Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 hướng đến một mục tiêu quan trọng là phấn đấu có từ một đến ba thành phố sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO ở nhiều lĩnh vực, trong đó có ẩm thực…
Khai thác giá trị ẩm thực cũng là một mục tiêu quan trọng của Đề án định vị thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam.
Lâu nay, ẩm thực đã trở thành một phần quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu và điểm nhấn ấn tượng để thu hút khách du lịch; gia tăng lợi ích cho đất nước.
Dấu ấn của phở Việt
Phở được coi là một trong những món ăn đặc trưng nhất của người Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc và thậm chí vươn ra tầm thế giới. Hiếm có món ăn nào mà người Việt có thể ăn trong cả 3 bữa trong ngày như phở; có thể xuất hiện từ cửa hàng bình dân vỉa hè cho tới những bữa quốc yến chiêu đãi nguyên thủ quốc gia.
Ngoài món phở quen với nước dùng, còn có phở chay, phở cuốn, phở xào, phở chiên… đáp ứng mọi nhu cầu của thực khách, kể cả du khách quốc tế. Nói như vậy để thấy phở xứng đáng là một đại diện cho ẩm thực nước nhà.
Ngày 12/12 được công nhận là Ngày của phở từ năm 2018. Năm nay, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và Google Việt Nam phối hợp thực hiện hoạt động hưởng ứng Ngày của phở với thông điệp “Dậy sớm cùng Thành phố ăn phở.”
[Kim Duyên cùng H’Hen Niê quảng bá văn hóa, ẩm thực Việt với thế giới]
Những người thực hiện chương trình mong muốn sự tham gia của đông đảo người dân, du khách sẽ góp phần lan tỏa phở - món ăn đặc trưng truyền thống trong ẩm thực của người Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (đơn vị đồng hành cùng “Ngày của Phở”), đã chia sẻ so với vài năm trước, năm nay, Ngày của phở 12/12 đã phát triển ở tầm vóc mới. Đó là nhờ sáng kiến của Báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh cùng sự trợ giúp của nhiều đơn vị, các nghệ nhân, những người yêu phở trên cả nước đã giúp phở tạo được dấu ấn quan trọng trên bản đồ ẩm thực khu vực và trên thế giới.
Cũng vào ngày 12/12, phở Việt Nam được quảng bá trên trang chủ Google ở gần 20 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp các châu lục.
Theo chia sẻ của Google, hình tượng trưng là do nghệ sỹ khách mời Lucia Phạm ở Hà Nội minh họa, tôn vinh phở món ăn dân tộc của Việt Nam - món ăn thơm ngon với nước dùng mặn, bánh phở mềm, rau thơm và thịt thái mỏng. Đây cũng là hành động thiết thực nhằm quảng bá và hỗ trợ thúc đẩy phục hồi sau đại dịch COVID-19 cho các đơn vị kinh doanh phở.
Tiếp nối sau việc tôn vinh bánh mì (năm 2020), sự kiện này của phở tiếp tục là hoạt động thiết thực của Google nhằm quảng bá rộng rãi văn hóa, ẩm thực, du lịch Việt Nam ra quốc tế.
Thêm vào đó, vào tháng 9/2007, phở chính thức được ghi vào từ điển tiếng Anh giản lược Oxford (Shorter Oxford English Dictionary). Hai từ tiếng Việt khác cùng được ghi vào từ điển uy tín là bánh mì và áo dài. Đây không chỉ là niềm tự hào đối với tiếng Việt mà còn cả với nền ẩm thực Việt Nam. Bởi lẽ, việc được ghi nhận là danh từ riêng cũng có nghĩa là phở và bánh mì sẽ được rất nhiều người nước ngoài gọi tên...
Theo nhiều chuyên gia văn hóa di sản, phở hoàn toàn có thể trở thành di sản phi vật thể quốc gia. Điều cần làm là nhanh chóng triển khai kiểm kê khoa học, từ đó xây dựng hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia…
Sức hấp dẫn của ẩm thực Việt
Sức hấp dẫn của nền ẩm thực Việt Nam toát ra từ sự mộc mạc, dung dị mà đậm đà bởi nhiều nguyên liệu tự nhiên phong phú, sự đam mê của các đầu bếp khi chế biến và quan trọng là có sự kế thừa truyền thống, sáng tạo qua các thời kỳ.
Du khách quốc tế yêu thích món ăn Việt bởi sự cân bằng mùi vị và hài hòa về dinh dưỡng, nhiều rau xanh, không chất béo, mỗi món lại có nước chấm riêng biệt theo vùng miền.
Nhiều đầu bếp tầm cỡ thế giới như bếp trưởng người Anh Gordon Ramsay; cố đầu bếp nổi tiếng người Mỹ Anthony Bourdain; đầu bếp người New Zealand Bobby Chinn (Đại sứ Du lịch Việt Nam tại châu Âu, từ năm 2014- 2017)… đã làm nhiều việc thiết thực nhằm quảng bá ẩm thực Việt Nam.
Đắt giá nhất là hình ảnh cựu Tổng thống Mỹ Obama ăn bún chả tại Hà Nội vào năm 2016 đã thực sự tạo sức hút lớn cho ẩm thực Việt Nam, thu hút rất nhiều thực khách quốc tế thưởng thức món ăn này khi tới Việt Nam...
Cuối tháng 8/2020, Liên minh Kỷ lục Thế giới-WorldKings chính thức có văn bản thông báo đến Tổ chức Kỷ lục Việt Nam-VietKings về việc công nhận 5 kỷ lục thế giới đầu tiên trong lĩnh vực ẩm thực của Việt Nam.
Với sự đề cử của VietKings, ngày 5/10/2021, Hiệp hội Kỷ lục Thế giới (World Record association - WRA) chính thức thông qua 5 kỷ lục thế giới về ẩm thực đặc sản này của Việt Nam.
Đó là các kỷ lục: Việt Nam - đất nước sở hữu nhiều món sợi và nước hấp dẫn nhất thế giới; Việt Nam - đất nước có nhiều món mắm và các món ăn chế biến từ mắm với hương vị đặc trưng nhất thế giới; Việt Nam - đất nước có nhiều món bánh làm từ bột gạo hấp dẫn nhất thế giới; Việt Nam - đất nước sở hữu nhiều món cuốn nhất thế giới và Việt Nam - đất nước sở hữu món ăn làm từ hoa nhất thế giới.
Việt Nam đã hai lần được trao danh hiệu “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á” năm 2019-2020 của Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA). Đây là sự ghi nhận của du khách quốc tế, các chuyên gia hàng đầu về sự ngon, lành và phong phú của ẩm thực Việt Nam không chỉ trong phát triển du lịch mà còn văn hóa Việt Nam. Sự công nhận điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á là bước đệm để ẩm thực Việt tiếp tục quảng bá mạnh hơn nữa ra thế giới, giới thiệu sự đa dạng trong phong cách ẩm thực bản địa.
Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã nhận định nơi nào có dịch vụ ăn uống đặc sắc nơi đó có dấu ấn tốt với du khách, qua đó tạo niềm tin và giúp họ thỏa mãn nhu cầu khám phá nghệ thuật ẩm thực, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu bình quân và tạo nguồn thu cho địa phương.
Ẩm thực và di sản Việt - Đại sứ du lịch
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh cho biết thời gian qua, các di sản văn hóa và ẩm thực của Việt Nam đã làm tốt vai trò của một đại sứ du lịch, góp phần thu hút hàng triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Và du lịch cũng làm các giá trị di sản văn hóa và ẩm thực Việt Nam được tôn vinh và tỏa sáng.
Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những quốc gia sở hữu nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận nhất.
Bên cạnh đó, với sự phong phú, đa dạng, hài hòa và tinh tế, ẩm thực Việt Nam được coi là di sản văn hóa, là tài nguyên du lịch quý giá. Vì lẽ đó mà ẩm thực Việt Nam nói chung là một sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Các hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam thời gian qua luôn gắn liền với việc quảng bá văn hóa, ẩm thực khắp các vùng miền của cả nước…
Không chỉ khách nước ngoài mà du khách nội địa rất yêu thích những trải nghiệm liên quan đến du lịch ẩm thực. Do đó, các đơn vị lữ hành đều chú trọng tạo ra sản phẩm mang đến trải nghiệm chân thực nhất cho du khách như tham gia hội chợ, lễ hội ẩm thực truyền thống ở nhiều vùng miền, làng quê, trang trại hay thậm chí tham gia các lớp nấu ăn, tour du lịch chuyên ẩm thực để khám phá trọn vẹn các món ngon Việt Nam.
Bên cạnh đó, ẩm thực đường phố được du khách ưa chuộng bởi nó gắn liền với cuộc sống của người Việt Nam, dù đi bất cứ đâu cũng có thể thấy những hàng quán vỉa hè, hàng rong với đồ ăn ngon, rẻ, nhất là khi đến với Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Huế, Hội An, Hải Phòng, Tây Ninh...
Du khách khi đi du lịch ở mỗi địa phương lại có những trải nghiệm ẩm khác nhau do mỗi nơi lại có sự khác nhau về cách chọn nguyên liệu, chế biến đến cách thưởng thức, nhất là với các nước chấm đặc trưng. Nhiều món ăn còn gắn liền với những câu truyện dân gian, truyền thuyết hoặc dấu mốc gắn với lịch sử lịch sử.
Để phát triển hơn nữa giá trị của di sản văn hóa và ẩm thực, nâng cao hiệu quả kinh tế và năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Đề án Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa nhằm phát triển thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa, cụ thể hóa Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam.
Đề án hướng tới việc định vị thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam dựa trên giá trị văn hóa đặc sắc Việt Nam, tập trung di sản và ẩm thực, qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao; đến năm 2030, du lịch văn hóa chiếm 20- 25% trong tổng số khoảng 130 tỷ USD tổng thu từ khách du lịch.
Đề án cũng hướng tới việc khuyến khích sáng tạo khởi nghiệp gắn kết du lịch với các ngành công nghiệp văn hóa; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch văn hóa, đặc biệt là văn hóa ẩm thực và di sản./.