Bà Rịa-Vũng Tàu: Chủ động sớm phát hiện ca mắc bệnh tay chân miệng

Cách đây khoảng gần 1 tháng số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn tỉnh BR-VT ghi nhận khoảng 600 ca. Đến ngày 9/8, địa bàn tỉnh đã ghi nhận 1.613 ca mắc, trong đó có một bệnh nhi tử vong.
Bà Rịa-Vũng Tàu: Chủ động sớm phát hiện ca mắc bệnh tay chân miệng ảnh 1Trẻ mắc bệnh tay chân miệng có những dấu hiệu nặng cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám sớm nhất. (Ảnh minh họa: Phan Sáu/TTXVN)

Theo báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, số ca mắc bệnh tay chân miệng ghi nhận trên địa bàn liên tục tăng. Theo dự báo của ngành Y tế tỉnh, số ca mắc sẽ có xu hướng gia tăng vào thời điểm học sinh bắt đầu tựu trường (tháng 8, tháng 9). Do đó, nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng là rất lớn.

Cách đây khoảng gần 1 tháng (ngày 14/7) số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn tỉnh ghi nhận khoảng 600 ca. Đến ngày 9/8, địa bàn tỉnh đã ghi nhận 1.613 ca mắc, trong đó có một bệnh nhi tử vong.

Toàn tỉnh ghi nhận 186 ổ dịch, trong số đó có 27 ổ dịch trong trường học. Điều đáng nói, qua xét nghiệm cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, số ca mắc do virus EV71 chiếm tỷ lệ cao, dễ gây biến chứng, dẫn đến nguy cơ số ca tử vong.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh tay chân miệng, trong khi bệnh này chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu, ngành Y tế tỉnh khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: ăn, uống, ở sạch; không tiếp xúc với người bệnh; thu gom, xử lý chất thải hợp vệ sinh…

Nhằm chủ động giám sát để phát hiện sớm ca bệnh, kịp thời chẩn đoán, điều trị và triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh tay chân miệng lan rộng trong trường học và cộng đồng, hạn chế thấp nhất số ca tử vong, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành Kế hoạch 147/KH-UBND về phòng, chống bệnh tay chân miệng năm 2023.

Ngành Y tế tăng cường chỉ đạo triển khai phòng, chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn, các cơ sở y tế và trường học; giám sát chặt chẽ tình hình bệnh; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc, hóa chất phục vụ chẩn đoán, điều trị và xử lý ổ bệnh kịp thời. Các đơn vị, địa phương thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các nhà có trẻ dưới 5 tuổi, nhà trường tổng vệ sinh môi trường, lớp học.

[Thừa Thiên-Huế: Cứu chữa nhiều bệnh nhi bị tay chân miệng thể nặng]

Ngành Y tế tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng cho cộng đồng và trường học vờớ hình thức và nội dung phong phú, phù hợp, dễ hiểu.

Sở Y tế có trách nhiệm theo dõi tình hình mắc bệnh tay chân miệng tại khu vực phía Nam và trên địa bàn tỉnh để kịp thời tham mưu công tác chỉ đạo phòng, chống bệnh cho Ủy ban Nhân dân tỉnh; thực hiện và triển khai công tác phòng, chống bệnh theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tay chân miệng tại các địa phương.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục