Bà Rịa-Vũng Tàu ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 nhiều nhất từ 28/6

Ngày 19/11, thành phố Vũng Tàu có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất - 195 ca, trong đó có 151 ca trong cộng đồng; thị xã Phú Mỹ đứng thứ 2 với 140 ca, trong đó có 46 ca trong cộng đồng.
Bà Rịa-Vũng Tàu ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 nhiều nhất từ 28/6 ảnh 1Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 cho người dân xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, nơi đang bùng phát ổ dịch mới của tỉnh. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 19/11, tỉnh này ghi nhận 444 ca mắc (261 ca trong cộng đồng) - số ca mắc cao nhất từ ngày 28/6, khi dịch COVID-19 bùng phát ở địa phương.

Thành phố Vũng Tàu có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất - 195 ca, trong đó có 151 ca trong cộng đồng; thị xã Phú Mỹ đứng thứ 2 với 140 ca, trong đó có 46 ca trong cộng đồng.

Từ ngày 28/6 đến nay, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh là 8.260.

Số ca mắc mới trong 5 tuần kể từ ngày 16/10 (từ khi tỉnh nới lỏng các hoạt động phòng, chống dịch) đến ngày 19/11 là 4.049 ca, tăng gấp 7,2 lần so với 5 tuần trước đó (từ ngày 10/9 đến ngày 15/10).

[Bà Rịa-Vũng Tàu: Số ca mắc COVID-19 vẫn tăng, nguy cơ bùng phát dịch]

Riêng số ca mắc mới trong cộng đồng từ ngày 16/10 đến nay là 2.525 ca, tăng thêm 2.204 ca, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ 5 tuần trước đó.

Số ca mắc mới theo tuần được ghi nhận từ ngày 16/10 đến nay tăng liên tục, trung bình tăng 133%/tuần; trong đó, số ca trong cộng đồng tăng đáng kể, trung bình tăng thêm 142%/tuần.

Những ngày gần đây, các vùng xanh - vùng nguy cơ thấp của tỉnh, liên tục giảm, chỉ còn 33 vùng (chiếm 39,8%), giảm 14 vùng so với ngày 17/11.

Vùng nguy cơ trung bình - vùng vàng là 29 vùng (chiếm 34,9%); vùng nguy cơ cao - vùng cam hiện là 21 vùng (chiếm 12%), tăng lên 11 vùng so với ngày 17/11.

Trước tình hình số ca mắc ngày càng tăng cao, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch.

Các lực lượng chức năng cần thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý đề kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh; sâu sát, nắm chắc tình hình, thường xuyên đánh giá tình hình dịch bệnh để chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản, nguồn lực ứng phó khi dịch bệnh trên địa bàn diễn biến phức tạp hơn.

Các bên liên quan cần làm tốt phương châm “4 tại chỗ”; thường xuyên kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, tạo sự đồng thuận của người dân trong khu vực yên tâm trong việc thực hiện cách ly F1 tại nhà; duy trì, bảo đảm hoạt động hiệu quả Đường dây nóng về phòng, chống dịch của địa phương, bố trí trực 24/24 giờ.

Bên cạnh đó cần củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tư vấn sức khỏe tại nhà, nhất là khi việc cách ly F1 và quản lý, điều trị F0 tại nhà được thực hiện trong thời gian tới; chủ động xây dựng nội dung tuyên truyền phù hợp với tình hình địa phương nhằm nâng cao ý thức của người dân về tác hại của dịch bệnh, tự giác chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch; chủ động phối hợp, kịp thời cập nhật các khu vực phong tỏa phát sinh mới để hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trong khu vực phong tỏa.

Ngoài sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; các lực lượng tuyến đầu thì sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định phòng, chống dịch của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng.

Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COCID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu người dân tiếp tục ủng hộ, tin tưởng, cảm thông, chia sẻ cùng tỉnh, quyết tâm thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch; thực hiện mục tiêu kép, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, đề cao cảnh giác, không chủ quan, coi thường dịch bệnh, xác định chống dịch trong thời gian dài và dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội.

Người dân cần tiếp tục áp dụng các biện pháp cơ bản phòng, chống dịch trong trạng thái “bình thường mới” như: đeo khẩu trang khi ra đường, tại các nơi công cộng và trên phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tập trung đông người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục