Xuất khẩu nông, lâm và thủy sản 11 tháng qua tăng hơn 9%

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 11 năm nay ước đạt 3,61 tỷ USD; như vậy, tổng giá trị xuất khẩu của lĩnh vực này 11 tháng qua đạt 36,3 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu nông, lâm và thủy sản 11 tháng qua tăng hơn 9% ảnh 1Cấp đông sản phẩm tôm xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 11 năm nay ước đạt 3,61 tỷ USD.

Như vậy, tổng giá trị xuất khẩu 11 tháng qua đạt 36,3 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt gần 18,1 tỷ USD, tăng 3,1%; thủy sản đạt 8,1 tỷ USD, tăng 6,8%; chăn nuôi đạt 0,51 tỷ USD, tăng 13%; các mặt hàng lâm sản chính đạt 8,6 tỷ USD, tăng 18%.

Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11 này ước đạt 496.000 tấn với giá trị đạt 241 triệu USD. Như vậy, khối lượng xuất khẩu gạo 11 tháng qua ước đạt 5,7 triệu tấn với 2,9 tỷ USD, tăng 5,6% về khối lượng và tăng 17,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Mặt hàng gạo tuy xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh (30%) song Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 24,1% thị phần.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo năm nay, gạo xuất khẩu giữ vững đà tăng trưởng, kỳ vọng có thể đạt 6,15 triệu tấn với kim ngạch đạt 3,15 tỷ USD, tăng 5,7% về lượng và 19,6% về trị giá so với năm ngoái.

Mục tiêu này có thể đạt được bởi thị trường gạo trong những tháng cuối năm đang có tín hiệu nhập khẩu từ Indonesia và Philippines.

Trong phiên mở thầu nhập 500.000 tấn gạo loại 25% tấm ngày 20/11 của Philippines, Việt Nam đã giành được hợp đồng xuất khẩu với khối lượng 118.000 tấn.

[Infographics] 11 tháng năm 2018: Việt Nam xuất siêu hơn 6,8 tỷ USD

Dự báo Ai Cập sẽ phải nhập khẩu 500.000 tấn gạo trong đầu năm tới do giảm diện tích canh tác. Trong phiên thầu mua gạo quốc tế đầu tiên của Ai Cập trong năm nay, có một mẫu gạo từ Việt Nam đã qua được vòng kiểm nghiệm.

Về càphê, xuất khẩu mặt hàng này 11 tháng qua ước đạt 1,73 triệu tấn với 3,3 tỷ USD, tăng 23,4% về khối lượng và tăng 3,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 11 này, thị trường càphê trong nước biến động giảm theo xu hướng thị trường thế giới. Giá càphê vối nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm từ 700-900 đồng/kg với tháng trước, xuống còn 34.600-35.200 đồng/kg.

Giá càphê giảm do thị trường càphê Robusta tiếp tục chịu sức ép từ hoạt động bán phòng hộ hàng vụ mới của các nước sản xuất. Bên cạnh đó, giá càphê còn giảm do các nhà đầu cơ và các quỹ đã quay lại bán ròng trên sàn London khi áp lực nguồn cung bắt đầu có dấu hiệu gia tăng.

Dự báo, giá càphê thời gian tới sẽ khó khởi sắc do sản lượng vụ càphê Conilon Robusta mới năm nay của Brazil, sau khi đáp ứng đủ cho nhu cầu trong nước dự báo sẽ dư thừa khoảng 4-5 triệu bao cho xuất khẩu, đang chảy mạnh về sàn London để đăng ký bán đấu giá.

Với hồ tiêu, do giá xuất khẩu hạt tiêu giảm liên tục (38%) nên dù xuất khẩu có tăng về sản lượng, đạt 220.000 tấn nhưng giá trị chỉ đạt 718 triệu USD, giảm 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá hạt tiêu thế giới được kỳ vọng sẽ tăng nhẹ trong thời gian tới nhờ thặng dư cung-cầu giảm. Năm 2019, dự báo sản lượng của một số nước sản xuất chính như Việt Nam và Ấn Độ đều không khả quan do ảnh hưởng từ dịch bệnh và thiên tai.

Trong dài hạn, chất lượng sẽ là yếu tố quyết định lên giá hạt tiêu. Do đó nông dân, doanh nghiệp cần thúc đẩy sản xuất hạt tiêu theo hướng hữu cơ. Đồng thời, xây dựng và quảng bá thương hiệu tiêu của từng địa phương đến các thị trường trên thế giới.

Xuất khẩu nông, lâm và thủy sản 11 tháng qua tăng hơn 9% ảnh 2Thu hoạch hồ tiêu sạch. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Tình hình tương tự cũng diễn ra với mặt hàng cao su. Khối lượng và giá trị xuất khẩu cao su 11 tháng qua ước đạt 1,37 triệu tấn với 1,87 tỷ USD, tăng 13,2% về khối lượng nhưng giảm 6,5% về giá trị do giá xuất khẩu giảm 20%.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, hiện giá cao su trên thế giới đang chịu áp lực giảm do thị trường thiếu các yếu tố hỗ trợ giá cao su; giá dầu trên thị trường thế giới giảm mạnh.

Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc có tác động rõ hơn đối với xuất khẩu lốp xe của Trung Quốc.

Trong ngắn hạn, giá cao su thế giới dự báo vẫn sẽ duy trì ở mức thấp do căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chưa được giải quyết và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong thời gian tới do nhu cầu thấp từ thị trường xuất khẩu cao su chủ chốt là Trung Quốc. Do đó, các doanh nghiệp cần đa dạng thị trường để tránh phụ thuộc vào thị trường truyền thống.

Cũng tăng về lượng nhưng giảm về giá trị trong xuất khẩu, mặt hàng điều xuất khẩu 11 tháng qua đạt 342.000 tấn với kim ngạch 3,1 tỷ USD.

Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam với trên 60% thị phần.

Trong 11 tháng qua, giá trị xuất khẩu rau quả đạt 3,5 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng cho biết, ước giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản 11 tháng qua đạt 28,8 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.