Ban Kinh tế Trung ương được giao đôn đốc công tác phát triển nhà ở xã hội

Ban Bí thư giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện, đôn đốc, tổng kết và báo cáo công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới.

Dự án nhà ở xã hội tại Khu công nghiệp Đồng Văn, tỉnh Hà Nam. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Dự án nhà ở xã hội tại Khu công nghiệp Đồng Văn, tỉnh Hà Nam. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ngày 28/5, đại diện Ban Kinh tế Trung ương cho biết tình hình phát triển nhà ở xã hội trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã không đạt được mục tiêu đề ra.

Theo đó, Ban đã có tham mưu cho Ban Bí thư về một số nội dung nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phát triển nhà ở xã hội, góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở cho người dân.

Đến thời điểm này, cả nước đã xây dựng 195.000 căn nhà ở xã hội và khoảng 374.000 căn đã được chấp thuận đầu tư, khởi công, cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, nguồn cung nhà ở xã hội vẫn còn hạn chế so với nhu cầu thực tế. Hơn nữa, giá nhà ở xã hội bình quân còn quá cao so với thu nhập của đối tượng thụ hưởng…

Trước yêu cầu thực tế, Ban Kinh tế Trung ương thông tin Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới, ngày 24/5.

Nội dung yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Cụ thể, xác định phát triển nhà ở xã hội là quyết tâm chính trị, nhiệm vụ quan trọng của Đảng và cả hệ thống chính trị, thể hiện đặc trưng, bản chất tốt đẹp của chế độ ta; Là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các cấp thực hiện quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội độc lập, hoặc trong các dự án nhà ở thương mại tại các vị trí thuận tiện về giao thông, gắn với các trung tâm công nghiệp, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thiết yếu.

Trên cơ sở đó, phát triển đa dạng loại hình nhà ở xã hội và cơ chế, chính sách mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà lưu trú, ký túc xá cho công nhân, người thu nhập thấp khu vực đô thị, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang với giá phù hợp với khả năng chi trả của từng đối tượng thụ hưởng đồng thời tăng tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê…

Để làm được những nội dung trên, các cấp khẩn trương rà soát hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến nhà ở xã hội. Chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội phải bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, đúng đối tượng… Đặc biệt là có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển nhà ở xã hội theo hướng mô hình xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững, phát thải carbon thấp.

Về tài chính, Chỉ thị nêu rõ huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước từ Trung ương và địa phương tương xứng, kịp thời để bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển nhà ở xã hội và rà soát, sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai hiệu quả chương trình cho vay hỗ trợ. Các cấp quản lý cần bố trí cấp đủ nguồn vốn ngân sách cho Ngân hàng Chính sách xã hội, thực hiện đầy đủ, kịp thời việc cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại được Nhà nước chỉ định để cho cá nhân và doanh nghiệp vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội…

Chỉ thị cũng yêu cầu các cấp uỷ đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Chỉ thị tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân; Chương trình, kế hoạch thực hiện cần sớm xây dựng và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Các tỉnh uỷ, thành uỷ thành lập ban chỉ đạo về phát triển nhà ở xã hội và thực hiện các chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách.

Ban Bí thư cũng giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện và thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Ban Bí thư kết quả thực hiện Chỉ thị này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.