APEC 2017: Ngày làm việc thứ chín với nhiều nội dung quan trọng

Vấn đề phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực logistics hay tăng cường hợp tác hướng tới khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) được thảo luận trong ngày làm việc thứ chín.
APEC 2017: Ngày làm việc thứ chín với nhiều nội dung quan trọng ảnh 1Đại biểu đại diện các nền kinh tế APEC dự Hội thảo về sự đóng góp của Liên minh Thái Bình Dương đối với việc thực hiện hóa Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương chụp ảnh chung. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ngày làm việc thứ chín của Hội nghị quan chức cao cấp APEC lần thứ 3 (SOM 3) và các hội nghị liên quan thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra với nhiều nội dung kinh tế quan trọng như phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực logistics hay tăng cường hợp tác hướng tới khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).

Tại Hội thảo về thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa vào chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành dịch vụ hậu cần (logistics), do Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Ban Thư ký APEC tổ chức, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và đại diện các nền kinh tế thành viên APEC đã tập trung thảo luận, trao đổi kinh nghiệm và các thông lệ tốt cũng như đề xuất các hoạt động tạo thuận lợi cho sự tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa vào chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành dịch vụ nói chung cũng như logistics nói riêng.

Kết quả của hội thảo sẽ được báo cáo lên Ủy ban Thương mại và Đầu tư của APEC (CTI) và Nhóm Công tác APEC về doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEWG) để cân nhắc và xem xét các hoạt động tiếp theo trong thời gian tới

Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI) tổ chức Hội thảo "về sự đóng góp của Liên minh Thái Bình Dương đối với việc thực hiện hóa FTAAP," với nội dung tăng cường các mối quan hệ hiểu biết giữa các nền kinh tế, các liên minh khu vực nhằm tìm ra các giải pháp hướng tới khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).

Các đại biểu tham dự hội thảo đã thảo luận, trao đổi về nền tảng xây dựng FTAAP; Liên minh Thái Bình Dương và mối quan hệ trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại; chia sẻ những lĩnh vực có thể hợp tác giữa APEC và Liên minh Thái Bình Dương; hợp tác trong các vấn đề tạo thuận lợi thương mại nhóm và các vấn đề liên quan đến dịch vụ… Liên minh Thái Bình Dương là một cộng đồng kinh tế của bốn nước châu Mỹ Latinh gồm Chile, Colombia, Mexico và Peru, hoạt động từ năm 2011.

Cuộc họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế (EC) bế mạc sau hai ngày làm việc. Các đại biểu đã tập trung thảo luận dự thảo Báo cáo chính sách kinh tế APEC về cải cách cơ cấu và phát triển nguồn nhân lực. Đây được coi là một đóng góp có ý nghĩa của các thành viên đối với việc triển khai Chương trình nghị sự mới của APEC về cải cách cơ cấu, được các nhà lãnh đạo thông qua năm 2015.

Các đại biểu cũng đã thảo luận dự thảo Kế hoạch hành động chung của EC và Hội nghị các quan chức cao cấp tài chính (SFOM) để báo cáo lên các quan chức cao cấp; Chương trình nghị sự APEC về cải cách cơ cấu thời gian tới; cũng như Hướng dẫn của OECD về quản trị các doanh nghiệp nhà nước. Chủ tịch EC sẽ thay mặt Ủy ban sẽ báo cáo các kết quả của cuộc họp tại Hội nghị SOM ngày 29 tới.

Nhóm đặc trách về kinh tế mạng (AHSGIE) đã hoàn tất thảo luận Lộ trình kinh tế mạng của APEC và dự thảo chương trình hoạt động của AHSGIE cho những năm tiếp theo, đánh dấu ngày làm việc cuối cùng của Nhóm trong đợt Hội nghị SOM 3.

Cùng ngày, đã diễn ra cuộc họp của Hội đồng quản trị (PSU) do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Ban Thư lý APEC tổ chức và cuộc họp của Ủy ban quản lý ngân sách (BMC).

Các bộ, ngành của Việt Nam, đặc biệt là Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những đóng góp tích cực tại các cuộc họp và được các thành viên đánh giá là thể hiện tốt vai trò Chủ tịch, đồng Chủ tịch của các ủy ban, nhóm công tác của APEC./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.