Ban Kinh tế Trung ương đẩy mạnh tham mưu chiến lược về kinh tế-xã hội

Ông Nguyễn Văn Bình đề nghị Ban Kinh tế TW tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược về kinh tế-xã hội; trong đó xây dựng chương trình nghiên cứu cụ thể cho từng năm và cả khóa XIII.
Ban Kinh tế Trung ương đẩy mạnh tham mưu chiến lược về kinh tế-xã hội ảnh 1Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Sáng 5/1, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Dự Hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị

Báo cáo tại hội nghị cho thấy Ban Kinh tế Trung ương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ công tác theo kế hoạch đề ra; đặc biệt là các nhiệm vụ trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, qua đó tham mưu để Bộ Chính trị ban hành một số chủ trương lớn, quan trọng về phát triển kinh tế ngành và kinh tế địa phương như: trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chủ trì, phối hợp với Thành ủy Cần Thơ và Tỉnh ủy Thanh Hóa trình Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về xây dựng và phát triển các địa phương này đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

Ban Kinh tế Trung ương cũng tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ xây dựng, góp ý dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; chủ trì nghiên cứu, hoàn thành xây dựng chuyên đề “Các quan điểm phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025”, trong đó, đã đánh giá kết quả thực hiện các quan điểm phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 và giai đoạn 2011-2015, đề xuất nội hàm quan điểm phát triển trong 5 năm, 10 năm tới.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường và ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 trên thế giới và ở Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương đã nghiên cứu, xây dựng các Báo cáo chuyên đề: “Đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến kinh tế Việt Nam - định hướng giải pháp điều hành thời gian”; "Đánh giá tác động kép của dịch COVID-19 và giá dầu giảm sâu đến ngành dầu khí Việt Nam và các đề xuất, kiến nghị"; “Đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và giải pháp khắc phục."

Ban chủ động biên dịch sách tham khảo "Kinh tế học trong thời COVID-19" gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan liên quan phục vụ quá trình công tác.

Bám sát định hướng phát triển kinh tế-xã hội đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII

Phát biểu tại Hội nghị, đánh giá về một số thành tựu nổi bật của Ban Kinh tế Trung ương trong nhiệm kỳ 5 năm (2016-2020), Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định từ vị thế của một Ban Đảng mới được tái lập vào năm 2012, giai đoạn 2016-2020, hoạt động của Ban Kinh tế Trung ương đã được tiến hành toàn diện, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất ban hành các chủ trương, chính sách của Đảng về thẩm định, hướng dẫn, kiểm tra và giám sát.

Trong giai đoạn 2016-2020, Ban đã chủ trì nghiên cứu, tham mưu ban hành 15 nghị quyết, kết luận của Đảng trong lĩnh vực kinh tế-xã hội, bao gồm 3 nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 9 nghị quyết và 3 kết luận của Bộ Chính trị, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số nghị quyết, kết luận của Đảng về lĩnh vực kinh tế-xã hội đã được ban hành trong nhiệm kỳ khóa XII.

Không chỉ thực hiện tốt công tác nghiên cứu, tham mưu ban hành các nghị quyết, kết luận của Đảng, Ban Kinh tế Trung ương còn thực hiện tốt công tác thẩm định, tham gia góp ý kiến đối với hàng trăm đề án, báo cáo, văn bản quan trọng trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Các nghị quyết, kết luận do Ban chủ trì nghiên cứu, tham mưu ban hành gồm cả những vấn đề cơ bản và nền tảng trong đường lối phát triển kinh tế ở nước ta như về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân, cho đến các vấn đề về phát triển ngành, lĩnh vực như chính sách phát triển công nghiệp quốc gia, phát triển năng lượng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đất đai…, từ đó góp phần quan trọng vào hoàn thiện lý luận, đường lối lãnh đạo của Đảng về kinh tế-xã hội, tạo nền tảng lâu dài và đột phá cho phát triển kinh tế đất nước.

Nhiều chủ trương, chính sách mới gắn với xu thế thời đại cũng đã được Ban nghiên cứu, tham mưu Bộ Chính trị ban hành như chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu...

Bên cạnh đó, các chủ trương, chính sách được Ban Kinh tế Trung ương tham mưu ban hành không chỉ bao gồm những nghị quyết, kết luận của Đảng về những vấn đề có phạm vi tầm quốc gia, mà còn bao gồm nhiều nghị quyết, kết luận về xây dựng và phát triển đối với những địa phương có vị trí và vai trò quan trọng trong cả nước như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế…

[Giải bài toán đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững]

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó có Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030.

“Vì vậy, phương châm chung là phải bám sát định hướng phát triển kinh tế-xã hội được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII, chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XIII, chức năng và nhiệm vụ đặc thù của Ban Kinh tế Trung ương, phát huy tối đa tinh thần chủ động, tích cực, năng động, sáng tạo, nỗ lực và quyết liệt ngay từ đầu năm," ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Bình đề nghị Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược về kinh tế-xã hội; trong đó, xây dựng chương trình nghiên cứu cụ thể cho từng năm và cả nhiệm kỳ khóa XIII, tập trung nguồn lực làm tốt các đề án, nghị quyết được Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII giao chủ trì, bảo đảm các đề án này có chất lượng, mang tầm chiến lược.

Ban Kinh tế Trung ương đẩy mạnh tham mưu chiến lược về kinh tế-xã hội ảnh 2Đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Cùng với đó, tập trung triển khai hiệu quả việc tổng kết các nghị quyết Trung ương về những vấn đề quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội đất nước; làm tốt hơn công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về kinh tế-xã hội đồng thời, cải thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thẩm định các đề án, báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và công tác nghiên cứu, dự báo kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, coi trọng công tác cán bộ, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, khơi dậy nhiệt huyết, khát khao cống hiến, phấn đấu vươn lên của cán bộ, đảng viên.

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã nêu kiến nghị, đề xuất về các nội dung: kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp-nông dân-nông thôn, xây dựng nông thôn mới, dân cư nông thôn; việc triển khai Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nghiên cứu hướng phát triển lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp chất lượng cao tại Ninh Thuận.

Ông Nguyễn Văn Bình cho biết Ban Kinh tế Trung ương sẽ tập hợp các ý kiến trên, phối hợp các cơ quan để sớm có phương án giải quyết, tháo gỡ trong thời gian tới.

Nhân dịp này, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã trao Huân chương Lao động các hạng Nhì, Ba tặng 6 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác. Nhiều cá nhân, tập thể xuất sắc của Ban Kinh tế Trung ương được vinh dự trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và của Trưởng ban Kinh tế Trung ương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.