Dữ liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu tháng 3/2024 của nước này giảm mạnh, trong khi nhập khẩu cũng bất ngờ giảm mạnh hơn so với dự báo của thị trường.
Kết quả này càng nhấn mạnh nhiệm vụ mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải đối mặt trong nỗ lực thúc đẩy sự phục hồi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Cụ thể, hoạt động xuất khẩu hàng hóa từ Trung Quốc trong tháng Ba vừa qua đã giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức giảm lớn nhất kể từ tháng 8/2023, so với dự báo giảm 2,3% trong cuộc thăm dò ý kiến của các nhà kinh tế của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh).
Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc tăng 7,1% trong khoảng thời gian từ tháng Một đến tháng Hai năm nay.
Trong khi đó, nhập khẩu của Trung Quốc cũng bất ngờ giảm 1,9% trong tháng Ba, sau khi tăng trưởng 3,5% trong hai tháng đầu năm. Kết quả này cũng đi ngược với dự báo tăng 1,4% của giới phân tích.
Như vậy, Trung Quốc đạt thặng dư thương mại 58,55 tỷ USD trong tháng 3/2024, so với mức thặng dư 70,2 tỷ USD dự kiến trong cuộc thăm dò của Reuters.
Diễn biến ngoài dự kiến của cả xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng Ba chỉ ra rằng Trung Quốc sẽ cần kích thích chính sách toàn diện và có mục tiêu hơn để đáp ứng mức tăng trưởng đầy tham vọng của mình.
Ông Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng tại công ty dịch vụ bất động sản Jones Lang Lasalle, cho biết: “Sẽ còn một chặng đường để hoạt động ngoại thương của Trung Quốc quay trở lại làm động lực tăng trưởng cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.”
Giữa bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các quốc gia phát triển khác không cho thấy sự cấp thiết phải cắt giảm lãi suất, các nhà sản xuất Trung Quốc có thể phải đối mặt với một giai đoạn thử thách tiếp theo khi họ cố gắng đẩy mạnh việc bán hàng hóa ở nước ngoài.
Các nhà phân tích cũng lưu ý về tình trạng dư thừa năng lực của Trung Quốc trong một số ngành công nghiệp có thể mang lại nhiều rào cản thương mại hơn cho trung tâm sản xuất của thế giới.
Trong khi đó, một khảo sát do tư nhân thực hiện cho thấy tăng trưởng hoạt động dịch vụ tại Trung Quốc trong tháng 3/2024 đã tăng tốc, khi các hoạt động kinh doanh mới gia tăng ở mức nhanh nhất trong ba tháng.
Đây là dấu hiệu cho thấy tâm lý kinh doanh đang khởi sắc, tạo điều kiện cho sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo đó, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành dịch vụ Trung Quốc do Caixin và S&P Global tổng hợp đã tăng từ mức 52,5 trong tháng Hai lên 52,7 vào tháng Ba vừa qua, đánh dấu tháng thứ 15 liên tiếp chỉ số này ở trên ngưỡng 50 điểm.
Nhờ nhu cầu cơ bản được cải thiện và nỗ lực thúc đẩy số lượng đơn đặt hàng mới, tốc độ mở rộng hoạt động kinh doanh mới trong ngành dịch vụ Trung Quốc đạt mức nhanh nhất kể từ tháng 12/2023.
Điều đó cũng thúc đẩy niềm tin kinh doanh khi chỉ số phụ về triển vọng hoạt động tương lai tăng lần đầu tiên sau ba tháng, giữa bối cảnh có những hy vọng rằng các dòng sản phẩm mới, kế hoạch mở rộng và tăng ngân sách khách hàng sẽ giúp thúc đẩy doanh số bán hàng.
Tuy nhiên, doanh số bán hàng khả quan hơn và niềm tin kinh doanh không thể chuyển thành tỷ lệ tuyển dụng cao hơn.
Chỉ số việc làm của ngành dịch Trung Quốc đã giảm tháng thứ hai liên tiếp, mặc dù tỷ lệ sa thải đã giảm so với tháng Hai.
Theo những người tham gia khảo sát, việc nhân viên từ chức cùng các đợt sa thải để cải thiện năng suất đã dẫn đến số lượng lao động trong ngành này giảm.
Dù vậy, cùng với kết quả khảo sát ngành chế tạo tốt hơn mong đợi, số liệu bổ sung thêm bằng chứng cho thấy một số bộ phận của nền kinh tế Trung Quốc đang lấy lại động lực trong quý đầu tiên của năm 2024.
Trước đó, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho hay các công ty trong lĩnh vực công nghiệp nước này đã đạt lợi nhuận cao hơn trong những tháng đầu năm 2024, củng cố các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang dần phục hồi bất chấp tình trạng trì trệ kéo dài trong lĩnh vực bất động sản.
Theo NBS, lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc đã tăng 10,2% trong hai tháng đầu năm 224 so với cùng kỳ năm trước đó, sau khi lợi nhuận giảm 2,3% trong cả năm 2023.
Sự gia tăng này diễn ra sau các chỉ số lạc quan hồi đầu tháng này cho thấy sự ổn định ở nền kinh tế lớn nhất châu Á. Tuy nhiên, mức tăng chung vẫn bị hạn chế do tình trạng trì trệ kéo dài trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc. Điều này đã cho thấy sự khác biệt trong quá trình phục hồi sau đại dịch của đất nước.
Nhà kinh tế trưởng Lynn Song của ngân hàng ING cho biết, đà phục hồi của ngành sản xuất nếu tiếp tục được duy trì, nó sẽ góp phần giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2024, song vẫn cần nhiều chính sách hỗ trợ hơn để duy trì đà tăng trưởng và phục hồi.
Dữ liệu cho thấy các công ty nhà nước ghi nhận lợi nhuận tăng 0,5% trong tháng 1-2/2024, lợi nhuận của các công ty nước ngoài đạt mức tăng 31,2%, trong khi các công ty thuộc khu vực tư nhân ghi nhận mức tăng 12,7%./.
Trung Quốc thăng hạng về chỉ số niềm tin FDI
Báo cáo của công ty tư vấn quản lý toàn cầu Kearney cho rằng bước tiến của Trung Quốc trong bảng xếp hạng một phần là nhờ đã nới lỏng kiểm soát vốn đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào tháng 9/2023.