Ba em bé đầu tiên ra đời bằng thụ tinh ống nghiệm tại Đà Nẵng

Tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, sáng 25/12, ba em bé đầu tiên đã ra đời từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Ba em bé đầu tiên ra đời bằng thụ tinh ống nghiệm tại Đà Nẵng ảnh 1Bé trai đầu tiên chào đời là con của sản phụ Phạm Thùy Trang. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 25/12, Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng phối hợp với Hội Nội tiết Sinh sản và Vô sinh Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo sản phụ khoa chào mừng em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, sáng 25/12, ba em bé đầu tiên đã ra đời từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Đình Vinh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng nhấn mạnh ba em bé đầu tiên được chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm là sự nỗ lực của đội ngũ các chuyên gia, y bác sỹ trong việc tiếp cận, cập nhật các phương pháp trong điều trị các bệnh nhân hiếm muộn tại Đà Nẵng.

Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia, y, bác sỹ gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm và cập nhật các thông tin mới trong điều trị vô sinh, hiếm muộn. Các dịch vụ y tế kỹ thuật cao được triển khai trong điều trị vô sinh - hiếm muộn là điều kiện thuận lợi trong điều trị bệnh cho các bệnh nhân bị hiếm muộn tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Tại hội thảo, các chuyên gia đầu ngành trong trong lĩnh vực sản phụ khoa, vô sinh-hiếm muộn đến từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã cập nhật những báo cáo khoa học quan trọng đến đội ngũ các y, bác sỹ bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng như dự phòng huyết khối tĩnh mạch ở các sản phụ, thụ tinh trong ống nghiệm và xu hướng mới, hiệu quả chuyển phôi trữ lạnh ở bệnh nhân thụ tinh trong ống nghiệm tại bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng...

Ông Hồ Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Di truyền và sức khỏe sinh sản, Khoa Y - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiện nay, ở Việt Nam có đến 1 triệu cặp vợ chồng bị hiếm muộn, vô sinh; mỗi năm có khoảng 15.000 trường hợp thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm và các kỹ thuật liên quan.

Vì vậy, việc nghiên cứu những xu hướng mới trong thụ tinh trong ống nghiệm có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp các cặp vợ chồng gặp phải vấn đề hiếm muộn có thêm hy vọng.

Riêng đối với Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, cập nhật những xu hướng mới này sẽ giúp đội ngũ y, bác sỹ nâng cao chuyên môn, tiếp cận kỹ thuật tương ứng với những trung tâm thụ tinh trong hàng đầu của cả nước.

Là người trực tiếp thăm khám, theo dõi các trường hợp này, bác sỹ Nguyễn Thị Phương Lê, Trưởng khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng vui mừng cho biết ngay sau khi bệnh viện có thông tin triển khai thụ tinh trong ống nghiệm, bệnh viện đã đón nhận rất nhiều trường hợp đăng ký tư vấn, khám và điều trị vô sinh không chỉ ở Đà Nẵng mà còn ở các tỉnh lân cận.

Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng bắt đầu triển khai các hoạt động thụ tinh trong ống nghiệm từ tháng 3/2014 và đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục