Sau 3 năm triển khai các dự án liên quan đến ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Việt Nam, do các đối tác SNV (một tổ chức phát triển quốc tế của Hà Lan), Quỹ bảo vệ môi trường (EDF), Hội chữ thập đỏ Australia, Oxfam, Plan International và Save the Children… thực hiện, đến nay đã có 200.000 người dân tại 13 tỉnh khác nhau trên khắp Việt Nam được đào tạo nâng cao nhận thức về ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển sinh kế.
Đây là kết quả của Chương trình tài trợ ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng giai đoạn 2012-2015 do Chính phủ Australia hỗ trợ, vừa được Đại sứ Australia tại Việt Nam Hugh Borrowman tại Việt Nam công bố tại Hội thảo tổng kết “Chương trình tài trợ ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng” diễn ra sáng 18/12, tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Hugh Borrowman cho biết, biến đổi khí hậu đang là thách thức lớn, đe dọa đến sự tăng trưởng kinh tế, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực và xói mòn bờ biển ở Việt Nam. Theo thống kê rủi ro lâu dài do biến đổi khí hậu, Việt Nam đứng thứ 7 trên toàn cầu với trung bình hàng năm thiệt hại hơn 1% GDP do các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu.
Trước thực tế trên, năm 2012, Chính phủ Australia đã cấp 15 triệu đô la Úc (AUD) để triển khai các dự án liên quan trong khuôn khổ Chương trình Tài trợ ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng tại Việt Nam. Đến nay, các dự án đã góp phần nâng cao hiểu biết về biến đổi khí hậu và xây dựng các phương án sản xuất chịu ảnh hưởng của thời tiết; tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó với thảm họa tự nhiên và các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Ngoài ra, Chương trình tài trợ ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng cũng hướng đến các nhóm đối tượng đặc biệt chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như người khuyết tật, trẻ em và phụ nữ, qua đó giúp họ được trao quyền bình đẳng trong việc tham gia và được hỗ trợ của các dự án.
Về phía Việt Nam, ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng Cục trưởng Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nhấn mạnh, Việt Nam là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Vì thế, việc nâng cao năng lực của cộng đồng, cung cấp các kỹ năng thiết yếu cho người dân và gắn liền với giảm thiểu thiệt hại thiên tái sẽ giúp cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả hơn.
“Cho đến nay, sau 3 năm triển khai các dự án trong khuôn khổ Chương trình tài trợ ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng do Chính phủ Australia hỗ trợ, tất cả các dự án đã được thực hiện xong và đạt được nhiều kết quả tốt, góp phần không nhỏ trong việc tăng nhận thức và phát triển sinh kế cho người dân, ổn định kinh tế và xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long,” ông Hoài phấn khởi nói.
Đại diện cho các địa phương được hưởng lợi, bà Trần Thị Kim Chi, Trưởng ban tuyên giáo tỉnh hội, hội liên hiệp phụ nữ tỉnh An Giang cũng khẳng định, sau một thời gian triển khai các dự án liên quan đến biến đổi khí hậu, đến nay, nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu đã được nâng lên rõ rệt. Qua đó, người dân cũng được tiếp cận các kỹ thuật sản xuất để phát triển sinh kế, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và xóa đói giảm nghèo hiệu quả../.
Các dự án trong khuôn khổ Chương trình tài trợ ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng bao gồm:
- Dự án “Thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng ở Mekong.”
- Dự án “Giảm thiểu biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng thông qua sản xuất bền vững.”
- Dự án “Xây dựng quan hệ đối tác nhằm tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của cộng đồng ven biển Việt Nam.”
- Dự án “Giảm thiểu thiên tại dựa vào cộng đồng.”
- Dự án “Thích ứng với biến đổi khí hậu lấy trẻ em làm trọng tâm ở Việt Nam."
- Dự án “Trồng lúa carbon thấp”…