Thủa nhỏ, tôi thường theo bà nội đi ra đồng thả te (cách đánh bắt tép bằng lưới nhỏ của người Thanh Hóa) ở những con mương dẫn nước từ sông Mã vào ruộng.
Tháng Giêng là mùa bừa ải, cày cấy, những con mương ăp ắp dẫn nước về đồng. Chỉ cần thả te từ sáng sớm đến khi mặt trời đứng ngọn tre (khoảng 11-12 giờ) là đã có vài cân tép tươi ngon nhảy tanh tách.
Tiện từ đồng về làng, bà hái rổ rau cần, loại rau cần trồng ở vùng Yên Định, thân ngắn, bắp to bằng ngón tay cái. Bắp cải chưa mở lá trong vườn được bà rửa sạch, thái nhỏ, trộn lẫn với rau cần.
Có lẽ đến cuối đời tôi vẫn không thể quên được những âm thanh ken két khi bà bỏ gạo ngâm nước xay trên cối đá để làm bánh khoái. Cái âm thanh đó, như cách nói của bố tôi, nó kiên trì xoay vòng tròn, lặp đi lặp lại đến hàng tiếng đồng hồ để cho ra thứ nước bột gạo trăng tinh như chính cuộc đời bà, cứ lặp đi lặp lại với cây lúa, góc vườn, khúc sông để cuộc đời bố tôi và anh em chúng tôi được trắng ngần, trong trẻo.
Bà bảo: “Bánh khoái là món quà của con nhà nghèo, có gạo đồng Cái Quan, có tép sông Mã (tên địa danh ở huyện Yên Định), có rau trong vườn để lỡ sau này cháu đi xa còn nhớ về nơi chôn rau, cắt rốn."
Hình ảnh hai bà cháu trong căn bếp dạ, bà rán bánh khoái trên chảo gang, cháu xuýt xoa ăn nóng khi khói lam chiều vây kín ngọn tre cứ chờn vờn trong tâm trí tôi mấy chục năm đến tận bây giờ.
Tôi công tác xa nhà, bà cũng về với tiền tổ, mỗi năm chỉ chớp nhoáng về quê vào dịp Tết. Nếp nhà xưa vẫn đó, mạ vẫn xanh non ngoài đồng Cái Quan, chiếc cối đá nằm lìm trong góc sân, cay mắt chạy ra mộ bà thắp nén hương trong gió đồng lồng lộng, cả một trời tuổi thơ thương nhớ bánh khoái ùa về./.