70 học sinh Đồng Nai ​nhập viện: Chất lượng sữa học đường đạt chuẩn

Theo kết quả xét nghiệm, chất lượng sữa đạt chuẩn, việc học sinh phải nhập viện là do các em dùng sữa mới, cơ thể chưa thích nghi, dẫn đến hội chứng kích thích dạ dày đường ruột với sữa tươi.
70 học sinh Đồng Nai ​nhập viện: Chất lượng sữa học đường đạt chuẩn ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Liên quan đến việc hơn 70 học sinh Trường tiểu học Phạm Văn Đồng và Trường Mầm non Phú Lộc (đều tại xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) phải nhập viện với triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm, tối 8/3, ông Nguyễn Văn Hữu, Chi Cục trưởng, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Đồng Nai cho biết ngành chức năng đã có kết quả xét nghiệm mẫu sữa mà học sinh hai trường trên uống trong sáng 2/3.

Theo kết quả xét nghiệm, chất lượng sữa đạt chuẩn, việc học sinh phải nhập viện là do các em dùng sữa mới, cơ thể chưa thích nghi, dẫn đến hội chứng kích thích dạ dày đường ruột với sữa tươi.

Theo ông Nguyễn Văn Hữu, loại sữa học sinh uống là sữa tươi tiệt trùng có đường, dung tích 180ml. Ngay khi xảy ra sự việc, Trung tâm y tế huyện Tân Phú đã niêm phong, lấy mẫu loại sữa gửi Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai đưa đi xét nghiệm.

[Đồng Nai: Hơn 70 học sinh tiểu học, mầm non nhập viện nghi do ngộ độc]

Kết quả xét nghiệm cho thấy các chỉ tiêu về Cloliform, E. Coli, Salmonella, Staphylococcuss aureus, Acillus cereus đạt yêu cầu theo quyết định 46/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

Trong khi đó, kết quả kiểm nghiệm mẫu sữa lấy từ kho Trường Tiểu học Phạm Văn Đồng gửi Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 cũng cho kết quả tương tự, đạt các tiêu chuẩn về các chỉ tiêu vi sinh vật.

Bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai, cho biết hiện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã có báo cáo vụ việc trên gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Căn cứ kết quả xét nghiệm, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai khẳng định sản phẩm sữa học đường tại Trường tiểu học Phạm Văn Đồng và Trường Mầm non Phú Lộc đạt chuẩn, đảm bảo chất lượng và các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai cho rằng việc thay đổi chủng loại sữa học đường từ sữa bột pha sẵn sang sữa tươi tiệt trùng là tốt, tuy nhiên do cơ thể một số trẻ có thể chưa quen với loại sữa tươi tiệt trùng nên chưa kịp thích ứng.

Để khắc phục vấn đề này, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Sở Y tế Đồng Nai tiếp tục rà soát về quy trình hướng dẫn trẻ uống sữa; phối hợp cùng đơn vị cung cấp sữa, mời chuyên gia dinh dưỡng có uy tín để thực hiện công tác tuyên truyền về Đề án Sữa học đường; tổ chức tập huấn việc bảo quản, sử dụng sữa cho giáo viên.

Bà Huỳnh Lệ Giang khẳng định ngay khi xảy ra sự việc, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã có văn bản gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo 11 huyện, thị trên địa bàn tỉnh về việc tạm dừng, không cho trẻ tiếp tục uống sữa thuộc Đề án Sữa học đường. Nay căn cứ kết quả xét nghiệm mẫu sữa, ngành giáo dục Đồng Nai tiếp tục cho trẻ uống sữa từ chương trình sữa học đường. Việc xét nghiệm sữa được thực hiện một cách khách quan, khoa học, các bậc phụ huynh không nên băn khoăn, nghi ngờ chất lượng sữa tươi tiệt trùng mà con em mình đang uống.

Trước đó, VietnamPlus đã đưa tin khoảng 9 giờ 30 phút sáng 2/3, Trung tâm y tế huyện Tân Phú tiếp nhận và điều trị cho 73 trẻ đang học tại Trường Tiểu học Phạm Văn Đồng và Trường Mầm non Phú Lộc. Các cháu nhập viện với triệu chứng mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, đau đầu. Tình trạng bệnh của trẻ không nặng, ngay trong chiều 2/3, gần 60 em đã xuất viện, số còn lại hồi phục sức khỏe và xuất viện vào tối 2/3.

Đề án sữa học đường được tỉnh Đồng Nai triển khai thí điểm từ cuối năm 2014 với kinh phí hơn 1.300 tỷ đồng. Hiện Chương trình được thực hiện tại toàn bộ các trường, cơ sở mầm non của tỉnh và khối lớp 1 các trường tiểu học thuộc một số huyện.

Khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai cho thấy 97% phụ huynh thống nhất với mức đóng góp (35%) kinh phí để con em họ uống sữa tại trường. Sau bốn năm triển khai, chương trình sữa học đường góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng và chiều cao của trẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục