Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), 70-80% sự cố hàng không liên quan đến yếu tố con người nên việc xây dựng, ban hành quy trình quy định và kiểm tra giám sát, nhận diện nguy cơ tiềm ẩn rủi ro hàng không là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Tại Hội thảo Văn hoá An toàn hàng không 2018 vào chiều tối nay (12/5), khẳng định quan điểm an toàn là yếu tố sống còn trong hoạt động của Tổng công ty, trong suốt hơn 20 năm thành lập và phát triển, Vietnam Airlines không ngừng nỗ lực xây dựng văn hóa an toàn hàng không với việc xác định đây là một quá trình kiên trì mỗi ngày, kết hợp cùng nhiều biện pháp để có được sự thay đổi nhận thức, quan niệm và hành động của mỗi cá nhân.
[Cục Hàng không đưa hàng loạt giải pháp giảm thiểu các sự cố máy bay]
Cụ thể, Vietnam Airlines đã thành công trong việc xây dựng và vận hành hệ thống quản lý an toàn dựa vào dữ liệu an toàn để dự báo, xác định các nguy cơ, từ đó xử lý, phòng ngừa rủi ro kịp thời. Hệ thống quản lý an toàn đã và đang không ngừng hoàn thiện, đáp ứng các tiêu chuẩn của các nhà chức trách hàng không, các hiệp hội, liên minh mà Vietnam Airlines tham gia.
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines còn ban hành chỉ thị về việc nâng cao kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động khai thác và văn hóa báo cáo (báo cáo an toàn tự nguyện bên cạnh các báo cáo bắt buộc) của các đơn vị nội bộ.
“Điểm nổi bật trong văn hóa an toàn của Vietnam Airlines là đề cao tính trung thực, minh bạch, tạo môi trường làm việc mà mọi nhân viên luôn sẵn sàng báo cáo lỗi; không áp dụng các biện pháp kỷ luật đối với bất cứ nhân viên nào khi chủ động báo cáo trung thực về các sự cố, sự việc ảnh hưởng tới an toàn, các lỗi do sơ ý,” .
Theo phi công Nguyễn Đăng Quang, Phó trưởng Đoàn bay 919, Vietnam Airlines đã xây dựng ra chỉ số nhận diện những nguy cơ tiềm ẩn an toàn hàng không giống như “tảng bằng chìm” (năm 2016 xây dựng chỉ số, năm 2018 được nâng lên 71 chỉ số để hạn chế sự cố an toàn hàng không).
Giải thích rõ hơn, ông Quang đưa ra dẫn chứng, đối với khối phi công, Đoàn bay 919 có tổ giám sát “tảng băng chìm” bằng cách luôn trích dữ liệu máy bay ngay sau khi vừa hạ cánh để xem phi công có thực hiện theo đúng quy trình hay không?. Sau khi phân tích, đơn vị sẽ thông báo ngay cho các phi công.
“Thời gian đầu, phi công cũng tỏ vẻ khó chịu, nhưng khi hiểu ra phi công ngồi ở đầu máy bay không đánh cược mạng sống của mình mà bảo vệ tính mạng của cả các hành khách nên đều tuân thủ, chấp hành đúng quy định,” ông Quang chia sẻ.
Nhấn mạnh việc thiết lập, củng cố và nâng cao văn hóa an toàn là một mục tiêu trọng điểm hàng đầu, ông Nguyễn Thái Trung, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho rằng, với đặc thù tiêu chuẩn an toàn khắt khe của ngành hàng không, biến động của ý thức, hành vi con người, công tác về văn hóa an toàn là một hoạt động trường kỳ, liên tục, đòi hỏi các đơn vị hàng không không ngừng theo dõi và hành động để củng cố, nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ nhân viên, qua đó góp phần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hàng trăm hành khách trên mỗi chuyến bay.
[Nguy cơ ảnh hưởng an ninh hàng không là trực tiếp và nguy hiểm hơn]
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá sự cố hàng không bao gồm nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Cơ quan quản lý Nhà nước là Cục Hàng không Việt Nam khuyến cáo các đơn vị đảm bảo hoạt động an toàn, tuy nhiên các hãng hàng không cũng có triết lý riêng để đảm bảo an toàn và tuân thủ giá trị, chế tài xử lý chung.
“Ủy ban An toàn giao thông sẽ tiếp thu những văn hóa an toàn hàng không của Vietnam Airlines để phối hợp với Cục Hàng không nhằm đưa ra các hành lang pháp lý, khuyến cáo cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong ngành hàng không, hướng dẫn văn hóa giao thông đối với các lĩnh vực khác như đường bộ, hàng hải, đường thủy, đường sắt,” ông Hùng nói./.
Mỗi năm, Vietnam Airlines đã tổ chức hàng chục lớp đào tạo nội bộ về an toàn và văn hóa an toàn. Trong 4 năm từ 2013-2017, hàng nghìn thành viên được tiếp cận với những quy định và các hướng dẫn mới nhất của văn hóa an toàn hàng không như các quy định ICAO (Tổ chức Hàng không dân dụng Thế giới), hệ thống quản trị an toàn CAAV, chính sách phát triển văn hóa an toàn của Vietnam Airlines...