Yêu cầu xác định đơn giá nhân công xây dựng phù hợp với thị trường

Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố phải khảo sát thị trường xây dựng, lao động tại địa phương, từ đó xác định đơn giá nhân công để làm cơ sở lập và quản lý chi phí đầu tư các dự án có vốn nhà nước.
Yêu cầu xác định đơn giá nhân công xây dựng phù hợp với thị trường ảnh 1Công nhân thi công kết cấu thép chuẩn bị đổ bê tông mặt trên hạng mục hầm. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Xác định đơn giá nhân công là một trong những “phép toán” quan trọng trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Bởi vậy, Thông tư số 01 của Bộ Xây dựng ban hành ngày 20/3/2015, hướng dẫn xác định đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, có hiệu lực từ ngày 15/5/2015 được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng.

Mặc dù phương pháp tính mới được thừa nhận là đơn giản, dễ thực hiện nhưng nhiều doanh nghiệp lại tỏ ra lúng túng khi áp dụng và cho rằng mức lương mới thấp hơn nên khó thu hút được lao động.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) để làm rõ hơn về những vấn đề liên quan.

- Vừa qua một số doanh nghiệp, hiệp hội doanh nhân các tỉnh, thành phố đã có văn bản phản ánh đến nhiều cơ quan quản lý nhà nước về mức lương nhân công đầu vào công bố tại Phụ lục 1 của Thông tư 01 thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định tại Nghị định số 103/2014/NĐ-CP và là trái với quy định của Nhà nước. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?

Ông Phạm Văn Khánh: Có thể nói, các đơn vị trên đã hiểu chưa đúng về đối tượng áp dụng của Thông tư 01 cũng như đối tượng áp dụng của Nghị định 103. Đối tượng áp dụng của Thông tư 01 là chủ đầu tư, tư vấn, các cơ quan quản lý và các đối tượng có liên quan đến lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Mục đích việc ban hành Thông tư số 01 là để hướng dẫn cách xác định mức lương nhân công xây dựng đầu vào phù hợp với giá nhân công xây dựng trên thị trường theo quy định của Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Trong khi đó, đối tượng áp dụng của Nghị định 103 là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân... (sử dụng lao động) thuê mướn lao động theo hợp đồng.

Mục đích của Nghị định 103 là để các bên ký kết hợp đồng lao động xác định mức lương tối thiểu đầu ra, là cơ sở để người sử dụng lao động trả lương cho người lao động làm việc trong điều kiện bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận.

- Xin ông cho biết rõ hơn về mức lương nhân công xây dựng đầu vào quy định tại Thông tư 01 và liệu việc áp dụng có gây thiệt hại cho người lao động trong ngành xây dựng khi họ chỉ được nhận mức tiền lương hàng tháng thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định?

Ông Phạm Văn Khánh: Mức lương nhân công công bố tại Phụ lục của Thông tư 01 là cơ sở để xác định đơn giá nhân công xây dựng trong tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình (được hiểu là đơn giá nhân công xây dựng đầu vào) để cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở xác định giá gói thầu, lựa chọn nhà thầu và quản lý chi phí theo quy định tại Nghị định số 112/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Cùng đó, theo hướng dẫn tại Điều 4 của Thông tư này thì đơn giá nhân công xây dựng đầu vào sẽ bằng lương nhân công đầu vào tại Phụ lục 1 nhân với hệ số cấp bậc tại Phụ lục 2 và chia cho 26 ngày làm việc trong tháng.

Theo phương pháp xác định nêu trên thì giá nhân công tính theo tháng của một công nhân xây dựng bậc 1/7 thuộc nhóm I (bậc thấp nhất trong thang lương) tại vùng I là: 2.350.000 x 1,55 = 3.642.500 đồng/tháng; tại vùng II là 3.332.500 đồng/tháng; tại vùng III là 3.100.000 đồng/tháng; tại vùng IV là 2.945.000 đồng/tháng. Trong khi đó, mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định tại Nghị định 103 tại vùng I là 3.100.000 đồng/tháng, vùng II là 2.750.000 đồng/tháng, vùng III là 2.400.000 đồng/tháng, vùng IV là 2.100.000 đồng/tháng.

Như vậy, theo hướng dẫn tại Thông tư 01 thì giá nhân công tính theo tháng của công nhân xây dựng có bậc thấp nhất trong thang lương cũng đã cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định tại Nghị định 103 tương ứng tại các vùng là: tại vùng I cao hơn 17,5%; tại vùng II cao hơn 20,9%; tại vùng III cao hơn 29,2%; tại vùng IV cao hơn 40,2%. Rõ ràng là không hề có việc khi áp dụng hướng dẫn tại Thông tư 01 thì giá nhân công tính theo tháng của người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

- Có ý kiến cho rằng đơn giá nhân công xây dựng xác định theo hướng dẫn của Thông tư này không xem xét đến phụ cấp khu vực là bất hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động tại miền núi, khu vực khó khăn. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Phạm Văn Khánh: Nguyên tắc xác định và điều chỉnh đơn giá nhân công xây dựng được quy định tại Điều 3 Thông tư số 01 và phải đảm bảo phù hợp một số nguyên tắc như: trình độ tay nghề theo cấp bậc nhân công trong hệ thống định mức dự toán xây dựng công trình; mặt bằng giá nhân công xây dựng trên thị trường lao động của từng địa phương, nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định; đặc điểm, tính chất công việc của nhân công xây dựng; đáp ứng yêu cầu chi trả một số khoản chi phí thuộc trách nhiệm của người lao động phải trả theo quy định (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và một số khoản phải trả khác).

Đơn giá nhân công xác định theo các nguyên tắc trên đã bảo đảm tính đúng, tính đủ giá nhân công thị trường theo quy định của Nghị định số 112/2009/NĐ-CP. Trong đó, đơn giá nhân công điều tra theo thị trường tại khu vực nơi xây dựng công trình đã bao hàm tất cả các loại phụ cấp cần thiết.

Mặt khác, trong Thông tư 01 cũng đã quy định rõ giá nhân công tính theo mức lương công bố trong Phụ lục của Thông tư này chỉ để tham khảo; Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có trách nhiệm căn cứ hướng dẫn của Thông tư này để tổ chức điều tra, khảo sát thị trường xây dựng, thị trường lao động tại địa phương mình, từ đó xác định và công bố đơn giá nhân công xây dựng để làm cơ sở lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng các dự án có sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn.

Theo tổng hợp của Bộ Xây dựng, đến nay đã có 43 địa phương căn cứ hướng dẫn tại Thông tư 01, tiến hành xác định và công bố đơn giá nhân công xây dựng để áp dụng trên địa bàn.

- Trên thực tế, hiện vẫn còn một số đơn vị vẫn áp dụng cách tính đơn giá nhân công xây dựng đầu vào trong tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình bằng cách lấy mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định nhân với hệ số cấp bậc theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP, như vậy có đúng quy định của Nhà nước, thưa ông?

Ông Phạm Văn Khánh:
Sau khi Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương có hiệu lực (từ ngày 01/7/2013) thì Nghị định số 205/2004/NĐ-CP đã hết hiệu lực. Như vậy, những đơn vị xác định đơn giá nhân công xây dựng đầu vào bằng cách lấy mức lương tối thiểu vùng của Chính phủ nhân với hệ số cấp bậc của Nghị định số 205/2004/NĐ-CP như phản ánh là sai quy định.

Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ hướng dẫn tại Thông tư 01, khẩn trương xây dựng và công bố đầy đủ đơn giá nhân công xây dựng để làm cơ sở lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên địa bàn, đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện thống nhất.

- Vậy phương pháp xác định đơn giá nhân công theo quy định tại Thông tư này có điểm gì mới so với các quy định trước đây về xác định chi phí nhân công trong dự án đầu tư xây dựng, liệu sẽ tác động như thế nào đến thị trường xây dựng, thưa ông?

Ông Phạm Văn Khánh: Việc xác định đơn giá nhân công theo hướng dẫn tại Thông tư này vẫn tuân thủ nguyên tắc cơ bản là phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đúng như quy định tại Nghị định số 112/2009/NĐ-CP và Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015.

Đơn giá nhân công xây dựng đầu vào xác định trên cơ sở điều tra đơn giá nhân công thực tế tại địa phương nơi xây dựng công trình là bảo đảm nguyên tắc tính đúng, tính đủ, phù hợp với nguyên tắc quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo cơ chế thị trường của Luật Xây dựng và các Nghị định hướng dẫn.

Theo phản ánh của các địa phương, phương pháp xác định đơn giá nhân công hướng dẫn tại Thông tư này là đơn giản và dễ thực hiện.

Cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng, Thông tư này sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư, góp phần tăng cường tính minh bạch, cạnh tranh trong quản lý chi phí và nâng cao hiệu quả dự án đầu tư xây dựng công trình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục