Mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 xảy ra kéo dài tại địa phương, nhưng 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Bình Dương ước đạt hơn 24,5 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 79,8% kế hoạch năm nay.
Theo ghi nhận, kim ngạch xuất khẩu của vực khu vực kinh tế trong nước đạt hơn 4,6 tỷ USD, tăng 31,3%; trong khi khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài vẫn áp đảo chiếm 19,8 tỷ USD, tăng 25,6%.
Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương giữ mức tăng khá so với cùng kỳ như máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, sắt thép các loại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử…
Một số ngành sản xuất khẩu tỷ đô gồm sản phẩm từ gỗ, giày dép các loại, hàng dệt may... giữ mức tăng trưởng dương. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ trong 9 tháng ước đạt hơn 4,98 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 20,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu gần 2 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 8% tổng kim ngạch xuất khẩu; giày da ước đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng 14,4%...
Thị trường xuất khấu lớn nhất hiện nay là Mỹ, kế tiếp là châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản.
[Các doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương cần khoảng 50.000 lao động]
Qua kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh của 450 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cho thấy, có 10,71% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý 3/2021 tốt hơn quý trước; 49,33% số doanh nghiệp đánh giá khó khăn và 39,96% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
Về số lượng đơn đặt hàng mới, có 4,98% số doanh nghiệp đánh giá đơn đặt hàng quý 3/2021 cao hơn quý trước; 46,83% số doanh nghiệp đánh giá đơn hàng giảm và 48,19% số doanh nghiệp đánh giá có đơn đặt hàng ổn định.
Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới, có 3,61% số doanh nghiệp đánh giá quý 3/2021 tăng hơn so với quý trước; 45,83% số doanh nghiệp đánh giá đơn hàng giảm và 50,56% số doanh nghiệp đánh giá ổn định.
Dự báo về tình hình sản xuất kinh doanh quý 4/2021 so với quý 3/2021, có hơn 87% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và tốt hơn; trong đó, trên 47% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 39% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và hơn 12,8% dự báo khó khăn hơn.
Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất đồ gỗ cho biết hiện đơn hàng không thiếu, nhưng muốn duy trì sản xuất phải có đầy đủ nhân công, lao động.
Nhằm bảo đảm nguồn lao động cho các doanh nghiệp sau khi phục hồi lại sản xuất, lãnh đạo tỉnh Bình Dương kêu gọi người lao động không tự phát vể quê; khuyến cáo bà con ở lại để tiếp tục sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.
Hiện, tỉnh đang ưu tiên tiêm vaccine mũi 2 cho người lao động để có “thẻ xanh” vào nhà máy máy làm việc. Tính đến nay, tại Bình Dương đã có hơn 2 triệu người được tiêm ít nhất 1 mũi. Tuy nhiên, hiện mới có 258.057 người tiêm đủ 2 mũi.
Bình Dương đang tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp hồi phục trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến nay, tỉnh đã có 85% doanh nghiệp đăng ký nối lại sản xuất trong điều kiện mới./.