Tại Hội nghị đánh giá 1 năm triển khai Chương trình “Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU," do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 25/9, nhiều doanh nghiệp cho biết xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, kể từ sau ngày 23/10/2017 - thời điểm hải sản Việt Nam bị Ủy ban châu Âu cảnh cáo thẻ vàng liên quan đến hoạt động khai thác cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU), xuất khẩu hải sản sang thị trường EU bị tác động đáng kể sau sự cố này.
Trong 8 tháng qua, mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu hải sản của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên các chỉ số tăng trưởng từng mặt hàng đều thấp hơn so với cùng kỳ và mức tăng có xu hướng chậm lại.
Đáng chú ý, tại thị trường EU, xuất khẩu hải sản có sự sụt giảm sâu và liên tục trong năm nay. Tính chung trong 8 tháng qua, xuất khẩu hải sản sang EU chỉ đạt 252 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ. Sự sụt giảm này đã khiến thị phần xuất khẩu hải sản ở thị trường này bị thu hẹp lại, chỉ còn chiếm khoảng 12% thay vì 16-17% tổng xuất khẩu hải sản của Việt Nam.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Thuỷ sản Bình Định cũng cho biết tác động của "thẻ vàng" đang ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp ở thị trường EU.
[Đề nghị EU xem xét sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" đối với hải sản Việt Nam]
Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu hải sản sang thị trường này giảm đến 20-30% so với cùng kỳ. Chưa hết, gần như 100% lô hàng xuất khẩu sang EU đều bị kiểm tra khiến doanh nghiệp phát sinh thêm nhiều chi phí và hệ lụy. Các nhà nhập khẩu cũng liên tục làm khó doanh nghiệp.
"Dù bản thân doanh nghiệp đã nỗ lực tìm kiếm thị trường khác thay thế nhưng ngay lập tức không phải muốn là chuyển được liền. Do vậy, nếu không tháo gỡ "thẻ vàng," các doanh nghiệp và ngành thủy sản Việt Nam sẽ mất đi cơ hội xuất khẩu, mở rộng thị trường EU cũng như ảnh hưởng đến các thị trường khác,” bà Lan chia sẻ.
Trước những tác động của "thẻ vàng" lên hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đại diện VASEP cũng nhận định từ nay đến cuối năm 2018, xuất khẩu hải sản sang thị trường EU sẽ tiếp tục sụt giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu hải sản nói chung của Việt Nam trong năm nay.
Dự báo trong năm 2018, xuất khẩu hải sản chỉ đạt khoảng 3,2 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mục tiêu đã đề ra hồi đầu năm nay là 3,4 tỷ USD.
Nhằm chung tay tháo gỡ "thẻ vàng" IUU, VASEP và cộng đồng doanh nghiệp hải sản trên cả nước đã triển khai nhiều hoạt động trong khuôn khổ Chương trình doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU.
Trong một năm qua, Chương trình IUU của VASEP đã thu hút được sự tham gia của 62 doanh nghiệp.
Ban điều hành IUU của VASEP cũng đã tổ chức các hoạt động góp ý về pháp lý, đề xuất các hành động, tổ chức hội thảo, làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan... đồng thời, có những hoạt động thực tế như: khảo sát hoạt động quản lý nghề cá tại các địa phương; các doanh nghiệp tham gia chương trình đồng loạt treo “Bản cam kết chống khai thác IUU” bằng song ngữ Việt-Anh tại nhà máy...
Theo VASEP, từ nay đến tháng 12/2019, Chương trình IUU của VASEP sẽ tiếp tục triển khai các nhóm công việc chính như tham gia góp ý sửa đổi khung pháp lý; hợp tác các bên và quan hệ quốc tế; tiếp tục các hoạt động tuyên truyền, truyền thông về phòng chống khai thác IUU và những nỗ lực của Việt Nam đang thực hiện...
Ngoài mục tiêu lấy lại thẻ xanh trong thời gian ngắn nhất, VASEP và cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các hoạt động trên sẽ giúp nghề cá Việt Nam phát triển bền vững hơn trong thời gian tới./.