Anh bắt đầu đàm phán với các nước thành viên để tham gia CPTPP

Việc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương sẽ giúp bổ sung cho các thỏa thuận thương mại mà Anh đang tìm kiếm, hoặc đã nhất trí với các thành viên lớn hơn của CPTPP.
Anh bắt đầu đàm phán với các nước thành viên để tham gia CPTPP ảnh 1Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss cầm văn kiện xin gia nhập CPTPP ngày 30/1/2021. (Nguồn: Bộ Thương mại Quốc tế Anh)

Ngày 28/9, Vương quốc Anh sẽ bắt đầu tiến hành đàm phán với 11 quốc gia thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để tham gia hiệp định này.

Đây được coi là sự kiện quan trọng trong các kế hoạch thương mại hậu Brexit của Anh trong tương lai (Brexit chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu).

Theo quy định, Hiệp định CPTPP xóa bỏ 95% thuế quan giữa các quốc gia thành viên. Các nước thành viên CPTPP gồm có Nhật Bản, Canada, Australia, Việt Nam, New Zealand, Singapore, Mexico, Peru, Brunei, Chile và Malaysia.

Anh hy vọng sẽ thiết lập một vị trí thích hợp cho nước này trong "bức tranh" thương mại thế giới với tư cách là nước xuất khẩu hàng tiêu dùng cao cấp và dịch vụ chuyên nghiệp.

Việc gia nhập CPTPP sẽ giúp bổ sung cho các thỏa thuận thương mại mà Anh đang tìm kiếm, hoặc đã nhất trí, với các thành viên lớn hơn của CPTPP.

[Hội đồng CPTPP lên kế hoạch thảo luận về đơn xin gia nhập của Anh]

Các nước thành viên khác của CPTPP đã nhóm họp để thảo luận về đơn xin gia nhập CPTPP của Anh.

Tuy vậy, cuộc họp trực tuyến của Nhóm công tác của CPTPP về đơn xin gia nhập của Anh do Nhật Bản chủ trì trong ngày 28/9 sẽ là cuộc họp đầu tiên có sự tham dự của Anh.

Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Anne-Marie Trevelyan cho biết đây là một cột mốc quan trọng trên con đường gia nhập CPTPP của Anh, cho phép nước này tạo mối liên kết chặt chẽ hơn với cả những “người bạn cũ” và một số nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất thế giới.

Theo dự báo của Chính phủ Anh, việc tham gia CPTPP có thể giúp nền kinh tế nước này tăng thêm khoảng 1,8 tỷ bảng Anh (2,5 tỷ USD) trong dài hạn, hay tương đương gần 0,1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.