An ninh hàng không: Thuốc đắng mới mong "giã tật"!

Theo ông Tô Tử Hùng, Phó trưởng Phòng An ninh, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), tình trạng hành khách, người dân vẫn cố tình xâm phạm khu vực hạn chế trong sân bay, mang theo vật sắc nhọn trong người lên tàu bay, thậm chí gây rối, không tuân thủ hướng dẫn của nhân viên hàng không… vẫn ở mức cao.

Lý giải về thực trạng trên, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không đối với một số hành vi còn nhẹ, không đủ sức răn đe.

Theo ông Tô Tử Hùng, Phó trưởng Phòng An ninh, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), tình trạng hành khách, người dân vẫn cố tình xâm phạm khu vực hạn chế trong sân bay, mang theo vật sắc nhọn trong người lên tàu bay, thậm chí gây rối, không tuân thủ hướng dẫn của nhân viên hàng không… vẫn ở mức cao. Đáng chú ý, ngay cả cơ trưởng-những người tưởng chừng phải hiểu rất rõ các quy định này, cũng cố tình vi phạm!

Lý giải về thực trạng trên, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không đối với một số hành vi còn nhẹ, không đủ sức răn đe.

Cơ trưởng cũng mang hàng “nóng”


Theo ông Lại Xuân Thanh, Chánh văn phòng Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia, tình hình An ninh hàng không dân dụng vẫn diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bất ổn về an ninh, an toàn trong hoạt động hàng không.

"Mặc dù chưa gây thiệt hại về người nhưng cũng đã gây thiệt hại lớn về kinh tế như chậm chuyến, gây xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh của hãng vận chuyển," ông Thanh đánh giá.

Số liệu thống kê của Phòng An ninh, Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, trong vòng 1 tháng (từ 20/7 đến 20/8) vừa qua, đã có 23 vụ việc vi phạm về an ninh hàng không; trong đó có tới 9 vụ mang vũ khí, công cụ hỗ trợ không phép; 3 vụ xâm nhập trái phép vào cảng hàng không, sân bay; 7 vụ hành khách sử dụng giấy tờ đi tày bay giả...

Đáng chú ý, nhiều trường hợp hành khách mang bình xịt hơi cay, roi điện dạng điện thoại hoặc đèn pin, dùi cui, nòng súng không có giấy phép sử dụng…

Dẫn chứng, vào ngày 11/8, an ninh hàng không Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đã phát hiện hành khách Nguyễn Minh Thanh, làm ở Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm trật tự quản lý Kinh tế và Chức vụ (PC46) tại Kon Tum đi trên chuyến bay VN1621 chặng Hà Nội-Buôn Mê Thuột mang 2 roi điện lên tàu bay không có giấy phép sử dụng. Ngay lập tức, lực lượng An ninh Hàng không Nội Bài lập biên bản bàn giao vụ việc cho Đồn Công an sân bay quốc tế Nội Bài thụ lý giải quyết...

Bên cạnh đó, lực lượng An ninh cũng phát hiện và xử lý vi phạm ngay với chính cơ trưởng điều khiển máy bay cũng mang hàng “nóng” vi phạm quy định dẫn đến đe dọa an ninh hàng không.

Cụ thể, báo cáo của Phòng An ninh, Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, vào ngày 21/7 vừa qua, tại khu vực soi chiếu hành lý xách tay của Ga quốc tế Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (SGN), nhân viên An ninh hàng không đã phát hiện ông Sun Li (quốc tịch Trung Quốc, hộ chiếu số S90249204), lái chính của chuyến bay CA904, hành trình Thành phố Hồ Chí Minh-Bắc Kinh có mang 1 roi điện dạng đèn pin trong hành lý xách tay và không xuất trình được giấy phép sử dụng. Cảng vụ Hàng không miền Nam phối hợp với Trung tâm An ninh hàng không lập biên bản và bàn giao vụ việc trên cho Đồn Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất xử lý; Công an đã lập biên bản thu giữ tang vật, cho phép ông Sun Li xuất cảnh.

Đề cập về trường hợp cơ trưởng cũng vi phạm quy định, ông Hùng thừa nhận, không hiểu sao một người có dày dạn kinh nghiệm bay như cơ trưởng nêu trên mà cũng mắc lỗi.

“Lực lượng An ninh hàng không chỉ làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho mỗi chuyễn bay, còn động cơ của việc mang công cụ trái phép lên máy bay làm gì thì chúng tôi không được rõ, bởi đây thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan công an,” ông Hùng bày tỏ quan điểm.

Ngoài ra, theo đánh giá của ông Hùng, một trong những vi phạm chủ yếu chưa được ngăn chặn hiệu quả trong thời gian qua là hiện tượng xâm nhập trái phép vào khu vực hạn chế.

[Bảo đảm an ninh hàng không của khu vực hạn chế]

Lý giải về tình trạng trên, đại diện Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam thẳng thắn, trong hoạt động hàng không dân dụng, hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hàng rào an ninh tại nhiều cảng hàng không, sân bay chưa được xây dựng hoàn chỉnh, thiết bị an ninh còn thiếu, lực lượng an ninh mỏng, đang đặt ra những thách thức lớn đối với công tác bảo đảm an ninh hàng không.

Chế tài xử phạt chưa đủ răn đe

Hiện nay, trong số các vụ việc vi phạm an ninh hàng không, nổi bật lên hiện tượng hành khách sử dụng giấy xác nhận nhân thân giả mạo với xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước.

Cụ thể, trong tháng 7 chỉ 1 vụ việc vi phạm nhưng sang tháng 8/2013 đã phát hiện thêm 7 vụ. Hành khách vi phạm chủ yếu ở các tỉnh, thành phố nhỏ như: Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Cần Thơ…

Theo các hãng hàng không, hãng chỉ có quan hệ mua bán với người mua vé chính thức, hành khách không bay thì chỉ được hoàn, hủy vé (nếu điều kiện cho phép) và không được sang nhượng lại cho người khác.

Qua xác minh của các cơ quan chức năng cho thấy, các trường hợp được phát hiện đều là những người ham vé rẻ, lợi dụng sự lỏng lẻo trong chứng thực giấy tờ để tư lợi cá nhân, chưa có đối tượng tội phạm. Song, Cục Hàng không Việt Nam vẫn đánh giá đây là nguy cơ đe dọa An ninh hàng không cần được ngăn chặn.

Từ thực trạng này, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không khẩn trương xác minh An ninh hàng không đối với đại lý của hãng đã tiếp tay vi phạm đồng thời đề nghị Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) siết chặt công tác xác nhận giấy tờ tùy thân ở cấp xã, phường.

Nhắc đến những nguyên nhân của việc vi phạm liên quan đến an toàn hàng không vẫn tiếp diễn, ông Nguyễn Huy Cường, Cục Phó Cục Hàng không Việt Nam khẳng định: “Chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội đối với một số hành vi còn nhẹ, không đủ sức răn đe. Có những hành vi vi phạm chưa đến mức xử lý hình sự nhưng không được quy định trong Nghị định số 60/2010/ NĐ –CP của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.”

[Đề xuất tăng xử phạt vi phạm an ninh hàng không]

Để hạn chế tối đa sự cố liên quan đến an toàn hàng không, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu, Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia đã yêu cầu ngành hàng không làm rõ hơn nữa trách nhiệm của các bên, tăng cường kiểm tra giám sát đột xuất, khắc phục sự phối hợp lỏng lẻo giữa các đơn vị và đẩy mạnh xây dựng văn hóa an toàn... Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát bằng camera các khu vực quanh sân bay, hạn chế tình trạng người dân xâm nhập trái phép vào khu vực hạn chế của hàng không./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục