'Ba đảo dừa xanh' - Phát triển du lịch gắn với tài nguyên bản địa

Bến Tre - nơi được mệnh danh "Ba đảo dừa xanh," có bốn bề sông nước mênh mông, được hình thành bởi cù lao An Hóa, cù lao Bảo, cù lao Minh và do phù sa bốn nhánh sông Cửu Long bồi tụ.
Vườn dừa hữu cơ ở xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú, Bến Tre. (Ảnh Công Trí/TTXVN)
Vườn dừa hữu cơ ở xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú, Bến Tre. (Ảnh Công Trí/TTXVN)

Nằm ở hạ nguồn Mekong, Bến Tre - nơi được mệnh danh "Ba đảo dừa xanh," có bốn bề sông nước mênh mông, được hình thành bởi cù lao An Hóa, cù lao Bảo, cù lao Minh và do phù sa bốn nhánh sông Cửu Long (sông Tiền, sông Ba Lai, sông Cổ Chiên và sông Hàm Luông) bồi tụ.

Phong cảnh hữu tình, không khí mát mẻ với những vạt dừa xanh bạt ngàn đã trở thành tiềm năng, lợi thế cho "ngành công nghiệp không khói."

Hiện địa phương đã và đang tập trung, chú trọng phát triển du lịch với định hướng phát triển du lịch sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2025 và là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.

Trong 7 tháng năm 2022, Bến Tre đón và phục vụ hơn 670 lượt khách du lịch (tăng 185,47% so cùng kỳ năm 2021), tổng thu từ khách du lịch ước đạt 821 tỷ đồng, cao gấp 3,4 lần so cùng kỳ năm 2021.

Các sản phẩm du lịch được nhiều du khách lựa chọn sau thời gian dài ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 chủ yếu tập ở các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với tài nguyên bản địa, gắn với môi trường, gần gũi với thiên nhiên.

Khai thác lợi thế tiềm năng

Sau đại dịch COVID-19, xu hướng du lịch của du khách có nhiều thay đổi. Theo đó, phần lớn du khách quan tâm nhiều tới những chuyến đi ngắn ngày, về với thiên nhiên và cuộc sống yên bình chốn làng quê.

Qua đánh giá của các chuyên gia du lịch, thế mạnh của du lịch của Bến Tre là cảnh sắc thiên nhiên mang nét nguyên sơ phong phú, đa dạng với những vườn dừa xanh bạc ngàn, những vườn cây ăn trái sum suê trĩu quả được phù sa bồi tụ quanh năm cùng khí hậu nắng ấm, mát mẻ.

Đặc biệt, Bến Tre còn có môi trường sinh thái trong lành, là vùng đất vẫn còn lưu giữ được những nét sông nước miệt vườn với sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nguồn thủy hải sản dồi dào… và nếp sống bình dị cũng như sự gần gũi, chan hòa của người dân gắn liền với thiên nhiên.

Không chỉ có thiên nhiên đẹp yên bình, mảnh đất ba dải cù lao còn là tỉnh có bề dày truyền thống văn hóa với các làng nghề truyền thống: sản xuất kẹo dừa, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, làng nghề sản xuất cây giống và hoa kiểng, dệt chiếu…

Cùng với đó là các làn điệu dân ca mang đậm sắc thái vùng sông nước Nam Bộ như đờn ca tài tử, hát sắc bùa, hát bội, múa bóng rỗi…

[ĐBSCL: Phát triển mạnh các sản phẩm du lịch đặc thù vùng sông nước]

Theo ông Nguyễn Văn Bàn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre, với tài nguyên du lịch tự nhiên và bề dày truyền thống văn hóa phong phú, du lịch Bến Tre tập trung phát triển một số loại hình du lịch chủ yếu như du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn; tham quan di tích lịch sử-văn hóa; du lịch cộng đồng; du lịch biển kết hợp với tham quan, tìm hiểu hệ sinh thái rừng ngập mặn; du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí; du lịch nông nghiệp kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ cao, du lịch MICE,...

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre cho biết, ngoài các sản phẩm du lịch truyền thống vốn có trước đây, Bến Tre với thế mạnh là cây dừa.

Tỉnh đang tập trung vận động các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, sông nước và trải nghiệm văn hóa gắn với "cây dừa Bến Tre."

Nắm bắt xu hướng này, chàng trai trẻ Quách Duy Thịnh (xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) đã làm "say lòng người" khi đưa du khách trở về miền quê thôn dã bằng những ký ức tuổi thơ cùng những món ăn đậm đà bản sắc quê hương tại homestay Maison du Pays de Bến Tre (tạm dịch: Ngôi nhà xứ sở quê hương).

Trong căn nhà cấp bốn nằm cách trung tâm thành phố Bến Tre 15km, anh Thịnh đã khéo léo tạo những ấn tượng với khách du lịch bằng nét đẹp mộc mạc, bình dị nhưng không kém phần chỉnh chu trong từng chi tiết.

Anh Quách Duy Thịnh cho hay ngoài nghỉ ngơi trong không gian miệt vườn, đi bộ thong dong dưới những rừng dừa, homestay Maison du Pays de Bến Tre còn mang đến những trải nghiệm thú vị và thân tình chỉ Bến Tre mới có.

Theo đó, khách có thể tham quan làng bánh phồng Sơn Đốc, nhà thờ La Mã, đi hái bưởi, hái dừa, thưởng thức dừa tươi tại chỗ, dừng chân ở những cánh đồng rau sạch để mua rau tự làm cơm.

'Ba đảo dừa xanh' - Phát triển du lịch gắn với tài nguyên bản địa ảnh 1Du khách được trải nghiệm các hoạt động tại nông trại xanh Riverside Garden ở Bến Tre. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Không chỉ nổi tiếng là "Xứ Dừa," những vườn trái cây Bến Tre cũng rất hấp dẫn du khách gần xa bởi hương vị thơm ngon, sự đa dạng về chủng loại theo đúng kiểu "Mùa nào thức nấy."

Tại xã Tân Phú, huyện Châu Thành, men theo các bảng chỉ dẫn, du khách có thể dừng chân tha hồ dạo quanh vườn để ngắm nhìn chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, bòn bon…

Được hướng dẫn của chủ vườn, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh tự tay hái những trái sầu riêng, chùm chôm chôm chín mọng và thưởng thức tại chỗ.

Chị Nhung cho biết thích nhất là cảm giác được tìm hiểu quy trình sản xuất các loại trái cây, lại được trải nghiệm thu hoạch và thưởng thức sản phẩm tại vườn, tạo sự an tâm về an toàn thực phẩm.

Mặt khác, từng vườn cây ăn trái cũng hình thành các lều che bằng tấm bạt nhựa, bố trí bàn ghế, võng để khách ngã lưng; đặc biệt, giá bán ổn định và không cao hơn so với bên ngoài, tạo tâm lý thoải mái cho du khách khi tham quan...

Ông Trần Đức Thắng, chủ vườn trái cây Quê Ta ở ấp Tân Qui, xã Tân Phú chia sẻ, dịp lễ, ngày nghỉ cuối tuần, nhà vườn phục vụ tới 300-400 lượt khách/ngày, ngày thường cũng bình quân khoảng 50-60 khách/ngày.

Không chỉ làm du lịch một mình, các nhà vườn liên kết, cùng nhau làm mô hình du lịch sinh thái, để du khách có thể lựa chọn, thưởng thức được nhiều loại trái cây khác nhau trên cùng một tour tuyến, tránh sự nhàm chán.

Không chỉ quan tâm về các sản phẩm du lịch, Bến Tre còn tập trung thu hút nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông phục vụ hoặc kết hợp phục vụ du lịch; nâng cao khả năng kết nối giao thông tới các khu, điểm du lịch, từ đó tạo đột phá phát triển du lịch.

Bởi giao thông là 1 trong 3 lĩnh vực chính của du lịch. Giao thông chính là "sợi dây" kết nối mọi hoạt động của du lịch; giao thông thuận lợi là "đòn bẩy" để du lịch phát triển. Một điểm đến dù có hấp dẫn nhưng giao thông không thuận lợi, kết nối không tốt cũng sẽ khó khăn trong thu hút được khách hàng.

Định hình thương hiệu du lịch xứ Dừa

Nắm bắt lợi thế từ tài nguyên bản địa của ba dãy cù lao, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch Bến Tre đã quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng, từng bước hình thành nhiều loại hình, sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng riêng có của vùng sông nước miệt vườn xứ Dừa.

'Ba đảo dừa xanh' - Phát triển du lịch gắn với tài nguyên bản địa ảnh 2Bến Tre thu hút khách bằng các sản phẩm du lịch gắn với tài nguyên bản địa đặc trưng của miền sông nước. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/ TTXVN)

Qua đó, góp phần phát triển du lịch sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2025 và là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.

Không nằm ngoài "công thức chung" của xu hướng phát triển du lịch, tại Bến Tre, mỗi đơn vị, doanh nghiệp làm du lịch đã và đang định hình cho mình một sản phẩm mang tính đặc trưng, nổi bật để tạo nên thương hiệu riêng.

Bà Trần Thị Hải Vân, Tổng Giám đốc Bến Tre Riverside Resort cho biết ngoài kinh doanh khu nghỉ dưỡng 4 sao đầu tiên của tỉnh, đơn vị chủ động hình thành điểm đến du lịch trải nghiệm đặc trưng phù hợp với mọi lứa tuổi trên hành trình du khách xuôi dòng Mekong về xứ Dừa.

Bà Vân cho biết, nằm ngay sông Hàm Luông thoáng mát, với 20ha, Riverside Garden đã xây dựng nơi trồng các loại cây ăn trái - nông sản xanh phục vụ nhà hàng Resort.

Đặc biệt, dựa trên những tiềm năng sẵn có, Riverside Garden bổ sung thêm cảnh quan và các dịch vụ phù hợp với tất cả độ tuổi nhưng vẫn giữ trọn vẻ đẹp thiên nhiên giúp du khách tận hưởng không khí trong lành. Tiêu chí của đơn vị là xây dựng nên sản phẩm du lịch trọn gói để du khách có thể vừa nghỉ dưỡng, vừa ngắm cảnh, trải nghiệm ẩm thực văn hóa của người Bến Tre.

Giống như một ốc đảo xanh trên sông Tiền, khu du lịch miệt vườn Cồn Phụng ở xã Tân Thạch, huyện Châu Thành trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.

Ông Phan Văn Thông, Giám đốc Khu du lịch cồn Phụng cho biết, nơi đây thu hút du khách gần xa vì vẫn còn lưu giữ nguyên bản nhiều kiến trúc độc đáo như sân Chín Rồng, tháp Hòa Bình... đã hơn 50 năm xây dựng.

Ngoài ra, khách du lịch có cơ hội hiểu thêm về con người, cuộc sống, văn hóa xứ dừa tại Bảo tàng Dừa - một ngôi nhà được làm hoàn toàn từ thân cây dừa và cũng là nơi trưng bày nhiều sản phẩm làm từ dừa.

Hiện nay, khu du lịch sinh thái đang được đầu tư nâng cấp nhà hàng, khách sạn, trung tâm giải trí, vườn thú, làng nghề, phục hồi khu phức hợp kiến trúc Đạo Dừa để thu hút thêm khách du lịch.

Ông Phan Văn Thông cho biết thêm, điểm nhấn của hành trình du lịch về cồn Phụng là du khách trải nghiệm cảm giác ngồi thuyền tham quan những bãi cồn lớn, nghe hát đờn ca tài tử và thưởng thức các món ăn đặc sản miền Tây. Việc kết nối đến các cơ sở sản xuất kẹo dừa - sản phẩm truyền thống

của Bến Tre giúp du khách hiểu hơn quy trình sản xuất kẹo của người dân bản địa từ khâu chuẩn bị, nấu, cuộn kẹo, cắt và đóng gói cũng như sản phẩm thủ công từ thân, trái, vỏ dừa được tạo thành từ bàn tay khéo léo của nghệ nhân…

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre, toàn tỉnh hiện có 57 làng nghề (trong đó có 39 làng nghề nông nghiệp) đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định công nhận. Các làng nghề đang được quan tâm khai thác phục vụ khách tham quan du lịch như: Sản xuất cây giống, hoa kiểng, chế biến cá khô, nấu rượu, làm kẹo dừa, bánh tráng, bánh phồng....

Ngoài ra, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với nhiều sản phẩm là thế mạnh của tỉnh như bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm, nhãn, trái cây sấy, mật ong, tôm khô, cá khô, rượu... đặc biệt là sản phẩm chế biến từ dừa (kẹo dừa, dừa sấy, nước cốt dừa, nước màu dừa, mỹ phẩm từ dừa...) nhận được sự quan tâm, đón nhận từ du khách. Loại hình du lịch homestay ở Bến Tre khá thu hút du khách đến nghỉ dưỡng và trải nghiệm, đặc biệt là du khách nước ngoài.

Phát triển bền vững

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre cho hay, với mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm du lịch của tỉnh, Bến Tre đã ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển du lịch thông minh tại địa phương.

'Ba đảo dừa xanh' - Phát triển du lịch gắn với tài nguyên bản địa ảnh 3Du khách trải nghiệm các hoạt động team building theo phong cách đặc trưng miền Tây như cầu lắc, bơi xuồng... (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/ TTXVN)

Qua đó, giúp cho việc quản lý thuận tiện hơn, nâng cao chất lượng phục vụ du khách, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững, tạo lợi ích qua lại giữa du khách, chính quyền và doanh nghiệp.

Cụ thể, Bến Tre đã đưa vào sử dụng website https://bentretourism.vn được hỗ trợ bằng hai ngôn ngữ Việt - Anh và tích hợp trên nền tảng các mạng xã hội giới thiệu quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh; thông tin về lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Bên cạnh đó cung cấp đầy đủ và kịp thời các hoạt động du lịch, sự kiện nổi bật của tỉnh, cập nhật thông tin chính thống về chất lượng giá cả dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh (như dịch vụ lưu trú, lữ hành, vận tải, ăn uống, mua sắm, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe, cửa hàng bán lẻ, máy giao dịch tự động và các dịch vụ khác đến khách du lịch).

Cổng cung cấp sổ tay điện tử, tư vấn thông tin du lịch dựa vào tính năng tự động xác định địa điểm qua định vị, tư vấn lịch trình chỉ đường, gợi ý các địa điểm ăn uống, khách sạn, dịch vụ, ngân hàng, y tế, phương tiện di chuyển và bản đồ 3D trên địa bàn tỉnh.

Từ đây, mở ra cơ hội cho du lịch Bến Tre được mọi người dân tiếp cận qua các trang thông tin điện tử, điện thoại thông minh, góp phần đưa ngành "công nghiệp không khói" Bến Tre trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm phục hồi hoạt động du lịch như tăng cường truyền thông, giới thiệu, quảng bá Bến Tre điểm đến an toàn - thân thiện - chất lượng; đẩy mạnh các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trên cả nước nhất là liên kết, phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long; khuyến khích các đơn vị du dịch trên địa bàn quan tâm đầu tư xây dựng mới, chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật; nghiên cứu xây dựng thêm nhiều chương trình, sản phẩm, dịch vụ du lịch mới lạ, phong phú, hấp dẫn, mang nét đặc trưng của du lịch vùng xanh xứ dừa; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ lao động phục vụ khách…

Theo bà Hồ Thị Hoàng Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre, để đạt mục tiêu "Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030" theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, thời gian tới, các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị cần tập trung quan tâm xây dựng, phát triển nguồn nhân lực để tạo "động lực" phát triển " mạnh" và "nhanh" ngành kinh tế mũi nhọn.

Muốn vậy, phải tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở về chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị... đảm bảo số lượng và chất lượng, đủ tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm.

Cùng với đó là thường xuyên mở lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ, tin học... cho lực lượng lao động tại các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng như tăng cường mở lớp tập huấn cho người dân và cộng đồng về kỹ năng giao tiếp, ứng xử, ý thức bảo vệ môi trường...

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre, cần có cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, được đào tạo đúng chuyên ngành du lịch về công tác tại các đơn vị Nhà nước, đơn vị kinh doanh du lịch.

Đặc biệt lựa chọn đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm, có phẩm chất đạo đức, năng lực, uy tín lãnh đạo, quản lý có chất lượng, hiệu quả lĩnh vực du lịch, có cơ chế, chính sách đãi ngộ, khen thưởng hợp lý.

Bà Hồ Thị Hoàng Yến nhấn mạnh, bên cạnh việc định hướng quy hoạch, khai thác tốt nguồn tài nguyên du lịch việc tập trung đầu tư cho nguồn nhân lực là một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Từ đó, xây dựng thương hiệu du lịch xứ Dừa bền vững, cạnh tranh tốt với các địa phương, thực hiện thành công mục tiêu đưa du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.