Có tới 71% số người dân có tật khúc xạ không được chỉnh kính, 30% đeo sai kính, 25% mù lòa do bị tật này. Việc điều chỉnh kính cho tật khúc xạ hiện nay chủ yếu được thực hiện bởi nhân viên cửa hàng kính, trong đó phần lớn không được đào tạo, dẫn đến việc đeo sai kính.
Thông tin này được đưa ra tại hội thảo vận động chính sách quy định về vị trí việc làm cho cử nhân Khúc xạ nhãn khoa do Bộ Y tế, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Bệnh viện Mắt Trung ương phối hợp tổ chức ngày 21/8 tại Hà Nội.
Theo ông Trần Viết Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), hiện Việt Nam có khoảng 2 triệu người mù và thị lực kém; trên 80% số người mù ở Việt Nam có thể phòng, chữa được.
Các nguyên nhân chính gây mù lòa và suy giảm thị lực ở Việt Nam bao gồm đục thủy tinh thể, bệnh glocom và các bệnh bán phần sau khác, tật khúc xạ không được chỉnh kính.
Mô hình mắc các bệnh về mắt ở Việt Nam đang có sự chuyển đổi rõ rệt. Tật khúc xạ (cận thị, viễn thi, loạn thị) ở Việt Nam đang ngày càng trở nên phổ biến với tỷ lệ ước tính ở mức từ 15% đến 40%, tương ứng khoảng từ 14 đến 36 triệu người mắc.
Đối với trẻ em (từ 6-15 tuổi), tỷ lệ tật khúc xạ là 25-40% ở thành thị và 10-15% ở nông thôn.
Bên cạnh đó, các bệnh mắt không nhiễm trùng khác cũng có xu hướng ngày càng gia tăng do tình trạng già hóa dân số, gia tăng mắc các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tăng huyết áp...
Với tỷ lệ 6% dân số Việt Nam mắc bệnh đái tháo đường, ước tính có 3-4 triệu người cần được sàng lọc bệnh võng mạc đái tháo đường, 1 triệu người cần được quản lý, theo dõi bệnh võng mạc đái tháo đường; 300.000 người cần được điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường.
Các bệnh về mắt nêu trên là nguyên nhân chính gây suy giảm thị lực và mù lòa cùng nhiều ảnh hưởng bất lợi đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Với tật khúc xạ mắt, việc cung cấp kính cho người bệnh là một trong những can thiệp hiệu quả và hợp lý nhất, góp phần làm giảm tỷ lệ các bệnh mù lòa có thể phòng tránh được. Đáng chú ý, đây lại là một trong những biện pháp can thiệp rẻ tiền và có hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ mù lòa.
"Tuy nhiên tại Việt Nam, mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ đo khúc xạ, chỉnh kính hiện còn nhiều bất cập cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là tại tuyến cơ sở. Có tới 71% người dân có tật khúc xạ không được chỉnh kính, 30% đeo sai kính, 25% mù lòa do bị tật này. Việc điều chỉnh kính cho tật khúc xạ hiện nay chủ yếu được thực hiện bởi nhân viên cửa hàng kính mà phần lớn không được đào tạo dẫn đến việc đeo sai kính," ông Hùng cho biết.
[Hạn chế cho trẻ "nghiền" điện thoại trong những ngày nghỉ Hè]
Theo ông Hùng, kết quả điều tra đánh giá về chất lượng dịch vụ khúc xạ tại Việt Nam do Viện Thị giác Brien Holden phối hợp với Tổ chức FHF, Bệnh viện Mắt Trung ương thực hiện, công bố đầu năm 2019, cho thấy có 65% đơn kính thực hiện tại các hiệu kính chưa chính xác do người đo kính không được đào tạo bài bản.
Theo các đại biểu, hiện nay các bác sỹ chuyên khoa mắt là nguồn nhân lực chính để giải quyết vấn đề mù lòa ở Việt Nam, song số lượng và sự phân bổ giữa các vùng, miền còn nhiều bất cập, trong khi nhu cầu chăm sóc tật khúc xạ, chăm sóc mắt toàn diện của người dân ngày càng gia tăng.
Khúc xạ nhãn khoa là ngành chăm sóc sức khỏe được thực hiện ở nhiều mức độ khác nhau, từ chăm sóc ban đầu đến chăm sóc cấp hai hoặc cấp ba.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy vai trò của cử nhân Khúc xạ nhãn khoa là hết sức cần thiết trong hệ thống chăm sóc sức khỏe mắt.
Các cơ sở chăm sóc mắt có cử nhân Khúc xạ nhãn khoa có thể cung cấp các dịch vụ có chất lượng cao bao gồm đo khám mắt, sàng lọc phát hiện sớm bệnh võng mạc đái tháo đường, quản lý các bệnh về mắt, theo dõi và quản lý bệnh nhược thị và rối loạn thị giác, điều trị khiếm thị, phục hồi chức năng thị giác...
Cử nhân Khúc xạ nhãn khoa tại các cơ sở chăm sóc mắt sẽ giúp giảm thiểu gánh nặng công việc cho các bác sỹ nhãn khoa, để họ có thể tập trung chuyên sâu các dịch vụ lâm sàng các bệnh về mắt khác.
Theo khuyến cáo của Tổ chức phòng chống mù lòa quốc tế (IABP), cứ 50.000 dân cần có một đơn vị cung cấp dịch vụ khúc xạ, tuy nhiên tại Việt Nam hiện chỉ có 39 đơn vị khúc xạ chuẩn. Dịch vụ khúc xạ hầu như không có tại vùng nông thôn, miền núi.
Từ năm 2012, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc mắt tại Việt Nam, Trường Đại học Y Hà Nội và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã tiến hành các khóa đào tạo cử nhân Khúc xạ nhãn khoa.
Cử nhân khúc xạ nhãn khoa đầu tiên tốt nghiệp vào tháng 10/2018. Hiện tại, có khoảng 300 sinh viên khúc xạ nhãn khoa đang theo học tại 2 trường này.
Đã có 61 cử nhân Khúc xạ nhãn khoa đầu tiên của hai trường vừa tốt nghiệp, nhưng đến nay, vẫn chưa có cơ sở pháp lý quy định về vị trí, việc làm, chức danh nghề nghiệp dành cho nhóm đối tượng này.
Tại hội thảo, các đại biểu chia sẻ những thông tin về mô hình các bệnh về mắt trong thực tế; ý nghĩa, tầm quan trọng của việc khám và điều trị kịp thời các bệnh về mắt; những khó khăn trong việc cung cấp dịch vụ và tiếp cận với các cơ sở cung cấp dịch vụ đo chỉnh kính có chất lượng; giải pháp để phát huy hiệu quả vai trò của cử nhân Khúc xạ nhãn khoa trong cung cấp dịch vụ chăm sóc mắt... nhằm khẳng định sự cần thiết xây dựng chính sách quy định về chức danh nghề nghiệp cho cử nhân Khúc xạ nhãn khoa./.