Các dự án giao thông của Hà Nội được đầu tư, xây dựng đã góp phần cải thiện năng lực lưu thông cho người dân. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Các dự án giao thông của Hà Nội được đầu tư, xây dựng đã góp phần cải thiện năng lực lưu thông cho người dân. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Ba khâu đột phá chiến lược để hạ tầng giao thông Thủ đô ‘cất cánh’

Các dự án hạ tầng giao thông của Thủ đô Hà Nội được đầu tư xây dựng vừa qua đã góp phần tạo thuận lợi đi lại cho người dân và mở ra không giạn phát triển đô thị.

Hàng loạt các công trình, dự án đường cao tốc, đường vành đai, trục hướng tâm, đường liên kết nội vùng và liên vùng và cầu vượt bắc qua sông Hồng, sông Đuống đã và đang được đầu tư sẽ hình thành mạng lưới giao thông hoàn thiện cho thành phố Hà Nội.

Các dự án giao thông này khi hoàn thành đã rút ngắn thời gian di chuyển, gỡ nút thắt về ùn tắc giao thông, mở ra không gian phát triển đô thị của Thủ đô.

Hạ tầng mở ra không gian phát triển đô thị

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, đến nay, Hà Nội đã có 7/7 tuyến đường cao tốc hướng tâm (gồm 111,32km trên địa bàn) và 8/8 tuyến quốc lộ hướng tâm đã và đang được đầu tư, hình thành và đưa vào khai thác; 7/7 tuyến đường vành đai đang dần được hình thành và khép kín.

Trong hệ thống 18 cầu vượt sông Hồng theo quy hoạch, đến nay đã có 9/18 cầu hoàn thành (Thăng Long, Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Văn Lang, Trung Hà, Long Biên); 6/18 cầu đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công (Tứ Liên, Hồng Hà, Mễ Sở, Thượng Cát, Vân Phúc, Trần Hưng Đạo).

Hình ảnh Hà Nội xưa với 36 phố phường, 5 cửa ô nay được điểm thêm bằng những tuyến cao tốc, đại lộ thênh thang; các cây cầu vươn mình mạnh mẽ vắt qua sông Hồng.

Với sông Đuống, Hà Nội đã có 4/8 cầu lớn hoàn thành (Cầu Đuống, Phù Đổng 1, Phù Đổng 2, Đông Trù) và cầu Đuống mới đang triển khai thi công; còn 3 cầu chưa được đầu tư hình thành gồm cầu Giang Biên, Mai Lâm và Ngọc Thụy.

Về mạng lưới đường bộ, ngoài đường Vành đai 4 vùng Thủ đô, Hà Nội đang tiếp tục triển khai nhiều dự án quan trọng khác như Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La-Xuân Mai; Dự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội-Hòa Bình.

cau_chuong_duong_02112023.jpg.jpg
Thời gian tới, Hà Nội sẽ đầu tư hàng loạt các cầu vượt sông Hồng để mở rộng kết nối không gian đô thị. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đến nay, Hà Nội đã có 12 cây cầu vượt nhẹ đã giải quyết “bài toán” ùn tắc giao thông tại các nút giao. Song song đó, thành phố các dự án hầm chui Kim Liên-Xã Đàn trên đường Vành đai 1; hầm chui Vành đai 3-Đại lộ Thăng Long; hầm chui Thanh Xuân qua nút giao thông Khuất Duy Tiến-Nguyễn Trãi; hầm chui Lê Văn Lương-Vành đai 3 đã hoàn thành đưa vào khai thác cũng góp phần cải thiện bộ mặt giao thông đô thị.

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tâp trung đầu tư hầm chui nút giao Cổ Linh; hầm chui tuyến Dường Tây Thăng Long (qua đường Vành đai 3); hầm chui nút giao Mễ Trì-Dương Đình Nghệ-Vành đai 3; Dự án cải tạo, mở rộng tuyến đường Vành dai 2 trên cao và dưới thấp (đoạn từ Ngã Tư Sở-Cầu Giấy; đường Hoàng Quốc Việt kéo dài đoạn từ Phạm Văn Đồng đến phố Trần Vỹ (bao gồm cả hầm chui trực thông qua dường Phạm Văn Đồng)…

Chứng kiến hạ tầng giao thông Thủ đô có những bước đột phá những năm qua, anh Nguyễn Văn Hải (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết đường mở tới đâu, đô thị phát triển theo tới đó, chẳng khó để thấy sự phát triển vượt bậc của hạ tầng giao thông đã mang lại sự khởi sắc cho bộ mặt đô thị, tình trạng ùn tắc giao thông cũng được cải thiện đáng kể.

Cau vuot Dai Co Viet.jpg
Các cầu vượt nhẹ tại các nút giao đã giảm thiểu xung đột giữa các dòng phương tiệp, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)

“Hình ảnh Hà Nội xưa với 36 phố phường, 5 cửa ô nay được điểm thêm bằng những tuyến cao tốc, đại lộ thênh thang; các cây cầu vươn mình mạnh mẽ vắt qua sông Hồng. Từ chỗ chỉ có cây cầu di sản Long Biên được xây dựng từ thời Pháp, cầu Chương Dương và Thăng Long được khánh thành năm 1985, đến nay, Hà Nội đã có nhiều cây cầu lớn như Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân, Đông Trù, Vĩnh Thịnh…,” anh Hải nói.

Gỡ ‘nút thắt’ để giao thông Thủ đô ‘cất cánh’

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thừa nhận tốc độ thực hiện các chỉ tiêu còn chậm và nhiều khả năng chưa thể hoàn thành được theo yêu cầu quy hoạch đặt ra. Trong đó đặc biệt là chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông/diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt khoảng 10,35% (theo yêu cầu quy hoạch phải đạt từ 20-26%); diện tích đất dành cho giao thông tĩnh mới đạt dưới 1% (theo yêu cầu phải đạt 3-4%); việc kết nối giao thông vận tải nội vùng, liên vùng còn thiếu, chưa đồng bộ so với nhu cầu thực tiễn hiện nay.

Mạng lưới các tuyến đường giao thông thuộc hệ thống hạ tầng khung vẫn chưa hình thành đồng bộ theo quy hoạch (Vành đai 3 chưa khép kín; Vành đai 2,5 và Vành đai 3,5 vẫn chỉ đang triển khai từng đoạn chưa kết nối toàn tuyến; Vành đai 4 đang trong giai đoạn đầu tư hình thành; hệ thống các tuyến đường hướng tâm kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh vẫn chủ yếu khai thác trên cơ sở hệ thống đường quốc lộ hướng tâm hiện có).

duong Ha Noi.JPG
Đường trên cao vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở-cầu Vĩnh Tuy được đưa vào khai thác giúp phương tiện lưu thông thuận tiện và nhanh chóng. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Ngoài ra, danh mục các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông vận tải chưa đáp ứng được tiến độ theo dự kiến quy hoạch (thực tế tiến độ triển khai mới chỉ đáp ứng được khoảng 35% so với danh mục theo yêu cầu).

Ông Thường cũng chỉ ra nguyên nhân là do nhu cầu về kinh phí đầu lư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là rất lớn vượt quá khả năng cân đối của ngân sách (ngân sách chỉ có thể đáp ứng khoảng 20% so với nhu cầu; còn lại 80% huy động từ các nguồn lực xã hội khác); khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư cho lĩnh vực giao thông vẫn chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư…

Trước tình hình đó, thành phố Hà Nội đang khẩn trương rà soát, hoàn thiện quy hoạch giao thông vận tải và triển khai đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giao thông công cộng theo quy hoạch; tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông khung, hoàn thiện các dự án đường vành đai, hệ thống đường liên kết nội vùng, liên vùng, xây dựng thêm hàng loạt cầu mới… Từ đó, thành phố sẽ hình thành các cực tăng trưởng mới, từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh…

Cụ thể, theo quy hoạch thời gian tới, Thủ đô sẽ có nhiều trục đường nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh. Các trục đường này có quy mô mặt cắt ngang từ 40-60m, tối thiểu 6 làn xe cơ giới như trục Tây Thăng Long đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Sơn Tây dài khoảng 20km; trục Hồ Tây-Ba Vì đoạn Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Hòa Lạc dài khoảng 25km; trục Hà Đông-Xuân Mai đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Xuân Mai dài khoảng 20km; trục Ngọc Hồi-Phú Xuyên đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Phú Xuyên dài khoảng 25km... đây sẽ là điều kiện rất quan trọng tạo cho các đô thị vệ tinh phát triển, giúp Hà Nội từng bước vươn xa.

nut_giao_vanh_dai 18092023.jpg
Theo quy hoạch thời gian tới, Thủ đô sẽ có nhiều trục đường nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Hà Nội tập trung triển khai hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó Hà Nội tập trung phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô; phát triển mạnh hạ tầng số, công nghệ thông tin, dữ liệu... kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Thành phố sẽ lựa chọn danh mục công trình hạ tầng giao thông cấp bách, trọng điểm để tập trung đầu tư, hoàn thành theo từng giai đoạn.

Hàng năm, Hà Nội dành 50% nguồn lực đầu tư cho hệ thống giao thông vận tải, cơ chế chính sách đầu tư cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông. Thành phố đều có chương trình phát triển riêng cho giao thông đô thị, các danh mục theo từng nhiệm kỳ, giai đoạn đầu tư càng ngày càng có chất lượng.

Đặc biệt, nhiệm kỳ này, Hà Nội đã nhận được sự ủng hộ rất cao của Chính phủ, chủ động đề xuất, phối hợp cùng các tỉnh sử dụng nguồn ngân sách để đầu tư xây dựng Vành đai 4 - tuyến đường liên vùng có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ với phát triển kinh tế-xã hội mà còn với an ninh quốc phòng của vùng Thủ đô.

“Quá trình thực hiện sẽ rà soát, thành phố sẽ lựa chọn danh mục công trình hạ tầng giao thông cấp bách, trọng điểm để tập trung đầu tư, hoàn thành theo từng giai đoạn, trong đó xác định rõ hình thức đầu tư, nguồn vốn đầu tư, tiến độ và phân kỳ thời gian thực hiện nhằm bảo đảm tính khả thi,” ông Thường cho hay./.

duong Vanh dai.jpg
Các tuyến đường vành đai Hà Nội sẽ được đầu tư khép kín để phát huy hiệu quả. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục