Bác sỹ Đinh Thị Đầm, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn, cho biết khoảng 20 giờ, ngày 11/5, có bốn bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn trong tình trạng suy hô hấp, tim đập nhanh, có người ngừng tuần hoàn, nếu không xử lý kịp thời sẽ rất nguy hiểm.
Sau một thời gian xử lý, chữa trị, hiện nay sức khỏe các bệnh nhân đã dần hồi phục, tiên lượng khá.
Bốn người cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn bị ngộ độc lá ngón, trong đó có ba người cùng một gia đình là ông Tống Văn Liêm, 67 tuổi, bà Ma Thị Luân, 65 tuổi, con trai là Tống Văn Triền, 44 tuổi, đều trú tại thôn Nà Khuổi, xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể và một người khách tên Bùi Thị H. 29 tuổi.
Theo người nhà của gia đình ông Tống Văn Liêm, ngày 11/5, gia đình ông Liêm có khách, bà Luân hái rau rừng về làm canh nhưng không biết đã hái nhầm lá ngón.
[Lào Cai: Vợ chồng mâu thuẫn, bố đun nước lá ngón cho 3 con uống]
Sau khi dùng bữa, cả bốn người đều bị ngộ độc, nôn mửa và đau đầu. Người nhà đưa bốn người lên Trung tâm Y tế huyện Ba Bể cấp cứu nhưng do tình trạng quá nặng, bốn người đã được đưa xuống Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn cứu chữa.
Bà Đinh Thị Đầm, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn, cho biết hiện tại rừng ở một số nơi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn vẫn còn nhiều cây lá ngón, cây dại, nấm độc do đó người dân cần cẩn trọng, quan sát kỹ và không lấy các loại rau rừng lạ, nấm lạ về ăn.
Khi có các biểu hiện như buồn nôn, đau đầu, chóng mặt... sau khi ăn rau rừng hay các loại nấm rừng, cây rừng cần nhanh chóng đưa đến các Trung tâm Y tế hoặc bệnh viện gần nhất để được thăm khám, chữa trị kịp thời./.
Mạnh Hà-Đức Hiếu