì việc chủ sở hữu đăng ký phương tiện đã bán xe qua rất nhiều người nên việc xử phạt qua hình ảnh, nhất là tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn. Xác minh được chủ sở hữu phương tiện thì họ nói đã bán cho người khác, xác minh đến người tiếp theo, họ cũng nói đã bán xe sang tay người thứ 3, thậm chí có người bảo xe đã bỏ, hủy lâu rồi và cũng có khi xe đó lại làm biển số giả.

Việc cưỡng chế xử lý vi phạm cũng không hề đơn giản, cơ quan chức năng gửi thông báo nhưng họ không đến để giải quyết. Vấn đề này cần xây dựng hành lang pháp lý để thực hiện, cùng với đó phải tuyên truyền để mọi người nhận thức được đầy đủ trách nhiệm của mình khi bán xe phải làm thủ tục sang tên và khi được cơ quan công an thông báo là xe có vi phạm thì phải có trách nhiệm đến giải quyết.

“Chúng tôi đang đề nghị với Chính phủ cho ban hành nghị định về cưỡng chế đối với các trường hợp không chấp hành việc xử lý vi phạm. Hiện nay, chúng tôi cũng đang áp dụng các biện pháp khi thông báo hai lần đối tượng không đến giải quyết, chúng tôi phải cử cán bộ đến xác minh và qua công an, chính quyền cơ sở để đôn đốc,” Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng thông tin.

Theo Cục trưởng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục Cảnh sát giao thông đang xây dựng cơ chế hướng dẫn địa phương để trao đổi thông tin với nhau, xác minh, đôn đốc xử lý các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông được phát hiện qua hình ảnh trích xuất từ camera. Tuy nhiên, để làm tốt việc này, phải có hành lang pháp lý, có các quy định để đảm bảo cưỡng chế, bắt buộc người vi phạm phải tuân thủ.

“Tiến tới, chúng tôi quan niệm chủ yếu là xử phạt qua hình ảnh. Muốn vậy, chủ phương tiện phải có tài khoản. Do đó, rất cần hoàn chỉnh khung pháp lý liên quan. Phạt qua tài khoản sẽ cải cách hành chính được rất nhiều, rất thuận lợi, đồng bộ,” ông nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục