Ngày 29/5, tại phiên họp sáng, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam và dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).
Trong phiên họp sáng, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật An ninh mạng. Dự luật từng được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 vào cuối năm 2017.
Đa số đại biểu đồng tình về sự cần thiết ban hành Luật An ninh mạng trong bối cảnh hiện nay, nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng. Tuy nhiên, nhiều đại biểu có ý kiến trái chiều về việc doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh mạng có phải đặt văn phòng đại diện ở Việt Nam hay không.
Về bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng đối với doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam (khoản 4 Điều 34 dự thảo Luật do Chính phủ trình), nhiều ý kiến nhất trí với quy định bắt buộc các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam tại Việt Nam.
Một số ý kiến không nhất trí với quy định này vì cho rằng khó bảo đảm tính khả thi, không đúng với thực tiễn, gia tăng chi phí của doanh nghiệp nước ngoài, gây khó khăn cho các hoạt động tiếp cận thông tin và trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên... nên đề nghị nghiên cứu phương pháp quản lý khác cho phù hợp.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật An ninh mạng cho biết sau khi cân nhắc nhiều mặt, đồng thời tham khảo các quy định tương tự của pháp luật một số nước là thành viên của WTO, về yêu cầu đặt máy chủ quản lý dữ liệu trên lãnh thổ Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo không quy định nội dung này trong dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi và thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ vào Việt Nam.
[Xử lý hành vi vi phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng]
Về yêu cầu đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ lại nội dung này trong dự thảo Luật và ghép với quy định tương tự đối với doanh nghiệp trong nước để chỉnh lý thành khoản 2 Điều 26 dự thảo Luật đã chỉnh lý.
Việc quy định như vậy sẽ đáp ứng được yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với dữ liệu điện tử và xử lý các tình huống, hành vi trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn hiện nay. Quy định như vậy còn tạo hành lang pháp lý cho các bộ, ngành chức năng quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam; đảm bảo chủ quyền thanh toán, chống thất thu thuế; bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước.
Nêu ý kiến tại các tổ thảo luận, các đại biểu nhất trí việc sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá năm 2007 là cần thiết để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, với quy định của các đạo luật liên quan đến tư pháp hình sự mới được Quốc hội thông qua và giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong công tác xét đặc xá thời gian qua.
Đối với dự án Luật Cảnh sát biển, các đại biểu nhất trí việc ban hành luật là cần thiết, nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định có liên quan của Hiến pháp năm 2013 về tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và xây dựng các lực lượng trên biển, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Theo các đại biểu, dự án luật được nâng lên từ Pháp lệnh Cảnh sát biển nhưng có sự bổ sung đáng kể về nội dung, bên cạnh đó, các đại biểu yêu cầu ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát các quy định hiện hành, kể cả các văn bản dưới luật để quy định bao quát, toàn diện, đầy đủ hơn./.