Ai quan tâm đến các tư liệu lịch sử có lẽ từng nghe đến tên của Viên Hồng Quang - 9X có đam mê phục chế, "đổ màu" cho các tư liệu lịch sử. Dự án tiếp theo của Quang gắn với một tác phẩm đặc biệt - một tác phẩm dường như chưa bao giờ hết tính thời sự, luôn gắn liền với tên tuổi và số phận của người đã làm ra nó - phim tài liệu "Hà Nội trong mắt ai" của đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Văn Thủy.
Tốn kém và mất thời gian, nhưng Quang vẫn quyết định "lăn lộn." Những nỗ lực của Quang khiến chính đạo diễn Trần Văn Thủy phải thốt lên: “Nếu là con tôi, nhất định tôi không cho nó làm việc này!”
Đưa Hà Nội 40 năm trước "bước ra" khỏi lịch sử
Viên Hồng Quang sinh năm 1995, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa và hiện đang làm việc tại Hà Nội. Suốt gần 4 năm nay, Quang tự tạo cho mình một cuộc chơi thú vị: Phục chế, cải tiến chất lượng tư liệu lịch sử. Anh coi đây vừa như cách lan tỏa niềm vui cá nhân, lan tỏa niềm tự hào tới những người xung quanh, vừa như một cách tri ân các bậc tiền nhân.
Tháng Tư vừa qua, Quang nhen nhóm ý tưởng tái tạo màu tự nhiên cho phim “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn Trần Văn Thủy. Dự án phi lợi nhuận, nhằm cải tiến về chất lượng hình ảnh và âm thanh của phim cũng như tái hiện màu sắc tự nhiên sát thực tế nhất để thấy Hà Nội từ 40 năm trước “bước ra” khỏi quá khứ một cách chân thực, sống động.
Quang bắt tay làm dự án vì những câu chuyện còn nhiều dư âm và mang tính thời sự tới tận bây giờ. Anh nghĩ: Sẽ rất ý nghĩa nếu chiếu bộ phim cho hậu thế như mình vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm Tiếp quản Thủ đô sắp tới (10/10/1954-10/10/2024).
Một trong những điều khiến Quang ấn tượng nhất là đoạn phim (chỉ xấp xỉ 1 phút) về danh họa Bùi Xuân Phái ở đầu tác phẩm. “Đó là những hình ảnh duy nhất của ông trên video, đến nay có lẽ không có đoạn phim nào khác về họa sỹ Bùi Xuân Phái” - Quang khẳng định sau một thời gian dài tìm kiếm. Điều đó càng khiến anh trân quý giá trị tư liệu, giá trị lịch sử của bộ phim.
Đồng hành với Quang có một người bạn tên Thanh Uyên từ Thành phố Hồ Chí Minh. Hai bạn trẻ có chung chí hướng, đồng hành hỗ trợ nhau dù ở cách xa hơn ngàn cây số, chỉ làm việc online.
Trích đoạn họa sỹ Bùi Xuân Phái, trước và sau khi xử lý hình ảnh. (Video: Viên Hồng Quang)
Để thực hiện dự án, Quang phải tạm dừng hầu hết công việc hiện tại và dồn sức lực để kịp thời gian. Anh vừa làm vừa mò mẫm nghiên cứu, nhưng không chỉ đơn thuần ngồi lỳ trước máy tính mà còn tìm kiếm tư liệu nhiều nguồn để đối chiếu. Trong số này có cuộc gặp với kiến trúc sư Trần Quang Trung - một người sưu tầm nhiều tư liệu tranh ảnh danh họa Bùi Xuân Phái, nhằm tìm ra màu sắc sát với ngoài đời thực nhất.
Mong muốn của Quang là tiếp cận với bản phim gốc từ Viện Phim Việt Nam và cải tiến chất lượng từ đây. Nhưng việc này cần nhiều thủ tục hành chính chưa thể thực hiện, nên trước mắt anh đã mượn bản phim của Truyền hình Quốc hội, phát sóng nhân 69 năm Giải phóng Thủ đô.
So với nhiều bản phim khác trên YouTube, bản do Truyền hình Quốc hội xử lý đã được cải thiện rõ rệt mặt hình ảnh và nhiều yếu tố. Tuy vậy bản phim vẫn còn một số đặc tính của phim nhựa cũ như xước hình, giật hình, “nổ” sáng, sai màu, âm thanh tậm tịt, lẫn tiếng chạy máy chiếu, có một số đoạn khó nghe… tất cả đều thôi thúc Quang tiếp sức và xử lý sao cho tốt nhất có thể.
Để căn chỉnh màu của 24 khung hình mỗi giây, cho gần 50 phút phim là điều không tưởng. Vì vậy Quang phải nhờ đến các ứng dụng kỹ thuật phức tạp hơn và cả các mô hình AI (trí tuệ nhân tạo).
Theo chia sẻ, chi phí cho phần mềm tốn của Quang và Uyên là gần 10 triệu đồng, riêng phần cứng để đáp ứng được phần mềm là hơn 70 triệu đồng nữa. Sở hữu sự trợ giúp kỹ thuật đắc lực là vậy, song Quang vẫn đóng vai người giám sát về chất lượng. Thanh Uyên đồng hành, đảm bảo tiến trình dự án và cùng bạn bỏ tiền túi đồng thời vay mượn khắp nơi cho dự án.
Tạm giải quyết xong vấn đề “tiền đâu,” Quang đã có một buổi chiếu thử nghiệm ngày 9/8 tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương vừa qua. May mắn nhất với Quang là sự tham gia của chính tác giả phim - Nghệ sỹ Nhân dân Trần Văn Thủy.
Tất cả đều vì một tình yêu trong sáng với Thủ đô
Trước ngày chiếu thử nghiệm, Viên Hồng Quang đã chủ động tìm đến đạo diễn Trần Văn Thủy, khi đó ông đang điều trị trong bệnh viện. Nghe câu chuyện của Quang, đạo diễn khóc vì xúc động.
Quang là một người con xứ Thanh, đạo diễn Trần Văn Thủy người gốc Nam Định. Cả hai đều không sinh ra ở Hà Nội, nhưng đã đem tấm lòng đầy tâm huyết để yêu vùng đất ngàn năm văn hiến này.
Kết thúc buổi chiếu ngày 9/8, ông xúc động nhớ lại quá khứ dữ dội của mình với bộ phim. Biết Quang dành nhiều tâm huyết và tiền bạc cho dự án, lại mất nhiều công sức để đi liên hệ, xin quyền tiếp cận bản phim gốc, xin địa điểm chiếu... đạo diễn thốt lên: “Nếu là con tôi, nhất định tôi không cho nó làm việc này!”
Với đạo diễn Trần Văn Thủy, lòng tốt sẽ còn mãi với thời gian. Từng làm nhiều phim tài liệu về những trăn trở với thế sự, nổi bật trong đó có “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế” (được coi như “Hà Nội trong mắt ai” phần 2), ông hiểu sự đắt giá và quý báu của lòng tốt, hay như cách ông gọi là "sự tử tế với đồng loại."
“Không ai đánh cờ bằng lòng tốt” là một trong những điều đạo diễn Trần Văn Thủy nói như dặn dò với Viên Hồng Quang.
Cũng ở cuối buổi chiếu, những kỷ niệm về các nhân vật trong phim dồn dập dội đến trong tâm trí ông. Nhạc sỹ Văn Vượng là người chơi guitar cho đoạn đầu và cuối bộ phim. Tiếng đàn của ông dẫn dắt người xem đi qua cảnh trí Hà Nội, gửi gắm tình yêu chân thành của một người mù lòa nhưng luôn “thấy” thành phố của mình thật đẹp.
Sinh thời, Trần Văn Thủy và Văn Vượng là bạn chơi với nhau, cùng sống trên những phố Hàng của Hà Nội (ông Thủy ở Hàng Bún, ông Vượng ở Hàng Giấy). Trong một đêm thanh vắng trên phố Phan Đình Phùng, hai ông cùng một số người bạn dắt tay nhau, dàn hàng ngang đi giữa đường. Khi ấy nhạc sỹ Văn Vượng cất giọng hát một ca khúc tả về biển.
“Biển ơi hát lên em. Biển ơi, chiều nay sao đẹp thế… Một người không nhìn thấy gì mà tả biển đẹp đến vậy! Lúc ấy, tôi biết anh phải là một nhân vật phim của mình. Tôi dùng nhân vật chỉ để nói lời yêu thương. Hãy trân trọng những gì chúng ta đang có, để mà yêu thương những người bất hạnh" - đạo diễn giãi bày.
Trích đoạn nhạc sỹ Văn Vượng với phần âm nhạc, âm thanh sau xử lý. (Video: Viên Hồng Quang)
Nghệ sỹ Văn Vượng vẫn giữ một tình yêu trong sáng và đẹp đẽ với Thủ đô suốt cuộc đời. Khán giả có thể thấy trên phim, trong nhà ông bấy giờ vẫn treo một tấm gương và một bức vẽ Hà Nội trong đêm pháo hoa. Đạo diễn Trần Văn Thủy xúc động kể rằng đã có thời điểm, bạn bè cố gắng liên hệ, kết nối bác sỹ nước ngoài để ông được chữa trị, còn người nghệ sỹ mù vẫn tin tưởng có ngày được nhìn thấy thành phố của mình qua đôi mắt sáng. Nhưng thời gian qua đi, tiếc thay đến năm 2023, nhạc sỹ đã ra đi mà vẫn chưa thể hoàn thành ước vọng./.
Do dự án là tự phát, Viên Hồng Quang chỉ có thể xoay xở trong "kho tư liệu" Internet để tìm kiếm những nội dung mình cần, trong đó YouTube là một nguồn dồi dào và sẵn có. Tuy vậy anh rất mong muốn sự tham gia hỗ trợ từ các bên để có được kết quả tốt nhất, liên quan các vấn đề về bản quyền, quyền khai thác và nhiều yếu tố khác.
Hiện anh đang thử nghiệm cải tiến giọng thuyết minh của Nghệ sỹ Ưu tú Trần Đức sao cho dễ nghe, nhưng vẫn phải giữ được chất hùng hồn. Bên cạnh đó anh cũng đang huy động các nguồn lực để làm thêm bản thuyết minh nhiều ngữ, dùng AI để ứng với nội lực mà bản gốc đem lại...
Dự kiến ngày 10/10/2024, nhóm dự án sẽ có một buổi chiếu với bản phim tiếp tục được cải tiến./.