Y tế cơ sở: Thành trì vững chắc để ''Dĩ bất biến, ứng vạn biến''

Trải qua những giờ phút “sinh tử,” tại những thời điểm dịch bệnh bùng phát với các “tâm dịch,” hệ thống y tế đã được thử thách, tôi luyện và ngày càng vững vàng hơn…
(Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Hơn 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm đắt giá cho Việt Nam. Dù trải qua nhiều thời điểm tưởng chừng “ngàn cân treo sợi tóc,” song với quyết tâm cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự “căng mình” của hệ thống y tế từ tuyến cơ sở tới cấp trung ương, chúng ta đã cơ bản khống chế được “cơn khủng hoảng” mang tên COVID-19.

Trải qua những giờ phút “sinh tử,” tại những thời điểm dịch bệnh bùng phát với các “tâm dịch” ở cả ba miền Trung, Nam, Bắc là Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, hệ thống y tế đã được thử thách, tôi luyện và ngày càng vững vàng hơn…

Với phương châm “4 tại chỗ” xuyên suốt quá trình ứng phó với đại dịch, mạng lưới y tế cơ sở đã thực sự phát huy được vai trò là nơi “cửa ngõ” tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân COVID-19.

Tuy nhiên, cũng chính qua thử thách đầy cam go này, hệ thống y tế nói chung và mạng lưới y tế cơ sở nói riêng đã bộc lộ những điểm yếu - từ đó cho thấy đã đến lúc cần phải khắc phục tư duy “vượt tuyến” vốn đã ăn sâu vào trong tiềm thức, thói quen của đại bộ phận người dân đồng thời có chính sách đầu tư một cách bài bản nhằm tạo nền tảng vững chắc cho hệ thống y tế đủ sức chống chọi với những cơn “đại hồng thủy” dịch bệnh có thể đổ ập tới bất cứ lúc nào.

Xuất phát từ thực tế đó, Báo Điện tử VietnamPlus đã thực hiện chùm bài “Thành trì vững chắc để ‘dĩ bất biến, ứng vạn biến’” nhằm đưa ra một cái nhìn tổng quan về thực trạng của hệ thống y tế cấp cơ sở - nơi được coi là “mắt xích” đầu tiên và quan trọng nhất trong cuộc chiến ứng phó với đại dịch cũng như đưa ra những dẫn chứng từ thực tế và cả những “cái giá phải trả’ nếu chúng ta lơ là “hệ thống phòng thủ” này.

Chùm bài cũng gợi mở ra các vấn đề, các đề xuất về cơ chế, chính sách để nhằm tạo lập một mạng lưới y tế cơ sở mạnh cả về con người và cơ sở vật chất, trở thành chỗ dựa đáng tin cậy trong việc chăm lo sức khỏe người dân.

Thời gian qua, mạng lưới y tế cơ sở đã phát huy vai trò của mình với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bài 1: “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”

6 giờ 45 phút ngày 5/3/2022, cẩn thận sắm sửa các “bảo bối” cần thiết như que test mới, một sập giấy tờ cá nhân, hai lớp khẩu trang kỹ lưỡng trên gương mặt và người dù hơi ngây ngấy, ấm ấm, chị P.H.M. vẫn cố gắng gượng đi bộ tới Trạm y tế phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Trạm y tế phường cách nhà chỉ vài trăm mét, nhưng từ trước đến nay, hầu như chưa bao giờ chị M. bước chân tới đó. Nhà có người gặp vấn đề về sức khỏe, chị M. đều đưa tới thẳng các bệnh viện lớn dù vượt tuyến.

(Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Thế nhưng, chỉ vì có COVID-19 mà chị M. đã phải tìm đến trạm y tế phường để thực hiện các thủ tục khai báo cũng như để được hướng dẫn điều trị bệnh bước đầu... Đây được coi là “người gác cổng” trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19, kể từ khi ca bệnh đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 1 năm 2020.

“Người gác cổng” cần mẫn

Không chỉ riêng chị M. mà thời gian qua, theo thói quen trực quan, nhiều người thường đánh giá năng lực của ngành y tế qua sự hiện đại của hệ thống bệnh viện tuyến trên mà xem nhẹ và bỏ qua tuyến y tế cơ sở, trong khi đây lại là “cửa ngõ” quan trọng nhất.

Thực tế thì y tế cơ sở không phải là vấn đề mới, đây là một khía cạnh đã được quan tâm từ lâu ở Việt Nam. Những năm qua, mạng lưới y tế cơ sở đã góp phần quan trọng vào việc dự phòng tích cực, chủ động và toàn diện trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Và thực tế những năm qua, khi nhắc tới 4 từ “y tế cơ sở,” hầu hết mọi người sẽ nghĩ đến cụm từ này chỉ gắn liền với các tỉnh miền núi, những nơi khó khăn…

Thế nhưng, trong thời gian phòng chống dịch COVID-19, y tế cơ sở đã có vai trò quan trọng trong cả phòng, chống dịch và chăm sóc sức khỏe người dân, đặc biệt là người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính tại cộng đồng.

Mạng lưới y tế cơ sở đã phát huy vai trò của mình với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng,” giám sát, điều tra dịch tễ người đi đến từ vùng dịch để có biện pháp xử lý kịp thời không phân biệt vùng núi hay miền xuôi, thành phố lớn hay vùng nông thôn…

Con đường núi vòng vèo, nhà cách xa trạm y tế vài kilômét, ông Chảo Văn Say, bản Là Cơ, xã Bản Giang, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu vừa trở về từ các tỉnh phía Nam. Ông Say cho hay khi dịch bệnh bùng phát mạnh vào gần cuối năm 2020, để an toàn ông đã di dời về Lai Châu và gác lại mọi công việc xa nhà. Khi về đến địa phương, ông đã khai báo y tế và được nhân viên tại Trạm y tế Bản Giang hướng dẫn cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà.

Ông Chảo Văn Say (áo xanh) theo dõi sức khoẻ tại nhà. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhân viên y tế tại Trạm Y tế xã Bản Giang, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu hàng ngày đến nhà F0 và F1 tại 5 bản để giám sát sức khỏe.

Ông Say cho hay không chỉ riêng trong đợt dịch COVID-19 này mà từ trước đến giờ cả nhà ông cứ ai có gì liên quan đến sức khỏe đều tới trạm y tế để thăm khám và để nhân viên y tế tư vấn. Các cháu ông cũng vậy, khi tiêm chủng hay ho hắng, có biểu hiện gì bất thường cũng chỉ biết tới trạm y tế xã.

Đã từ nhiều năm nay, ở những vùng nông thôn, vùng khó khăn, trạm y tế xã là tuyến y tế cơ sở gắn bó mật thiết, được người dân tin tưởng và lựa chọn là điểm đến đầu tiên trong quá trình chăm sóc sức khỏe của mình. Thế nhưng, thực tế này lại trái ngược với các thành phố lớn và chỉ đến khi đại dịch COVID-19 “càn quét” qua, mọi người mới sực tỉnh.

Bệnh dịch - vô hình chung đã trở thành một sợi dây liên kết người dân thành phố với tuyến y tế “gác cổng” gần nhất.

Thành phố Hồ Chí Minh trong đợt dịch từ tháng 7/2021 như một phép thử đầu tiên trong cuộc chiến cam go chống lại dịch COVID-19 của các thành phố lớn cũng như đối với toàn bộ hệ thống y tế cơ sở.

Chị Mai Hoàng Phương, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh cho hay khi mắc COVID-19 chị test ở trạm y tế phường, sau 14 ngày chị tiếp tục ra trạm y tế để xác nhận cách ly y tế tại nhà thành công. Ban đầu chị cũng hơi bỡ ngỡ vì chưa biết test ở đâu, song nhờ có sự chỉ dẫn rất kỹ càng và nhiệt tình của các nhân viên trạm y tế, chị đã được giải tỏa đồng thời được cấp phát túi thuốc điều trị tại nhà…

(Ảnh: PV/Vietnam+)

Những ngày cuối tháng Hai đầu tháng 3/2022, Hà Nội bước vào thời kỳ đỉnh của dịch COVID-19 với những con số về ca mắc mới cao kỷ lục chưa từng có trong đại dịch. Ngày 5/3 Hà Nội ghi nhận hơn 25.000 ca mắc mới, ngày 6/3: 27.577 ca, ngày 7/3: 32.317 ca, ngày 8/3: 32.650 ca, ngày 9/3: 31.365 ca, ngày 10/3: 30.157, ngày 11/3: 31.899 ca...

Các ca mắc COVID-19 tăng “chóng mặt,” lên tới trên 20.000 đến hơn 30.000 ca mỗi ngày đã dồn áp lực lớn cho các trạm y tế cơ sở trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho bệnh nhân, công tác quản lý bệnh nhân. Nhiều người dân tại Hà Nội mệt mỏi xếp hàng chờ làm các thủ tục xác nhận cũng như khai báo F0 để được quản lý và cấp phát thuốc.

Việc quá tải F0 ở các phường trên địa bàn Hà Nội là thách thức lớn đối với lực lượng y tế cơ sở khi mỗi ngày phát sinh hàng trăm, thậm chí tới cả hàng nghìn F0 đang theo dõi ở nhà tại mỗi phường.

Bác sỹ Phạm Quốc Hùng - Trạm trưởng Trạm Y tế phường Thanh Lương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Phạm Quốc Hùng - Trạm trưởng Trạm Y tế phường Thanh Lương, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho hay là địa bàn đông dân cư với hơn 23.000 hộ dân, những ngày cao điểm, nhân viên làm việc tại trạm bị quá tải. Bên cạnh việc tiếp nhận các trường hợp F0 mắc mới điều trị tại nhà, các nhân viên y tế còn hỗ trợ tiêm chủng tận nơi với người già và đẩy nhanh tiêm vaccine mũi 3 cho người dân tại phường.

“Một ngày trạm y tế phường phải nhận đến mấy trăm cuộc điện thoại báo về tình trạng F0, F1 và cả những người cần hỗ trợ. Thậm chí, đêm hôm nhân viên y tế cũng phải bê bình oxy chạy cho bệnh nhân thở. Điện thoại không lúc nào rời…,” ông Hùng nói.

Quá tải và nghịch lý

COVID-19 là dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A, bởi vậy có những quy định mang tính bắt buộc. Theo đó, nếu không khai báo y tế, người mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đến 20 triệu đồng. Nhưng để làm đúng quy định, không hề đơn giản chút nào, cả về phía người dân lẫn nhân viên y tế.

Ngoài ra, nếu không khai báo y yế, người bệnh khi trong tình trạng nặng không được cấp đơn thuốc, không thể chuyển viện lên tuyến trên, không được hướng dẫn điều trị. Nên khi lượng F0, F1 tăng thì chỉ riêng việc “khai báo y tế” đã khiến tuyến y tế cơ sở quá tải là điều khó tránh khỏi.

Đối với công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, lần đầu tiên trong lịch sử các bệnh lây nhiễm, trạm y tế xã phường trở thành nơi quản lý, theo dõi và điều trị hầu hết số bệnh nhân.

Con số thống kê của Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy trong thời điểm cao nhất có khoảng 86.000 bệnh nhân COVID-19 (chiếm 80%) được quản lý, theo dõi và điều trị ngay tại tuyến y tế xã, phường.

Còn tại Hà Nội, con số thống kê đến nay có tới hơn 99% bệnh nhân mắc COVID-19 được theo dõi và quản lý điều trị tại nhà. Đến nay, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng hơn 1,5 triệu ca mắc COVID-19.

Đỉnh cao nhất trong đợt dịch của Hà Nội là vào ngày 7/3/2022 ghi nhận thêm 32.317 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 12.443 ca cộng đồng.

Qua đại dịch mới cho thấy, một sự đảo nghịch so với thường lệ, trước kia khi có bệnh người dân thường lên thẳng cơ sở điều trị ở tuyến trên, bỏ quan tuyến ban đầu thì nay, người mắc bệnh COVID-19 nhất thiết phải khai báo và điều trị ở tuyến cơ sở…

Quả thực y tế cơ sở bị người dân “bỏ quên” từ rất lâu nay, nhìn vào bảng thống kê chi tiêu cho y tế của người dân Việt Nam sẽ thấy mọi người đa phần thường tự chi tiền túi để lên thẳng các tuyến trên.

Theo đánh giá của Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), nghiên cứu mới nhất cho thấy tổng chi cho y tế tại Việt Nam là 17,4 tỷ USD mỗi năm; trong đó quỹ bảo hiểm y tế chiếm 24% (với 4,1 tỷ USD), Ngân sách nhà nước chiếm 36% với 6,3 tỷ USD, đáng lưu ý chi tiền túi của người dân cho các vấn đề liên quan tới y tế chiếm tỷ lệ nhiều nhất lên tới 40% (với 6,9 tỷ USD).

Điều này chỉ ra rằng trong mảng cung ứng dịch vụ y tế hiện cũng có một khoảng cách về chất lượng cũng như khả năng tiếp cận giữa các cơ sở y tế tuyến trên tại các thành phố lớn và các cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến y tế cơ sở. Do đó, nhiều bệnh nhân có khuynh hướng bỏ qua các cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu đã đăng ký tại địa phương và tự chuyển tuyến đến các bệnh viện, dẫn đến hệ thống bệnh viện công quá tải và chi phí tiền túi của bệnh nhân tăng cao, cùng với nhiều vấn đề khác ảnh hưởng đến tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế.

Tại Việt Nam, hệ thống y tế được sắp xếp theo các cấp hành chính và đối với y tế cơ sở theo Chỉ thị 06 của Ban Bí thư và Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương bao gồm cả tuyến huyện và tuyến xã. Trong thời gian qua, hệ thống y tế cơ sở của Việt Nam về cơ bản đáp ứng theo yêu cầu đối với tình hình bình thường. Tuy nhiên, thực tế không đáp ứng được khi tình hình dịch xảy ra, nhất là đối với những địa bàn có diễn biến tình hình dịch phức tạp.

Nhu cầu quản lý, theo dõi và điều trị bệnh nhân COVID-19 tăng đột biến trong đợt dịch lần thứ 4 đã vượt xa năng lực thực tế của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là các trạm y tế xã phường và điều này đã đặt hệ thống y tế cơ sở, với lực lượng tương đối mỏng, luôn trong tình trạng căng thẳng và quá tải kéo dài…

Thế nhưng, nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là rất lớn. Thêm vào đó, nhu cầu của các tầng lớp nhân dân ngày càng cao nên việc thay đổi cơ chế để  “người gác cổng” thực sự thu hút người dân là một “bài toán” lớn cần được giải quyết sớm và cấp bách để sẵn sàng khi ứng phó với mọi tình huống của dịch bệnh./.

Mời độc giả đón đọc toàn bộ loạt bài:

Bài 1: Y tế cơ sở: Thành trì vững chắc để ''Dĩ bất biến, ứng vạn biến''

Bài 2: Khi “sự thật khó tin” diễn ra hằng ngày, trước mắt

Bài 3: ''Chân đế lỏng lẻo, hệ thống điều trị sẽ khó đứng vững''

Bài 4: COVID-19 là phép thử “đắt giá” định vị lại hệ thống y tế cơ sở

Bài 5: Dồn tổng lực để cải thiện “thể trạng” hệ thống y tế cơ sở

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục