Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù gặp áp lực về lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao (do dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát) và tập trung nhiều đợt cao điểm nghỉ lễ song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tình hình trật tự, an toàn giao thông về cơ bản được bảo đảm.
Giảm về số vụ và số người bị thương
Ngay từ những tháng đầu năm, mặc dù trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng lực lượng công an vẫn tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông chủ động xây dựng và triển khai hai kế hoạch chuyên đề về xử lý vi phạm "người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn" và chuyên đề chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ, kết hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông nhằm nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông...
Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong các dịp lễ, Tết, đồng thời, tiếp tục tập trung xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, lối đi tự mở trái phép qua đường sắt theo kế hoạch.
Đặc biệt, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương đã đồng loạt ra quân tập trung xử lý các vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ, cơi nới thùng xe, chở quá tải, quá khổ..., trong đó tiến hành gửi thông báo về cơ quan khi phát hiện các trường hợp vi phạm là đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang về nồng độ cồn.
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Bộ Công an và Cục Hàng hải Việt Nam, 6 tháng đầu năm (tính từ ngày 15/12/2021 đến 14/6/2022), toàn quốc xảy ra 5.703 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.314 người, bị thương 3.690 người.
So với cùng kỳ năm 2021, số vụ tai nạn giao thông giảm 663 vụ (10,41%), tăng 79 người người chết (2,44%), giảm 793 người bị thương (17,69%).
Trong số đó, trên đường bộ xảy ra 5.637 vụ, làm chết 3.240 người, bị thương 3.676 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 662 vụ (10,51%), tăng 58 người chết (1,82%), giảm 797 người bị thương (17,82%).
Trên đường sắt xảy ra 42 vụ, làm chết 29 người, bị thương 11 người. So với cùng kỳ năm trước tăng 4 vụ (10,53%), giảm 1 người chết (3,33%), tăng 2 người bị thương (22,22%).
Đường thủy xảy ra 20 vụ, làm chết 33 người, bị thương 3 người, giảm 4 vụ (16,6%), nhưng tăng 18 người chết (120%), tăng 2 người bị thương (200%) và hàng hải xảy ra 4 vụ, làm chết và mất tích 12 người, giảm 1 vụ (20%), tăng 4 người chết và mất tích (50%), số người bị thương không thay đổi so với cùng kỳ năm 2021.
[Khánh Hòa: Bắt tạm giam lái xe gây tai nạn giao thông nghiêm trọng]
Phân tích nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông từ 3.354 vụ tai nạn trên đường bộ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết có 21,27% do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; 24,9% do không quan sát; 11,5% do chuyển hướng không chú ý; 7,67% do không giữ khoảng cách an toàn; 5,43% do vượt xe sai quy định; 3,48% do vi phạm tốc độ xe chạy; 3,86% do sử dụng rượu bia; 5,07% không nhường đường; 3,42% do người đi bộ qua đường không đúng quy định; 2,65% vi phạm biển báo hiệu đường bộ; 1,62% tránh xe sai quy định; 1,21% do mệt mỏi, ngủ gật; 0,91% vi phạm quy trình thao tác xe; 0,32% do phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật và 4,99 là các nguyên nhân khác.
Trong lĩnh vực hàng không dân dụng, có tổng cộng 38 tai nạn sự cố hàng không, trong đó có tai nạn mức độ A (trong hoạt động bay huấn luyện, không xảy ra tai nạn trong hoạt động khai thác hàng không thương mại), 4 sự cố uy hiếp an toàn mức cao mức C, 33 sự cố uy hiếp an toàn mức D. So với cùng kỳ năm 2021, số lượng sự cố hàng không tăng 22,6%.
Có 30 tỉnh, thành phố có số người chết do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2021, trong đó 10 địa phương có số người chết giảm trên 20%, gồm Thái Nguyên, Quảng Bình, Lai Châu, Sơn La, Bạc Liêu, Cà Mau, Ninh Thuận, Bắc Kạn, Quảng Trị, Bình Thuận. Đặc biệt, Thái Nguyên, Quảng Bình, Lai Châu và Sơn La giảm trên 40% số người chết do tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, vẫn còn 26 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2021, trong đó 12 địa phương có số người chết tăng trên 10% so với cùng kỳ gồm: Bình Định, Bình Dương, Thừa Thiên-Huế, Ninh Bình, Bắc Giang, Hà Nội, Hậu Giang, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Đà Nẵng, Điện Biên, Yên Bái.
Một số địa phương có tỷ lệ người chết do tai nạn giao thông tăng cao cả về số lượng tuyệt đối và số tương đối (%) như Bắc Giang (tăng 15 người, tương đương 30%), Hà Nội (tăng 52 người, tương đương 30,4%), Hậu Giang (tăng 8 người, tương đương 32%), Quảng Ngãi (tăng 24 người, tương đương 42,9%), Phú Thọ (tăng 7 người, tương đương 43,8%), Đà Nẵng (tăng 15 người, tương đương 71,4%), Yên Bái (tăng 11 người, tương đương 122%).
Còn nhiều tồn tại, hạn chế
Nhìn lại 6 tháng qua, có thể thấy công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông bên cạnh những kết quả đạt được, còn không ít tồn tại, hạn chế mà điển hình là đã xảy ra 13 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ và 1 vụ trên đường thủy, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đơn cử như vụ tai nạn giao thông tại Gia Lai, ngày 9/2 làm 6 người tử vong; vụ tai nạn giao thông đường thủy tại Quảng Nam ngày 26/2 làm 17 người tử vong. Đây là vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại về người nhiều nhất trong vài năm trở lại đây.
Đáng lưu ý là vụ tai nạn giao thông tại Bắc Giang đêm 2/6 làm 3 người chết, gây bức xúc dư luận, nguyên nhân do cán bộ công tác trong ngành giao thông vận tải điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu, bia. Hay vụ tai nạn giao thông tại Hòa Bình ngày 4/6 làm 3 người chết và 1 người bị thương, nguyên nhân do xe tải chở quá tải trọng lật đè lên ôtô con.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho hay số người chết do tai nạn giao thông trong tháng Ba, tháng Tư năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 4,69% và 14,07%). Trong tháng Sáu, tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Số người chết do tai nạn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và hàng hải 6 tháng đầu năm đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Vẫn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do nguyên nhân uống rượu bia gây ra, đặc biệt là các đối tượng trong độ tuổi thanh, thiếu niên.
Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai, từ ngày 6 đến 12/3, trên địa bàn các huyện Đak Đoa, Kông Chro, Ia Pa, Krông Pa, Chư Pưh và thị xã Ayun Pa liên tiếp xảy ra 8 vụ tai nạn giao thông làm chết 13 người, bị thương 2 người. Trong số các nạn nhân tử vong, có 8 người sinh từ năm 2004 đến 2008.
Ngoài ra, khu vực Tây Nguyên cũng ghi nhận một số vụ tai nạn giao thông liên quan tới xe công nông, tai nạn giao thông với người đi xe máy do va chạm với ôtô tải trên quốc lộ...
Bên cạnh đó, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông cũng còn nhiều hạn chế như vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường sắt chưa được xử lý kịp thời; tình trạng xe ôtô tải không thực hiện nghiêm quy định về xếp hàng hóa lên phương tiện, khiến cho hàng hóa bị rơi xuống đường, gây mất an toàn giao thông có xu hướng gia tăng, điển hình như một số vụ xe container rơi cuộn thép tại Thành phố Hồ Chí Minh (tháng 3/2022), Bình Dương (tháng 12/2021)... Tình trạng tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố.
Tình hình vi phạm tải trọng xe ôtô trên đường bộ tái diễn tại nhiều địa phương, nhất là nơi có mỏ vật liệu, khoáng sản, công trình xây dựng, nhà máy ximăng, cảng và tái diễn xe quá tải đường dài, như: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thái Bình, Bắc Giang, Hà Nam, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Bình Định, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu; tái diễn tình trạng cơi nới thành thùng xe để chở hàng quá tải… dẫn đến tình trạng đường bộ ở nhiều nơi bị xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là các tuyến đường cấp tỉnh, cấp huyện, có địa phương mặt đường trên những tuyến đê xung yếu cũng bị hư hỏng do xe quá tải hoạt động (Ninh Bình, Phan Thiết, Nha Trang, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Yên).
Công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải còn nhiều hạn chế
Nguyên nhân của những tồn tại được Ủy ban An toàn giao thông chỉ ra là công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải còn nhiều hạn chế, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quy định an toàn giao thông đối với các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ, đường thủy nội địa.
Có nơi, có chỗ hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự, an toàn giao thông còn hạn chế; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giữa các cơ quan, lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, nhất là trong kiểm soát tải trọng phương tiện, quản lý lái xe.
Thực tế cho thấy ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém; tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, sai phần đường, làn đường cho phép, vi phạm nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe... còn diễn ra khá phổ biến.
Thời gian qua, tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát ở một số địa phương, khiến lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao, đặc biệt là phương tiện cá nhân cũng là nguyên nhân dẫn đến số người chết tai nạn giao thông trong 6 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm 2021./.