400 đại biểu dự hội nghị về y tế công cộng tiểu vùng Mekong

400 đại biểu của các quốc gia tiểu vùng sông Mekong và trên thế giới dự Hội nghị quốc tế về y tế công cộng tiểu vùng Mekong mở rộng, tổ chức 26-27/9, ở Huế.
400 đại biểu dự hội nghị về y tế công cộng tiểu vùng Mekong ảnh 1Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Dung phát biểu chào mừng Hội nghị. (Nguồn: thuathienhue.gov.vn)

Trong 2 ngày 26-27/9, tại thành phố Huế đã diễn ra Hội nghị quốc tế về y tế công cộng các nước tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ bảy với chủ đề "Hợp tác quốc tế trong lập chính sách dựa vào bằng chứng trong lĩnh vực y tế công cộng."

Hội nghị thu hút 400 đại biểu đến từ 30 trường Đại học và các tổ chức của 19 quốc gia khu vực tiểu vùng sông Mekong và các nước Mỹ, Australia, Hà Lan, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ…tham gia.

Diễn ra lần đầu tiên vào năm 2008 tại Thái Lan, Hội nghị quốc tế về y tế công cộng các nước tiểu vùng Mekong được tổ chức thường niên, luân phiên tại các nước tiểu vùng sông Mekong. Tại thành phố Huế, đây là lần thứ hai Khoa Y tế công cộng và Viện Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng thuộc Đại học Y Dược Huế đăng cai tổ chức.

Tại hội nghị, bên cạnh 127 báo cáo trực tiếp, còn có 155 báo cáo khoa học triển lãm poster được trình bày, tập trung vào các nhóm nội dung chính, bao gồm: văn hóa sức khỏe và nâng cao sức khỏe; quản lý y tế; sức khỏe môi trường; sức khỏe nghề nghiệp; dinh dưỡng và an toàn thực phẩm; sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục; sức khỏe tâm thần; dịch tễ học các bệnh lây và không lây.

Trong thời gian hội nghị, các nhà khoa học, các chuyên gia và lãnh đạo các tổ chức, các Trường Đại học đã cùng nhau chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm; đồng thời thảo luận các giải pháp cũng như cung cấp các bằng chứng khoa học và thực tiễn trong việc lập chính sách ở nhiều lĩnh vực của y tế công cộng, đề ra các giải pháp cho nhiều vấn đề về sức khỏe cộng đồng ở các quốc gia, góp phần mang lại những cải thiện đáng kể về tình trạng sức khỏe cho người dân ở khu vực các nước tiểu vùng Mekong mở rộng và nhiều nước trên thế giới.

Trong bối cảnh thách thức ngày càng lớn của sức khỏe cộng đồng trong khu vực và trên thế giới như sự biến đổi thời tiết, tác nhân gây bệnh mới xuất hiện, sự khủng hoảng về lương thực và sự bất bình đẳng trong chăm sóc giữa các quốc gia... diễn đàn khoa học quốc tế lần này càng có ý nghĩa tích cực đối với y tế công cộng các nước tiểu vùng sông Mekong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục