Ngày 13/6, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đã công bố việc thiết lập một “trục” hợp tác giữa Áo, Đức và Italy nhằm đấu tranh chống lại vấn đề nhập cư bất hợp pháp, trong khi Liên minh châu Âu (EU) đang chia rẽ về vấn đề hóc búa này.
Tập hợp những người di cư tại các trung tâm tiếp nhận bên ngoài EU là một trong các giải pháp do một số quốc gia đang gánh chịu khủng hoảng di cư đề xuất.
Áo đang nghiên cứu tính khả thi của đề xuất này, đặc biệt là việc lập các trung tâm tiếp nhận ở Albania.
Phát biểu với báo giới Thủ tướng Áo cho biết nước này đang làm việc với một số quốc gia EU về việc thành lập các trung tâm tiếp nhận người di cư ở bên ngoài EU nhằm cung cấp nơi ở và bảo vệ người di cư và các nỗ lực đang được tiến hành.
[Các nước Liên minh châu Âu vẫn bế tắc trong cải cách luật tị nạn]
Ông nhấn mạnh: "Việc thành lập các trung tâm tiếp nhận người di cư bên ngoài EU là một dự án mà Áo đang tiến hành cùng một vài quốc gia, với cách thức không được công bố rộng rãi để tăng tính khả thi của dự án."
Trong số các quốc gia có khả năng chấp thuận các trung tâm tiếp nhận này, báo chí Áo đã đề cập đến Albania trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, Thủ tướng Áo đã từ chối xác nhận thông tin này.
Thủ tướng Kurz, người theo chủ nghĩa bảo thủ và đang lãnh đạo Chính phủ cùng đại diện đảng cực hữu, đã không nêu rõ các trung tâm tiếp nhận này sẽ dành cho những người di cư nào.
Tuy nhiên, tuần trước, Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen đã thảo luận với một số quốc gia; trong đó có Áo, về việc thành lập các "trung tâm tiếp nhận chung" dành cho người di cư không thể yêu cầu tị nạn tại EU, hoặc đã bị từ chối không được tị nạn tại các quốc gia EU.
Liên minh cánh hữu/cực hữu nắm quyền tại Áo kể từ cuối năm 2017 đã coi chính sách nhập cư hạn chế là một trong các ưu tiên hàng đầu.
Chính phủ mới tại Vienna vừa muốn làm cho Áo kém hấp dẫn đối với những người xin tị nạn, vừa gia tăng việc trục xuất những người bị bác đơn xin tị nạn, song mục tiêu này bị cản trở do không có thỏa thuận tái tiếp nhận người di cư với nhiều quốc gia.
Các nước EU vẫn bế tắc trong việc cải cách hệ thống tị nạn suốt 2 năm qua. Không khí chính trị vốn đã nặng nề lại càng trở nên căng thẳng hơn khi một chính phủ dân túy và phản đối người nhập cư lên nắm quyền tại Italy./.