Hiện nay tỷ lệ tiêm vắcxin viêm gan B sơ sinh trong 24 giờ đầu cũng chỉ duy trì được ở mức 50-60%. Đây là điều can thiệp rất hiệu quả nhưng chưa đạt được như mong muốn.
Hơn nửa năm qua, vẫn có 22 tỉnh thành có tỷ lệ tiêm viêm gan B sơ sinh trong 24 giờ đầu trong 6 tháng đầu năm dưới 30%, có những tỉnh với tỷ lệ rất thấp, chỉ đạt 11-12%.
Tiến sỹ Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia đã nhấn mạnh như vậy trong hội thảo phòng chống bệnh viêm gan virus, do Bộ Y tế tổ chức sáng 29/8, tại Hà Nội.
Theo tiến sỹ Hồng, trong những năm qua, cùng với những sự cố xảy ra liên quan đến vắcxin, ngành y tế mong muốn đạt được tiêm viêm gan B sơ sinh trong 24 giờ đầu ở mức 75%.
Trong năm 2016, chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cố gắng đạt được 75-80% tỷ lệ tiêm viêm gan B sơ sinh trong 24 giờ đầu, tức là 6 tháng đầu năm phải đạt được tiến độ khoảng 36%-40%. Tuy nhiên, có 22 tỉnh thành có tỷ lệ tiêm trong 6 tháng đầu năm dưới 30% rất đáng lo ngại.
Đó là các tỉnh, thành phố như: Sơn La, Cao Bằng, Điện Biên, Lạng Sơn, Gia Lai, Nghệ An, Lai Châu, Quảng Bình, Bình Định, Hải Phòng, Bắc Giang.
Bà Hồng cho hay, tỷ lệ tiêm vắcxin viêm gan B sơ sinh thấp, năm 2015: đạt 69,8% và không đồng đều ở các địa phương.
Phân tích về nguyên nhân của tình trạng trên, tiến sỹ Hồng cho hay, đó là do những ảnh hưởng của phản ứng sau tiêm chủng đến triển khai tiêm khiến cán bộ y tế: e ngại, chống chỉ định, hoãn tiêm. Bên cạnh đó, một số bệnh viện chưa nỗ lực triển khai, nhiều bà mẹ có tâm lý trì hoãn, từ chối tiêm vắcxin do sợ phản ứng cho trẻ.
Hiện tại, tiêm viêm gan B sơ sinh chủ yếu tại bệnh viện, các trạm y tế chưa triển khai do không có tủ lạnh bảo quản, không sẵn có vắcxin. Trẻ sinh tại nhà ở vùng miền núi, vùng khó khăn không có cơ hội tiêm chủng vắc xin viêm gan B sơ sinh tại nhà.
Phát biểu tại hội thảo, tiến sỹ Lokky Wai - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho hay, bệnh viêm gan tại Việt Nam rất đáng quan ngại, bởi số người nhiễm bệnh cao nhất trong khu vực Tây Thái Bình Dương.
Theo kết quả mô hình ước tính gánh nặng bệnh tật do vi rút viêm gan B và C do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thực hiện, ước tính hiện nay có khoảng 8,7 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B và khoảng 1 triệu người nhiễm vi rút viêm gan C.
Số trường hợp tử vong ước tính tại thời điểm năm 2015 do virus viêm gan B là khoảng hơn 23.000 người và do virus viêm gan C là khoảng hơn 6.000 người.
Tiến sỹ Lokky Wai đánh giá, hiện nay, gánh nặng về bệnh viêm gan virus tại Việt Nam cao gấp 40 lần so với số người nhiễm HIV.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, chiến lược phối hợp điều trị và dự phòng có thể loại trừ viêm gan virus B và C như là mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.
Các biện pháp dự phòng lây nhiễm viêm gan virus B và C bao gồm tiêm vắcxin viêm gan B đầy đủ trong đó có liều trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn trong quá trình chăm sóc sức khỏe bao gồm cả trong và ngoài cơ sở y tế, và thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại cho những người tiêm chích ma túy.
Đối với trẻ em ở khu vực có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B cao như Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tất cả trẻ em nên được tiêm phòng vắcxin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh và các liều sau đó theo lịch tiêm chủng./.