Xúc động những tác phẩm thơ ca về Tổng Bí thư trên nền tảng số

Sau khi Tổng Bí thư từ trần, nhiều văn nghệ sỹ đã ngay lập tức có những sáng tác thơ ca xúc động, thể hiện niềm tiếc thương vô hạn đối với một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo vĩ đại của dân tộc.

Ca sỹ Anh Thơ không nén nổi nước mắt khi thu âm ca khúc "Một đời là sen ngát." (Ảnh: NVCC)
Ca sỹ Anh Thơ không nén nổi nước mắt khi thu âm ca khúc "Một đời là sen ngát." (Ảnh: NVCC)

Những ngày qua, trong niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều văn nghệ sỹ đã sáng tác nhiều tác phẩm thơ ca để bày tỏ tình cảm của mình. Nhiều tác phẩm mang lại cảm xúc đặc biệt cho khán giả, đạt nhiều lượt xem/nghe trên các nền tảng số.

Trong số đó, ca khúc “Một đời là sen ngát” của tác giả-nhà báo Hà Tùng Long, do ca sỹ Anh Thơ thể hiện, đã được lan tỏa rộng rãi trên các trang nghe nhạc trực tuyến và mạng xã hội. Chỉ sau hai ngày phát hành trên nền tảng YouTube, ca khúc này đã vượt mốc 1 triệu view (lượt xem).

“Một đời là sen ngát” mang âm hưởng dân ca quan họ Bắc Ninh với ca từ mộc mạc, chắt lọc và giai điệu sâu lắng, da diết. Qua tiếng hát của ca sỹ Anh Thơ, ca khúc đã chạm đến cảm xúc của nhiều người nghe.

Tác giả Hà Tùng Long cho biết sau khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, anh đã rất đau buồn. Ngay lập tức, anh viết bốn câu thơ để bày tỏ sự tiếc thương của mình và chia sẻ lên mạng xã hội: “Tiễn người về mây trắng/ Lòng se sắt tiếc thương/ Một đời là sen ngát/ Vạn cổ rạng bóng dương.”

Bất ngờ là bốn câu thơ này lại được hàng nghìn người đồng cảm và chia sẻ lại trên trang cá nhân của mình. Từ đó, anh ấp ủ muốn làm một điều gì đó có thể chạm vào cảm xúc của nhiều người hơn, vậy là bài hát “Một đời là sen ngát” ra đời.

“Hoàn thành bài hát lúc 1 giờ sáng, tôi báo tin ngay cho ca sỹ Anh Thơ. Chị rất xúc động và đổi lịch công tác tại Huế để kịp thu âm ngay ca khúc này,” tác giả Hà Tùng Long cho biết.

Trên đường từ Huế về Hà Nội, ca sỹ Anh Thơ đã cố gắng để thuộc bài hát, khi bước vào phòng thu thì thu âm rất nhanh.

“Trong quá trình thu, tôi đã rất cố gắng kiềm chế cảm xúc để sự nghẹn ngào không lẫn vào câu hát nhưng cuối cùng nước mắt vẫn trào ra. Cảm từng lời của bài hát, nhìn lại cuộc đời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại càng biết ơn bác hơn vì bác đã sống trọn một đời vì nước vì dân, trọn lòng son của người cộng sản,” ca sỹ Anh Thơ bộc bạch.

Trong nỗi buồn chung của cả dân tộc, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương đã sáng tác bài thơ “Tiễn người đi” để bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn, lòng kính trọng sâu sắc đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Những vần thơ chứa chan nỗi niềm của tác giả được thể hiện đầy xúc động qua giọng ngâm của Nghệ sỹ Ưu tú Quang Khải, Nhà hát Cải lương Việt Nam.

"Dẫu biết về điều đó

Thiên nhân hợp nhất mà

Người khóc và trời khóc

Nỗi Hiền nhân đi xa

Nức nở câu quan họ

Đừng về, ơi Người ơi

Nước còn bao việc khó

Thiếu tay Người, đầy vơi

Xây Đảng, lo việc nước

Yêu dân, trừ gian tà

Chấn hưng nền văn hóa

Thuyền rẽ sóng khơi xa

Xây Chủ nghĩa Xã hội

Vì phẩm giá con người

Dân giàu và nước mạnh

Nụ cười thắm trên môi

Sông Hồng mùa nước lũ

Mê Kông lo cạn dòng

Hoàng Sa đang lưu lạc

Trường Sa vẫn bão dông

Người vợ già hiền hậu

Ôm linh cữu của chồng

Tết này nhà vẫn gói

Bánh chưng, Anh biết không

Hãy cầm lòng Người ạ

Bớt vạt áo ướt đầm

Tiễn Người miền mây trắng

Trời ngớt dần gió dông."

Với nhà báo Ngô Bá Lục, bức ảnh phu nhân Ngô Thị Mận nghiêng người chạm vào linh cữu Tổng Bí thư đã gây xúc động mạnh đối với anh.

“Hình ảnh ấy ngay lập tức gợi nhớ đến mẹ tôi của 11 năm trước, cũng dáng người như thế, gương mặt nén nỗi đau tột cùng như thế, chạm tay vào quan tài cha tôi như vừa muốn níu giữ, vừa muốn ôm lấy người mình yêu. Đó là hình ảnh mà chúng ta vẫn nhìn thấy những người phụ nữ Việt Nam từ bao nhiêu năm trước – luôn nén chịu những hy sinh, để chồng mình hoàn thành nhiệm vụ với Đảng, với Nhân dân, với Tổ quốc,” nhà báo Ngô Bá Lục chia sẻ.

Nhà báo Ngô Bá Lục đã viết bài thơ “Mình ơi” và nhận được sự đồng cảm của Nghệ sỹ Ưu tú Hồng Liên. Dù đang nằm trên giường bệnh nhưng Nghệ sỹ Ưu tú Hồng Liên đã thực hiện thu âm bản ngâm bài thơ này. Sau đó, Nghệ sỹ Ưu tú Tố Nga nảy ra ý nhạc. Chị ngồi vào đàn, bật lên những giai điệu và nhờ người phối khí, hoàn thiện bài hát “Mình ơi” từ chính bài thơ của nhà báo Ngô Bá Lục.

Chỉ trong thời gian ngắn, giới văn nghệ sỹ đã ngay lập tức có những sáng tác nói thay tiếng lòng của triệu người dân Việt Nam đối với Tổng Bí thư. Thời gian qua đi, chắc chắn sẽ có nhiều tác phẩm có ý nghĩa khác ra đời, thể hiện tình cảm của mình với nhà lãnh đạo kính yêu của dân tộc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục