Xuất khẩu tăng hơn gấp 2 lần so với mục tiêu của ngành công thương

Qua 9 tháng, cả nước có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Đặc biệt, tăng trưởng tập trung ở mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Xuất khẩu tăng hơn gấp 2 lần so với mục tiêu của ngành công thương ảnh 1Phiên họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức chiều 12/10. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thông tin tại buổi họp báo do Bộ Công Thương tổ chức chiều 12/10, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết xuất nhập khẩu 9 tháng năm 2022 tiếp tục tăng cao với cùng kỳ, đạt gần 558 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 282,3 tỷ USD, tăng 17,2%.

Có 32 mặt hàng vượt tỷ USD

Cụ thể hơn, theo ông Hải, xuất khẩu tăng hơn gấp 2 lần so với mục tiêu của ngành (mục tiêu cả năm xuất khẩu tăng khoảng 8%). Đáng chú ý, tăng trưởng đồng đều ở hai nhóm hàng chính là nhóm hàng công nghiệp chế biến (tăng 17,4%) và nhóm hàng nông, thủy sản (15,6%) và tăng cao ở nhóm nhiên liệu và khoáng sản (tăng 44,9%).

[Xuất khẩu chặng về đích: Hóa giải thách thức để giữ tăng trưởng cao]

Cũng theo ông Hải, qua 9 tháng, cả nước có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, cao hơn so 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, tăng trưởng tập trung ở mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và khai thác tốt các FTA như dệt may (tăng 24%) và da giày (tăng 36%).

“Các doanh nghiệp đang khai thác rất hiệu quả lợi thế từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu. Thị trường truyền thống được khai thác triệt để, mở rộng thêm các thị trường mới thông qua hàng loạt các biện pháp,” Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt gần 276 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước và cơ bản được kiểm soát tốt. Song nhập khẩu nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu tăng, chiếm gần 94%; nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm gần 6%.

“Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu 6,76 tỷ đồng, góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế,” ông Hải nhấn mạnh.

Liên quan tới việc Malaysia đã trở thành thành viên thứ 9 phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, cho biết, ngày 5/10, Malaysia chính thức thông báo về việc nước này đã hoàn tất phê chuẩn Hiệp định CPTPP.

Theo đó, Hiệp định này sẽ có hiệu lực với Malaysia vào ngày 29/11/2022. Trong số 11 nước đã ký kết Hiệp định CPTPP thì Malaysia là nước thứ 9 thông qua hiệp định này, sau Mexico, Nhật Bản, Singapore, Australia, New Zealand, Canada, Việt Nam và Peru.

Bà Mai nhấn mạnh việc Malaysia phê chuẩn Hiệp định CPTPP sẽ giúp hàng hóa của Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi theo Hiệp định khi xuất khẩu sang nước này kể từ ngày 29/11/2022. Bên cạnh đó, mặc dù nước ta cũng đã có những hiệp định ký với Malaysia trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN +.

"Nhưng với việc Malaysia phê chuẩn hiệp định CPTPP thì Việt Nam có thể tận dụng nguyên vật liệu của ASEAN để sản xuất hàng hóa xuất sang 3 thị trường mà ASEAN chưa có FTA như Canada, Mexico và Peru," đại diện Vụ Đa biên nói.

Tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn

Mặc dù đạt được kết quả tích cực như trên, song theo lãnh đạo Bộ Công Thương, nhiều yếu tố sẽ tác động đến xuất nhập khẩu những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Cụ thể là các thị trường lớn của Việt Nam đang chịu nhiều tác động của lạm phát tăng cao; đồng tiền bản địa mất giá so với đồng USD, thị trường xuất khẩu thu hẹp do tổng cầu giảm; chính sách thắt chặt tiền tệ và phòng, chống dịch COVID-19 ở một số nước cũng sẽ tác động đến thị trường xuất khẩu của Việt Nam theo hướng bất lợi…

Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị khiến chuỗi cung ứng tiếp tục bị đứt gãy, tác động đến việc giữ giá cả nguyên, nhiên vật liệu, chi phí vận tải ở mức cao. Doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong phục hồi; khó khăn trong tiếp cận tín dụng, gói hỗ trợ; thủ tục hành chính, hoàn thuế VAT chậm, cạnh tranh lao động giữa các ngành xu hướng tăng…

Vì vậy, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao, về phía Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất-kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành.

Đơn vị này cũng tổ chức kết nối cho các doanh nghiệp trong tìm kiếm nguyên vật liệu phù hợp, tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu.

“Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hoà, bền vững,” Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin thêm.

- Cán cân thương mại 9 tháng năm 2022 của Việt Nam:

Ngoài ra, để tạo đà thúc đẩy xuất khẩu, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm tận dụng tốt hơn các cam kết FTA mang lại, trong đó, chú trọng vào việc phổ biến các cam kết rộng rãi đến các doanh nghiệp; tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu hàng hoá xuất khẩu để tham gia vào các thị trường các nước.

Ngoài ra, theo bà Phạm Quỳnh Mai, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đàm phán một số Hiệp định FTA mới như Hiệp định song phương giữa Việt Nam và Ireland; đàm phán Hiệp định FTA giữa ASEAN và Canada; tiếp tục nâng cấp một số hiệp định FTA giữa ASEAN và một số đối tác quan trọng của ASEAN như: Australia, New Zealand, Trung Quốc, Hàn Quốc… để từ đó doanh nghiệp có thể tận dụng được tốt hơn các ưu đãi từ các thị trường mà Việt Nam đã có FTA và mang lại lợi ích nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.