Bạc Liêu, Bến Tre nâng năng lực trạm y tế phục vụ điều trị F0 ở nhà

Ngành y tế tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Bến Tre đang triển khai giải pháp nâng cao năng lực điều trị F0 tại nhà của các trạm y tế nhằm góp phần giảm tải điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các cơ sở điều trị.
Bạc Liêu, Bến Tre nâng năng lực trạm y tế phục vụ điều trị F0 ở nhà ảnh 1F0 điều trị tại nhà đều được ngành y tế Bạc Liêu treo bảng theo dõi. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bạc Liêu, số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng hơn một tháng qua chưa có dấu hiệu giảm, dù tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp với quyết tâm cao.

Đến sáng 29/12, Bạc Liêu có 28.706 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, riêng ngày 28/12 có 593 ca mắc mới. Số ca ghi nhận trong cộng đồng chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng số ca bệnh. Việc chưa kéo giảm các ca mắc COVID-19 đã làm cho hệ thống điều trị các tuyến rơi vào tình trạng quá tải.

Theo đánh giá, nguyên nhân số trường hợp mắc COVID-19 chưa giảm là do từ sau khi thực hiện Nghị định 128 của Chính phủ, các hoạt động xã hội trở lại bình thường,việc kiểm soát việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Trong khi đó, mầm bệnh đã lưu hành và nhiễm sâu trong cộng đồng, mặc khác biến chủng Delta lây lan với tốc độ rất nhanh. Một bộ phận không nhỏ người dân, kể cả cán bộ, viên chức vẫn còn có tâm lý chủ quan, lơ là với dịch bệnh...

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bạc Liêu Lữ Văn Hùng nhấn mạnh nguyên nhân chủ yếu vẫn là việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch chưa được thực hiện nghiêm túc.

[Bến Tre nỗ lực giảm ca chuyển nặng, tử vong do COVID-19]

Trong bối cảnh Tết dương lịch cận kề và Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang đến gần, ông Lữ Văn Hùng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần rà soát lại các giải pháp phòng, chống dịch bệnh của địa phương mình, khắc phục ngay những hạn chế thiếu sót.

Sở Y tế cần đặc biệt quan tâm, nâng cao năng lực cho Trạm Y tế cấp xã, Trạm Y tế lưu động để thực hiện tốt công tác chăm sóc, điều trị F0 tại nhà. Ngành y tế phải chuẩn bị chu đáo kịch bản khi số ca nhiễm tăng cao trong thời gian tới; rà soát nhu cầu thuốc điều trị COVID-19, đảm bảo đủ thuốc cho người bệnh.

Đặc biệt là phải đánh giá đúng thực trạng để đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp tăng cường giám sát, kiểm tra các khu phong tỏa, xử phạt nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định phòng, chống dịch.

Theo bác sỹ Bùi Quốc Nam - Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu, Sở đang triển khai giải pháp nâng cao năng lực điều trị F0 tại nhà của các trạm y tế nhằm góp phần giảm tải điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị.

Theo đánh giá, việc được điều trị tại nhà giúp bệnh nhân F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ có điều kiện sinh hoạt cũng như điều trị tốt hơn ở các khu tập trung hoặc tại các bệnh viện.

Trong quá trình điều trị, các F0 điều trị tại nhà được nhân viên y tế liên lạc, thăm khám thường xuyên thông qua ứng dụng Zalo, điện thoại. Nhân viên y tế yêu cầu người bệnh cung cấp các chỉ số về thân nhiệt, chỉ số nồng độ oxy trong máu và báo nhanh các triệu chứng nếu có.

Tại tỉnh Bạc Liêu, các F0 ít hoặc không triệu chứng điều trị tại nhà là mô hình phù hợp đang được triển khai rộng rãi, khi tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 của tỉnh đạt mức cao. Qua đó góp phần giảm tải cho các cơ sở thu dung, điều trị để tập trung nguồn nhân lực y tế để chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng. Đến nay, ngành Y tế Bạc Liêu đã tổ chức điều trị cho trên 2200 F0 tại nhà.

Bến Tre: 80% ca F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ

Tính đến 6 giờ ngày 29/12, toàn tỉnh Bến Tre có 25.162 người mắc COVID-19, trong đó có 15.564 bệnh nhân đã khỏi bệnh, có 167 trường hợp tử vong.

Theo Sở Y tế Bến Tre, khoảng 80% bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Trên những cơ sở hướng dẫn của ngành chuyên môn, tỉnh đã triển khai điều trị F0 tại nhà, qua đó giúp giảm tải cho hệ thống y tế, giúp tập trung điều trị bệnh nhân có triệu chứng trung bình nặng, nguy kịch.

Theo Sở Y tế Bến Tre, toàn tỉnh hiện có gần 10.000 người đang được điều trị tại nhà, gần 4.200 bệnh nhân điều trị tại nhà đã khỏi bệnh. Bà Dương Thị Như Ngọc, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre thông tin khi điều trị tại nhà, bệnh nhân có đủ điều kiện sinh hoạt, rèn luyện sức khỏe, do đó vừa tạo tâm lý thoải mái, vừa tăng sức đề kháng giúp người bệnh nhanh hồi phục. Đồng thời, góp phần giảm gánh nặng nguồn nhân lực tại các đơn vị khám chữa bệnh.

Thực hiện điều trị F0 tại nhà, ngành y tế địa phương quy định đảm bảo các điều kiện như không có tình trạng suy hô hấp, tiêm đủ vaccine và không có bệnh nền, không mang thai, có khả năng tự chăm sóc bản thân và liên hệ với nhân viên y tế khi cần hỗ trợ...

Tuy nhiên, việc F0 điều trị tại nhà mang tính chất tự nguyện, tỉnh đã hướng dẫn chi tiết các địa phương thành lập Trạm Y tế lưu động, hướng dẫn người bệnh theo dõi bệnh và sử dụng các túi thuốc, thiết bị y tế (SPO2)…

Bên cạnh đó, Sở Y tế đã hướng dẫn các hệ thống y tế cơ sở phân loại mức độ nguy cơ nhiễm SARS-COV-2, định hướng xử trí, cách ly, phân tầng điều trị hợp lý.

Ngoài ra, các Trạm y tế cũng lập danh sách F0 tại nhà và phân chia theo các nhóm nguy cơ để đánh giá, theo dõi sức khỏe, quản lý và kịp thời xử lý nếu có trường hợp chuyển nặng; tăng cường kết nối hội chuẩn từ xa.

Bạc Liêu, Bến Tre nâng năng lực trạm y tế phục vụ điều trị F0 ở nhà ảnh 2Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bến Tre. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)

Mặt khác, rà soát các đối tượng chưa tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, đặc biệt là đối tượng nguy cơ cao (người trên 50 tuổi, mắc bệnh nền, suy giảm miễn dịch…), bởi đây là biện pháp căn cơ để giảm ca nặng, tử vong hiện nay.

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre cho biết thêm tỉnh đã huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị-xã hội, tình nguyện viên,… tham gia vào tư vấn điều trị, chăm sóc cho người bệnh tại nhà; áp dụng các biện pháp công nghệ thông tin để quản lý ca bệnh, tiêm chủng, theo dõi quản lý F0.

Trong thời gian tới, ngành y tế sẽ phối hợp với Viettel triển khai hệ thống ứng dụng để nhắc lịch uống thuốc, thu thập triệu chứng sức khỏe, tiếp nhận cuộc gọi và tư vấn cho F0 bằng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo).

Ngoài 80% bệnh nhân mắc COVID-19 không có triệu chứng hoặc nhẹ, Bến Tre còn khoảng 20% người bệnh có triệu chứng trung bình, nặng, nguy kịch.

Ngành y tế đã triển khai và sẵn sàng các biện pháp để giảm ca bệnh nặng và giảm tử vong. Trong đó, thành lập các bệnh viện dã chiến, các cơ sở thu dung điều trị; yêu cầu mỗi huyện đảm bảo thu dung 500 giường bệnh; nâng cao chất lượng điều trị của các tuyến đảm bảo đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tiêu hao, oxy y tế.

Ông Nguyễn Văn Thương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Bến Tre, cho biết toàn thành phố có khoảng 1.100 ca F0 đang điều trị tại nhà, trung bình mỗi xã phường quản lý gần 100 người mắc COVID-19, đa phần đều chấp hành tốt các quy định về cách ly y tế. Tuy nhiên, thời gian qua, một số F0 chưa được quản lý chặt cũng như việc chăm sóc, hỗ trợ tại nhà cho các trường hợp này còn một số hạn chế.

Theo ông Thương, nguyên nhân là do khi số lượng người mắc tăng cao, lực lượng y tế cơ sở quá tải. Trước thực trạng này, lãnh đạo ủy ban nhân dân thành phố đã thành lập hai đoàn (do hai Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân làm trưởng đoàn) tiến hành kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương.

Mặt khác, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (bệnh viện tuyến tỉnh) đã cử hơn 10 y, bác sỹ trực tiếp xuống các trạm y tế cơ sở để chăm sóc bệnh nhân; bộ phận y tế học đường của các trường học được trưng dụng… Qua đó, giúp người mắc COVID-19 an tâm hơn khi điều trị bệnh.

Trước tình hình dịch COVID-19 còn phức tạp trong khi nguồn nhân lực y tế có hạn chế, cùng với những nỗ lực của địa phương, lãnh đạo ngành y tế Bến Tre cho rằng để công tác điều trị F0 đạt hiệu quả đòi hỏi sự đồng thuận và ý thức từ người dân.

Do đó, ngành y tế phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động phòng dịch; khi mắc bệnh cần theo dõi tình hình sức khỏe, nâng cao hiểu biết của bản thân trong thời gian điều trị bệnh tại nhà, phát hiện những trường hợp có biểu hiện bất thường để chủ động liên hệ với lực lượng y tế kịp thời, qua đó giảm tình trạng bệnh chuyển nặng hoặc tử vong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục