Bảo đảm thiết bị y tế, chuẩn bị để tiêm vaccine cho trẻ từ 5-12 tuổi

Bảo đảm trang thiết bị y tế phòng, chống dịch; khắc phục hậu COVID-19; giảm thiểu số trẻ từ 5-12 tuổi mắc bệnh; chuẩn bị các điều kiện cho mở cửa du lịch... là một số nội dung đáng chú ý tuần qua.
Bảo đảm thiết bị y tế, chuẩn bị để tiêm vaccine cho trẻ từ 5-12 tuổi ảnh 1Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em. (Nguồn: TTXVN)

Bảo đảm chất lượng các trang thiết bị y tế phòng, chống dịch; cắt giảm các thủ tục không cần thiết cho người dân; khắc phục tình trạng hậu COVID-19; giải pháp giảm thiểu số trẻ từ 5 đến 12 tuổi mắc bệnh; chuẩn bị các điều kiện cho việc mở cửa du lịch... là một số nội dung đáng chú ý trong tuần qua.

Bảo đảm chất lượng thiết bị y tế phòng, chống dịch

Tại phiên họp lần thứ 13 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 theo hình thức trực tuyến đến điểm cầu các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị sẵn sàng với dự báo dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, với biến chủng Omicron, khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn thời cơ và thuận lợi; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không hoang mang; nắm chắc và bám sát tình hình thực tiễn để có giải pháp phù hợp phòng, chống dịch tốt, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; đồng thời tiếp tục thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, từng bước bình thường hóa với dịch COVID-19.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu “đa mục tiêu”: tiếp tục ngăn chặn lây lan, tập trung kiểm soát hiệu quả rủi ro, hạn chế số ca chuyển nặng, giảm ca tử vong, không để quá tải hệ thống y tế; thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển bền vững, đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế; giải quyết, chăm lo các vấn đề an sinh xã hội; bảo đảm giữ vững quốc phòng-an ninh. Tinh thần phòng, chống dịch là không có tiền lệ nên không cầu toàn, không nóng vội, bám sát tình hình để tiếp tục rút kinh nghiệm, điều chỉnh phù hợp.

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có ý kiến liên quan đến thủ tục mua thuốc phòng, chống COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cắt giảm ngay thủ tục hành chính liên quan đến việc mua thuốc phòng, chống COVID-19; căn cứ tình hình thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm các nước để khẩn trương quyết định việc cấp phép nhập khẩu và sử dụng thuốc điều trị COVID-19. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường công tác quản lý giá thuốc, xử lý nghiêm trường hợp đầu cơ, buôn lậu thuốc theo quy định; tạo điều kiện thuận lợi, không để nhân dân vất vả với quá nhiều thủ tục trong việc tiếp cận và mua thuốc điều trị COVID-19.

[Ngày 5/3: Hà Nội ghi nhận thêm 25.013 ca mắc COVID-19 và 12 ca tử vong]

Để khắc phục tình trạng khan hiếm trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 trên thị trường; đảm bảo chất lượng sản phẩm với giá thành hợp lý, ngày 3/3/2022, Bộ Y tế có công điện số 286 gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tiếp tục chỉ đạo các đơn vị sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn chủ động hoạt động sản xuất, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 và đảm bảo bình ổn giá trang thiết bị y tế; tăng cường công tác thanh, kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; khẩn trương chỉ đạo cơ quan chức năng, quản lý thị trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, kiểm tra và ngăn chặn các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm trang thiết bị y tế trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán giá các trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19 bất hợp lý; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...

Dự phòng di chứng hậu COVID-19

Từ sau Tết Nguyên Đán đến nay, số bệnh nhân mắc COVID-19 tăng lên nhanh. Phần lớn các bệnh nhân được theo dõi điều trị khỏi bệnh, tuy nhiên có rất nhiều bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19 có các triệu chứng kéo dài vài tuần tới vài tháng, một số trường hợp để lại di chứng nặng nề. Các triệu chứng hay gặp sau mắc COVID-19 biểu hiện ở đa cơ quan, trong đó các biểu hiện về hô hấp là phổ biến. Một số nghiên cứu cho thấy: ho khan kéo dài, hụt hơi, khó thở là những triệu chứng dai dẳng và phổ biến, gặp từ 42-66% trong vòng 3 tháng sau mắc COVID -19.

Ngoài ra, sau giai đoạn COVID-19 cấp tính, 25% số bệnh nhân giảm hoạt động thể lực bằng việc khoảng cách đi bộ 6 phút thấp hơn giá trị tham chiếu bình thường, 50-60% những bệnh nhân sau mắc COVID-19 khi chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có tổn thương bất thường. Những tổn thương hay gặp nhất là hình kính mờ, xơ hóa phổi, viêm phổi tổ chức, dày các vách liên tiểu thùy, khí phế thũng... Những bất thường này có thể bị bỏ sót trên phim X-quang ngực thẳng thông thường.

Theo các bác sỹ, những bệnh nhân có nguy cơ cao mắc hội chứng hậu COVID-19 bao gồm: những người trên 60 tuổi, có các bệnh lý nền kèm theo như: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen, bệnh thận mạn tính, bệnh gan mạn tính, bệnh máu mạn tính, ung thư, suy giảm miễn dịch…, những người bệnh có chỉ định liệu pháp oxy tại nhà, đặc biệt là nhóm người bệnh nặng phải hỗ trợ thở máy trong thời gian bị mắc COVID-19 và những người chưa tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 cơ bản.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Hội chứng COVID-19 kéo dài” hay “Hội chứng hậu COVID-19” biểu hiện đa dạng và có thể gặp các triệu chứng ở nhiều cơ quan.

“Ngoài các triệu chứng hô hấp như ho khan kéo dài, ho khạc đờm, đau họng, hụt hơi, khó thở, đau tức ngực thì người bệnh có thể có biểu hiện về tiêu hóa gồm buồn nôn, nôn, đau thượng vị, rối loạn tiêu hóa; về sức khỏe tâm thần có thể thấy mệt mỏi kéo dài, rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, lo lắng, giảm tập trung, rối loạn cảm xúc; biểu hiện về thần kinh gồm đau đầu, chóng mặt, mất vị giác, mất khứu giác, giảm trí nhớ (sương mù não), … Các nhóm triệu chứng bất thường theo chuyên khoa cần được thăm khám và đánh giá về mức độ, đồng thời cần loại trừ các nguyên nhân gây bệnh khác, trước khi kết luận thuộc hội chứng hậu COVID," Phó Giáo sư Phan Thu Phương cho biết.

Bảo đảm thiết bị y tế, chuẩn bị để tiêm vaccine cho trẻ từ 5-12 tuổi ảnh 2Bác sỹ của Phòng khám hậu COVID-19, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa thăm khám cho bệnh nhân đến khám do nghi ngờ mắc các triệu chứng hậu COVID-19. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Thu Phương khuyến cáo để dự phòng di chứng hậu COVID-19, việc đầu tiên quan trọng là tiêm vaccine để phòng nhiễm bệnh. Khi không may nhiễm bệnh, người bệnh cần tuân thủ khai báo y tế tại địa phương để được quản lý và phân tầng với các mức độ từ không triệu chứng đến mức độ nhẹ, trung bình và nặng. Khi có bất kỳ bất thường nào về sức khỏe sau khi mắc COVID-19, người bệnh nên đến cơ sở y tế để thăm khám hoặc liên hệ nhân viên y tế để được hỗ trợ tư vấn, nhằm phát hiện sớm các di chứng, biến chứng, bệnh lý mắc phải để điều trị kịp thời, hiệu quả.

Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà

Cùng với số ca mắc COVID-19 trên cả nước gia tăng mạnh, số trẻ em mắc COVID-19 cũng tăng lên hàng ngày, đặc biệt là nhóm trẻ dưới 12 tuổi. Nếu như trước ngày 1/2/2022 con số này là 14,1%, sau ngày 1/2/2022 đã tăng lên 24,3%.

Tuy rằng phần lớn trẻ mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ (viêm đường hô hấp trên hoặc rối loạn tiêu hóa, hồi phục trong 1-2 tuần), nhưng theo các chuyên gia y tế, có 4% trẻ có thể trở nặng hoặc nguy kịch, thời gian nguy cơ thông thường là vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 8. Lứa tuổi này có thể có biến chứng hậu COVID-19, bao gồm các triệu chứng của hội chứng viêm đa hệ thống hoặc "COVID-19 kéo dài" ở trẻ em. Trẻ dưới 12 tháng tuổi và trẻ có các bệnh lý nền có nguy cơ diễn tiến nặng cao gồm: Trẻ sinh non, cân nặng thấp; béo phì, thừa cân; đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa; các bệnh lý ung thư, tim mạch, thần kinh; bệnh hô hấp, gan, thận mạn tính; suy giảm miễn dịch; các bệnh hệ thống và đang dùng corticoid, thuốc ức chế miễn dịch.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết theo số liệu thống kê của Bộ Y tế thời gian qua, trẻ em dưới 18 tuổi mắc với tỉ lệ không nhỏ hơn so với người lớn, chiếm đến 19,3%. Trong đó, nổi cộm lên là lứa tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi chiếm 8%. Nhóm 19,3% ca mắc là trẻ dưới 18 tuổi là nhóm cần hết sức lưu ý.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Minh Điển chia sẻ: "Với vai trò là bác sỹ nhi khoa, tôi khuyên các ông bố bà mẹ nên đồng thuận cho con mình tiêm chủng."

Để sớm triển khai tiêm chủng cho trẻ em lứa tuổi 5 đến dưới 12 tuổi, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Bộ Y tế đang thúc đẩy các thủ tục để dự kiến trong tháng 3 sớm hoàn thành việc ký hợp đồng với hãng Pfizer mua 21,9 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Dự kiến trong quý 1/2022, 7 triệu liều vaccine Pfizer cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ về Việt Nam, 14,9 triệu liều còn lại được giao trong quý 2. Bộ Y tế sẽ sớm triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ngay khi có vaccine phù hợp.

Bộ Y tế cũng đã có Công điện gửi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chuẩn bị sẵn nguồn lực để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn.

Ngày 3/3, Bộ Y tế ban hành "Hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc COVID-19."

Tại hướng dẫn này, Bộ Y tế đưa ra ba tiêu chí lâm sàng trẻ em mắc COVID-19 chăm sóc tại nhà; các vật dụng, thuốc cần thiết để chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà; việc cách ly, phòng lây nhiễm khi có trẻ mắc COVID-19 chăm sóc tại nhà; việc theo dõi sức khỏe trẻ đối với trẻ dưới 5 tuổi và từ 5 tuổi trở lên khi mắc COVID-19.

Bảo đảm thiết bị y tế, chuẩn bị để tiêm vaccine cho trẻ từ 5-12 tuổi ảnh 3Nhân viên y tế làm công tác tiêm chủng. (Ảnh minh họa: TTXVN/Vietnam+)

Đặc biệt, Bộ Y tế lưu ý không tự ý dùng thuốc kháng virus, kháng sinh, kháng viêm... khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế; không xông cho trẻ em. Các gia đình có trẻ em mắc COVID-19 chăm sóc tại nhà cần có điện thoại, số điện thoại của các cơ sở y tế (trạm y tế, trung tâm y tế quận, huyện, trung tâm vận chuyển cấp cứu, bác sỹ, tổ tư vấn cộng đồng, tổ phản ứng nhanh...) để liên lạc, xử trí khi có tình trạng cấp cứu.

Sẵn sàng các phương án cho việc mở cửa du lịch

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản số 623/VHTTDL-TCDL báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, về cơ bản, các Bộ nhất trí về thời gian, yêu cầu, tổ chức thực hiện mở cửa trong dự thảo phương án. Bên cạnh đó, có một số ý kiến còn khác nhau đối với yêu cầu đảm bảo y tế cho khách nhập cảnh từ 12 tuổi trở lên và một số nội dung khác cần xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Để đảm bảo mở cửa lại hoạt động du lịch an toàn trong điều kiện bình thường mới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm tiếp tục chỉ đạo một số nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, sớm khôi phục các chính sách về thị thực nhập cảnh cho người nước ngoài như trước khi áp dụng các biện pháp hạn chế nhằm phòng, chống dịch COVID-19; hoàn thiện ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19 để thống nhất áp dụng, hỗ trợ khách nhập cảnh trong thời gian lưu trú tại Việt Nam (nhất trí áp dụng ứng dụng PC-Covid theo đề xuất của Bộ Y tế); hoàn thiện các hệ thống, đảm bảo cấp “chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19’’ cho người dân sớm nhất để tạo thuận lợi cho người Việt Nam đi du lịch nước ngoài.

Bộ cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan khi thực hiện mở cửa lại trong điều kiện bình thường mới…

Cũng theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh tra Bộ đã ban hành Công văn số 09 gửi Chánh Thanh tra Sở quản lý du lịch các tỉnh, thành phố về việc thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị đón khách du lịch.

Nhằm đảm bảo việc mở cửa lại hoạt động du lịch an toàn, hiệu quả, chất lượng, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Chánh Thanh tra các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch chủ động tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Sở về việc tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra việc chuẩn bị đón khách du lịch của các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn. Các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện thanh, kiểm tra công tác chuẩn bị đón khách du lịch nhằm chuẩn bị tốt nhất về cơ sở vật chất, các dịch vụ du lịch để sẵn sàng đón khách...

Liên quan đến việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại các cơ sở kinh doanh du lịch, vừa qua tại văn bản số 4698 ngày 16/12/2021 về Chương trình phát động du lịch nội địa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng yêu cầu các địa phương, cơ sở lưu trú du lịch thực hiện nghiêm việc đăng ký, tự đánh giá và thường xuyên cập nhật mức độ an toàn phòng chống dịch COVID-19 tại website http://safe.tourism.com.vn; giới thiệu rộng rãi và khuyến khích khách du lịch sử dụng ứng dụng "Du lịch Việt Nam an toàn" để tra cứu thông tin du lịch an toàn, khai báo y tế, đánh giá điểm đến.

Trước đó, ngày 25/2 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 597 về công tác chuẩn bị phục vụ mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3 theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Tại phiên họp lần thứ 13 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 sáng 5/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo đã yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, hướng dẫn về mở cửa du lịch từ ngày 15/3 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục