Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ đề kháng kháng sinh cao nhất thế giới.
Nhiều nguyên nhân được chỉ ra gây nên tình trạng này tại Việt Nam, trong đó có thói quen sử dụng kháng sinh một cách bừa bãi. Đề kháng kháng sinh gia tăng đồng nghĩa với việc tương lai sẽ không còn thuốc chữa, tuy nhiên, làm sao để hạn chế tình trạng này vẫn là bài toán khó.
Gian nan điều trị kháng thuốc
Mới đây, Khoa Cấp cứu-Hồi sức tích cực-Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp nhận nam bệnh nhân N.N.C (56 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận) trong tình trạng nhiễm vi nấm đa kháng thuốc. Trước đó, bệnh nhân bị sốt, tiêu chảy kéo dài không rõ nguyên nhân, đã sử dụng các loại thuốc nam, thuốc bắc nhưng không thuyên giảm.
Bác sỹ Dư Thị Thanh Xuân, bác sỹ trực tiếp điều trị cho biết bệnh nhân mắc hội chứng Cushing, mọc lông toàn thân, da mỏng, mập phần thân, tay chân gầy... Mặc dù đã điều trị bằng kháng sinh phổ rộng nhưng tình trạng bệnh nhân diễn tiến nặng, phải đặt nội khí quản, thở máy.
Lúc này, các bác sỹ bắt buộc phải sử dụng kháng sinh rất mạnh là Carbapenem - kháng sinh phổ rộng có thể điều trị được đa phần các vi khuẩn đa kháng thuốc hiện nay.
Tuy nhiên, bệnh nhân hồi phục chậm, huyết áp không ổn định, kết quả cấy máu cho thấy bệnh nhân nhiễm vi trùng đa kháng Pseudomonas, các bác sỹ phải sử dụng một loại kháng sinh mới, chuyện biệt hơn, đó là Ceptaxidime. Sau khi tiêu diệt được vi trùng đa kháng Pseudomonas được mấy ngày, bệnh nhân lại tái sốt, nhiễm trùng máu nặng hơn, suy thận tăng hơn.
Các bác sỹ đã cấy lại toàn bộ dịch trong cơ thể, máu, phân và phát hiện tác nhân vi nấm Candida Tropicalis, lúc này phải sử dụng đến kháng sinh Caspofulgin - kháng sinh cấp cao sử dụng để điều trị các chứng bệnh nhiễm trùng nấm nghiêm trọng.
“Thông thường một bệnh nhân điều trị bằng Caspofulgin sẽ khỏi trong 7-10 ngày nhưng trường hợp này, chúng tôi phải điều trị kéo dài lên đến 25 ngày mới tiêu diệt được hoàn toàn vi khuẩn. Hiện, bệnh nhân đã hồi phục lại, huyết áp ổn, tự thở được, tri giác cũng tỉnh táo trở lại," bác sỹ Dư Lê Thanh Xuân cho hay.
Đây không phải là trường hợp đặc biệt bệnh nhân nhiễm cùng lúc nhiều vi trùng kháng thuốc mà Khoa Cấp cứu-Hồi sức tích cực-Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, gặp phải. Theo bác sỹ Dư Lê Thanh Xuân, cứ 10 ca bệnh nặng nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng được chuyển đến thì có đến năm ca nhiễm vi trùng đa kháng thuốc. Điều này đồng nghĩa với tỷ lệ đa kháng thuốc ở các ca nhiễm trùng nặng chiếm khoảng 50%.
Trong quá trình điều trị các bệnh nhân đa kháng thuốc, bác sỹ Xuân cho rằng khó khăn nhất là không biết các bệnh nhân đã từng uống thuốc gì trước đó, liều lượng bao nhiêu: “Khai thác bệnh sử, bệnh nhân cũng nói có từng uống thuốc nhưng không biết tên thuốc là gì vì đa phần bệnh nhân tự ý mua ở các nhà thuốc bên ngoài, nhiều khi chúng tôi phải nhìn vào tình trạng bệnh, nơi khám bệnh ban đầu để đoán."
[Việt Nam đứng thứ 4 ở châu Á-Thái Bình Dương về tỷ lệ kháng thuốc]
Bác sỹ Nguyễn Thanh Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết tỷ lệ kháng thuốc ở bệnh viện này đang ở mức từ 30-40%. Đặc biệt, mỗi năm ghi nhận khoảng 150 trường hợp đa kháng thuốc nặng và con số trên đang ngày càng gia tăng.
Từ đầu năm 2020 đến cuối tháng 11, bệnh viện ghi nhận 147 trường hợp/1.700 mẫu xét nghiệm dương tính với vi khuẩn là có vi khuẩn đa kháng, chiếm 8,7%. Các vi khuẩn siêu kháng, đa kháng thường gặp là Acinetobacter, Pseudomonas, E.Coli… đây là những vi khuẩn kháng với cả thế hệ mới của kháng sinh dòng Carbapenem.
Tương tự, theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ-bác sỹ Trần Quyết Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ nhiễm đa kháng thuốc tại bệnh viện này chiếm hơn 60%, đặc biệt trên bệnh nhân viêm phổi liên quan đến thở máy tới 70%. Điều này khiến công tác điều trị của các bác sỹ trở nên khó khăn hơn, quá trình điều trị kéo dài, gây tốn kém chi phí cũng như ảnh hưởng sức khỏe, quá trình phục hồi của người bệnh.
Chưa thể hạn chế được tình trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi
Lý giải về nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng kháng thuốc tại Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Chủ tịch Liên Chi hội Truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng việc mua bán, sử dụng thuốc không có hóa đơn diễn ra phổ biến là nguyên nhân chính.
Nghiên cứu cho thấy có khoảng 88% người dân Việt Nam thường xuyên tự ý mua kháng sinh ở các nhà thuốc về sử dụng mà không có bất cứ chỉ định nào của bác sỹ. Điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc kháng sinh không cần thiết, lâu ngày gây “lờn” thuốc.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng bác sỹ kê đơn thuốc không hợp lý, nhất là khu vực phòng khám tư nhân và một số bệnh viện công lập không thành lập các bộ phận kiểm soát sử dụng kháng sinh.
Một điều đáng lưu tâm theo Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Hảo, Khoa Cấp cứu-Hồi sức tích cực-Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, môi trường bệnh viện là nơi lý tưởng lan truyền vi khuẩn kháng thuốc, nhất là những khu vực bệnh nặng như các đơn vị Hồi sức cấp cứu.
Đa số bệnh nhân nằm tại Khoa Hồi sức cấp cứu gần như phải can thiệp bằng các biện pháp như thở máy, đặt nội khí quản, đặt ống thông động mạch, ống thông tiểu… là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn xâm nhập. Vi khuẩn từ đó lây lan từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác và gây nên tình trạng đa kháng thuốc, nghĩa là kháng từ hai loại kháng sinh trở lên nếu như khâu kiểm soát nhiễm khuẩn không được thực hiện nghiêm ngặt.
“Thường vi khuẩn trong các khoa Hồi sức cấp cứu là quần thể vi khuẩn đa kháng thuốc, do sử dụng kháng sinh nhiều gây nên lờn thuốc," bác sỹ Hảo khẳng định.
Ngoài ra, chưa thể kiểm soát được kháng sinh sử dụng trong nông nghiệp cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng gia tăng kháng thuốc. Đánh giá tình trạng này, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Ngô Thị Hoa, Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng các cộng sự đã thực hiện nghiên cứu về vấn đề sử dụng kháng sinh và mối liên quan đến các vi khuẩn kháng thuốc trong các trại nuôi gà ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Kết quả cho thấy, có 40/204 trại nuôi gà sử dụng kháng sinh Colistin trong quá trình chăn nuôi. Khảo sát vi sinh trong mẫu phân gà của các trại này cũng cho thấy có khoảng 40% mẫu phân gà mang vi khuẩn kháng Colistin. Trong nhóm nông dân có trại gà dương tính với vi khuẩn kháng Colistin, có 33% người cũng mang vi khuẩn kháng Colistin. Những người này có thể đã nhiễm vi khuẩn kháng thuốc trong quá trình tiếp xúc trực tiếp với đàn gà. Trong khi đó, những người sử dụng thịt, trứng gà cũng có tỷ lệ nhiễm vi khuẩn kháng Colistin nhất định, từ 9-17%.
“Kết quả này cho thấy việc sử dụng kháng sinh Colistin trong chăn nuôi là nguyên nhân dẫn đến việc người chăn nuôi và người sử dụng sản phẩm chăn nuôi mang vi khuẩn kháng thuốc. Như vậy, lợi ích kinh tế của việc dùng kháng sinh cho mục đích tăng trưởng trong chăn nuôi không thỏa đáng so với tác hại mà việc này mang đến cho ngành y tế," Phó Giáo sư Ngô Thị Hoa khẳng định.
Các chuyên gia cảnh báo, trong tương lai con người có thể đối mặt với khả năng không có thuốc để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời. Do đó, cần có giải pháp cấp bách làm chậm lại quá trình kháng thuốc hiện nay, để giúp nhân loại tránh khỏi nguy cơ quay lại thời kỳ chưa có kháng sinh.
“Dự báo đến năm 2050, mỗi năm trên toàn cầu sẽ có khoảng 10 triệu người chết liên quan đến kháng thuốc, do đó chúng ta phải hành động ngay hôm nay, đặc biệt là cần phải quản lý việc sử dụng kháng sinh trước khi không còn gì để quản lý," Tiến sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu khuyến cáo./.