Bài 2: Quản lý rác thải y tế - trách nhiệm thuộc về ai?

Khó có thể biết được có bao nhiêu hộp xốp đựng cơm, thìa nhựa, ống hút, hộp đựng sữa chua, túi nilông đựng thức ăn... được sản xuất từ rác thải y tế.
Những chiếc hộp đựng bơm tim tiêm sau khi đã được sử dụng tại Bệnh viện Việt Đức. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Theo đúng quy định đã được Bộ Y tế ban hành thì các chất thải y tế nguy hại phải được các bệnh viện và các bên được giao trách nhiệm phải tiến hành tiêu hủy an toàn.

Tuy nhiên, như bài trước Vietnam+ đã đưa, con đường của nó lại đi thẳng đến làng nghề để thành nguyên vật liệu tái chế dùng cho sản xuất các vật dụng tiêu dùng. Vậy những sản phẩm đó là gì, nó có gây hại hay không? Là điều mà người tiêu dùng luôn băn khoăn.

Chất thải y tế nguy hại cụ thể bao gồm những gì?

Theo các chuyên gia về y tế, chất thải y tế nguy hại nếu không được quản lý và tiêu hủy một cách đúng quy trình và triệt để thì đây rất có thể là nhân tố để phát tán, làm lây nhiễm những mầm bệnh ra môi trường.

Hiện nay, việc phân loại các loại chất thải y tế đã được Bộ Y tế quy định rất rõ. Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành Quy chế quản lý chất thải y tế đã phân loại các loại chất thải y tế bao gồm 5 loại: Chất thải lây nhiễm, chất thải hóa học nguy hại, chất thải phóng xạ, bình chứa áp suất, chất thải thông thường, chất thải lây nhiễm.

Và bơm kim tiêm, dây truyền dịch dính máu được xếp vào loại rác thải y tế nguy hại!

Bơm kim tiêm, dây truyền dịch dính máu được xếp vào loại rác thải y tế nguy hại. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Phân tích về chất thải y tế nguy hại, phó Giáo sư Nguyễn Huy Nga -  Cục trưởng Cục Quản lý môi trường cho hay: Đó là những chất thải sắc nhọn trong bệnh viện có thể gây ra các vết cắt hoặc chọc thủng, có thể nhiễm khuẩn bao gồm: bơm kim tiêm, đầu sắc nhọn của dây truyền, lưỡi dao mổ, đinh mổ, cưa, các ống tiêm, mảnh thủy tinh vỡ và các vật sắc nhọn khác sử dụng trong các loại hoạt động y tế.

Đó cũng là chất thải lây nhiễm không sắc nhọn như chất thải bị thấm máu, thấm dịch sinh học của cơ thể và các chất thải phát sinh từ buồng bệnh cách ly.

Ông Nga cũng chỉ rõ, có những chất thải hóa học nguy hại chẳng hạn như có những lọ thuốc khi dùng cho một người không hết thì phải xử lý theo nguyên tắc hóa học là tiêu hủy. Bởi vì kháng sinh mà rơi ra môi trường sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc gây nhiều yếu tố ảnh hưởng đến môi trường.

Phó giáo sư Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

"Đặc biệt với những thuốc điều trị ung thư thì chất độc tế bào môi trường rơi ra thì tế bào này có thể gây ra ảnh hưởng đến môi trường rồi các loại chất ăn mòn, xét nghiệm trong bệnh viện, các chất gây tê, gây mê có thể thải ra môi trường có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe,” ông Nga khuyến cáo.

Còn đối với chất thả phóng xạ thì người ta phải quản lý theo luật an toàn bức xạ và chất thải chính mà Bộ Y tế đang quản lý theo quyết định số 43.

Theo phó giáo sư Nguyễn Huy Nga, dự kiến đến năm 2020, những con số về tổng lượng rác thải y tế trong một ngày đó có thể tăng lên gấp 1,5 lần hoặc hơn nữa.

Các nước càng phát triển, càng công nghiệp hóa càng cao thì tỷ tỷ lệ chất thải y tế nguy hại càng cao bởi nó sử dụng công nghệ mới. Chẳng hạn như ở Mỹ trung bình 4kg rác thải/một người/giường bệnh/ngày. Còn ở Việt Nam khoảng 1kg rác thải/giường bệnh/ngày, ông Nga dẫn chứng.

Thực trạng về vấn đề xử lý rác thải y tế

Theo khảo sát của Sở Y tế Hà Nội, lượng rác thải rắn y tế từ hoạt động khám chữa bệnh của các cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội trong năm 2013 là khoảng gần 3 triệu kg chất thải thông thường và 548.320kg chất thải y tế nguy hại.

Để xử lý lượng rác thải y tế trên địa bàn, thành phố Hà Nội đã đầu tư xây dựng một lò đốt rác thải y tế công suất 35 tấn/ngày. Thế nhưng, hiện nay lò đốt này mới sử dụng hết 1/7 công suất, tức tiêu hủy từ 5-6 tấn rác thải y tế/ngày.

Phó Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường Đô thị và Công nghiệp 10 (URENCO 10) - Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội Bùi Trí Bình cho biết từ năm 1998, Công ty đã ký kết với các bệnh viện như Việt-Đức, Bạch Mai... để thu gom, xử lý rác thải y tế bằng hình thức đốt.

Đến nay, Công ty đã ký được với trên 70 bệnh viện, trung tâm y tế để hàng ngày đến thu gom đem đi tiêu hủy.

[500 tấn rác y tế thải ra mỗi ngày đang "đi" về đâu?]

URENCO 10 thường xuyên cử người đi kiểm tra, giám sát việc thu gom rác thải tại các bệnh viện. Các bệnh viện cũng có một kho tập kết rác thải nguy hại trước khi bàn giao cho Công ty, quy trình thu gom rác hoàn toàn do phía bệnh viện đảm nhiệm. Rác thải y tế sau khi được cho vào túi nilông 5kg, buộc lại cho vào thùng 240 lít, đưa thẳng vào lò đốt.

Trao đổi về việc xử lý vấn đề rác thải y tế, thạc sỹ Nguyễn Thị Bích Hường - Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho hay, hiện nay bệnh viện vẫn đang phân loại rác thải y tế theo quyết định 43 của Bộ Y tế cũng như Thông tư 12 của Bộ Khoa học và công nghệ.

Về vấn đề xử lý rác thải y tế, bệnh viện đã có quy trình đầy đủ về cách phân loại rác như thế nào, chuyển rác thải y tế và việc ký kết hợp đồng với công ty xử lý rác thải y tế chuyên nghiệp.

Kho chứa chất thải y tế nguy hại của Bệnh viện Việt Đức. (Ảnh: Thiyf Giang/Vietnam+)

“Theo quy trình phân loại của chúng tôi hiện nay chúng tôi vẫn thực hiện đúng theo các thông tư quy định của nhà nước,” bà Hường khẳng định.

Theo bà Hường, tại Bệnh viện Việt Đức, quy trình phân loại rác thải y tế, giám đốc bệnh viện đã ban hành quy trình phân loại được thực hiện bắt đầu từ nơi phát sinh ra rác thải như trên buồng bệnh đã có túi thu gom, phân loại, theo từng loại như rác thải sinh hoạt, rác thải y tế.

Trong rác thải y tế thì có quy định rác thải y tế đặc biệt nguy hại. Chúng tôi tiến hành phân loại từ các khoa buồng, sau đó mới chuyển xuống kho chứa. Từ kho chứa công ty có chức năng xử lý rác thải y tế đã được bệnh viện ký hợp đồng trước đó và sẽ được họ chuyển đi.

Tuy nhiên, từ những nguồn tin mà phóng viên thu thập được tại cơ sở làng nghề, thì những gì mà bệnh viện cung cấp với thông tin mắt thấy tai nghe tại làng nghề dường như không giống nhau.

Ông Bình cũng thừa nhận là: Việc nhân viên bệnh viện có lấy rác thải y tế ra ngoài thì cũng khó có thể kiểm soát hết được. Các loại rác thải có nguy cơ lây nhiễm, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, chắc chắn sẽ là nguồn lây lan dịch bệnh ra môi trường.

Đáng lo ngại hơn, theo quy định, toàn bộ chất thải y tế độc hại sau khi được thu gom tại các khoa phòng về, khoa chống nhiễm khuẩn sẽ phải phun dung dịch khử khuẩn vào rác thải y tế trước khi xếp vào thùng. Nếu nhân viên bệnh viện “lấy tắt” không qua công đoạn này thì sẽ càng nguy hiểm hơn, không thể phòng ngừa được nguy cơ lây nhiễm, truyền nhiễm.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Bộ Y tế đã có quy chế quản lý chất thải y tế, công suất của môi trường đủ để cho hoạt động tiêu hủy, nhưng loại rác thải độc hại này vẫn được tuồn về các làng nghề để tái chế nhựa thành vô số những hộp xốp đựng cơm, thìa nhựa, ống hút, hộp đựng sữa chua, túi nilông đựng thức ăn... và bán ra thị trường cho người tiêu dùng?

Theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành Quy chế quản lý chất thải y tế quy định chất thải y tế là vật chất ở thể rắn, lỏng và khí được thải ra từ các cơ sở y tế bao gồm chất thải y tế nguy hại và chất thải thông thường.

Chất thải y tế nguy hại là chất thải y tế chứa yếu tố nguy hại cho sức khỏe con người và môi trường như dễ lây nhiễm, gây ngộ độc, phóng xạ, dễ cháy, dễ nổ, dễ ăn mòn hoặc có đặc tính nguy hại khác nếu những chất thải này không được tiêu hủy an toàn.

Bài 3: Bài toán rác thải y tế, lời đáp trong tay các bệnh viện

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục