Xuất khẩu dệt may năm 2014 của Việt Nam nhiều khả năng đạt 24,5 tỷ USD, tăng trên 19% so với năm 2013 và là mức tăng lớn nhất trong ba năm qua.
Điều này thể hiện nỗ lực của toàn ngành trong việc định hướng chiến lược sản xuất, chọn lựa thị trường ngách để phát triển cũng như tăng tỷ lệ nội địa hóa nhằm nâng cao giá trị gia tăng của hàng Việt Nam.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nếu tính từ thời mới có Hiệp định thương mại Việt Mỹ năm 2003, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam chỉ có 20% là của người Việt Nam, thì đến năm 2014 con số này là trên 50% bao gồm giá trị nguyên phụ liệu ở trong nước và các giá trị gia tăng khác.
Như vậy, năm nay với 24,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, dệt may đã mang lại thặng dự thương mại 12 tỷ USD. Cùng với đó, các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương cũng là sức hút để các đơn đặt hàng từ các quốc gia khác chuyển dịch về Việt Nam.
Ngoài những thành tựu đạt được, ngành vẫn đang vướng phải nhiều khó khăn như tập trung giải quyết, đó là yêu cầu về xuất xứ khi mà Hiệp định TPP yêu cầu xuất xứ từ sợi, FTA với EU yêu cầu xuất xứ từ vải, trong khi dệt vải vốn chưa phải là thế mạnh của Việt Nam.
Cùng với đó, hiện nay theo định hướng chung của ngành là không phụ thuộc vào một nguồn cung duy nhất từ Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang hướng sang các nguồn cung khác từ khối các nước ASEAN và nhất là Ấn Độ.
Vì thế, bên cạnh việc xúc tiến thương mại từ cấp Chính phủ giữa Việt Nam và Ấn Độ, ngày càng nhiều các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hợp tác, đầu tư với các doanh nghiệp Ấn Độ trong lĩnh vực nhuộm hoàn tất. Đồng thời ngành vẫn bám sát mục tiêu sản xuất nguyên phụ liệu trong nước.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, các doanh nghiệp của Vinatex đầu tư mạnh vào lĩnh vực nguyên phụ liệu, đến nay đã có dư lượng sợi để xuất khẩu, sản lượng vải dệt kim cũng đáp ứng được 60% nhu cầu trong nước. Mặt khác, Vinatex cũng xác định đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự quyết tâm và giải pháp đúng đắn.
Hiện nay, Việt Nam là quốc gia được đánh giá có năng lực cạnh tranh cao tại chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu tuy nhiên việc tự xây dựng một thương hiệu của riêng mình là rất cần thiết. Việt Nam cần phải tiếp tục tiến lên những bậc cao hơn nữa trong chuỗi giá trị dệt may thế giới./.