Những bài thuốc kỳ diệu của những ông lang bà mế ở Cao Bằng như giúp người bệnh không phải phẫu thuật mà vẫn lấy được mảnh đạn hoặc xương cá ra khỏi cơ thể, hay chỉ cần dùng cỏ cây để chữa chấn thương sọ não, liệt người, hoặc không cần phẫu thuật mà chữa được bệnh tim…, đang dần mai một vì nhiều lý do.
Những bài thuốc quý
Những lương y, bác sỹ lâu năm ở Cao Bằng không quên được bài thuốc đặc biệt của cố lương y Tạ Có, người dân tộc Dao đỏ ở xã Vị Quang, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng.
Năm 1979, lương y Tạ Có đã chữa bệnh cho 9 bộ đội bị nhiều mảnh đạn găm sâu vào người. Ông không dùng dao mổ hay dùng panh để gắp đạn mà lặng lẽ vào rừng tìm lá thuốc đắp vào vết thương. Sau khi đắp, những vết thương của người bệnh bớt sưng tấy, se miệng và thật kì lạ, chỉ sau khoảng một tuần, những mảnh đạn nằm sâu trong cơ thể tự “đùn” ra ngoài.
Hay như câu chuyện của anh Hoàng Đức Duy, cán bộ Chi cục An toàn thực phẩm Cao Bằng, cũng "mầu nhiệm" không kém. Năm 2009, anh Duy bị xương cá cắm sâu vào bàn tay, mưng mủ, đau nhức. Anh đến bệnh viện chụp X quang và thực hiện tiểu phẫu nhưng các bác sỹ không thể tìm thấy chiếc xương dăm quá nhỏ.
Đau đớn suốt hai tháng trời, may có người mách nước, anh đã lấy nhựa cây trẩu bản (thường trồng làm hàng rào) để bôi vào vết thương và cũng chỉ sau một tuần, chiếc xương sắc nhọn đã tự " đùn" ra ngoài.
Ông Triệu Văn Quán (nay đã mất), ở Bản Khuông, xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh không phải là lương y chuyên nghiệp nhưng cũng có bài thuốc chữa rắn cắn hết sức độc đáo.
Ông không đắp thuốc vào chỗ bị rắn cắn như các thầy lang khác thường làm. Nếu bệnh nhân bị rắn cắn vào chân phải, ông lấy lá thuốc đắp vào chân bên trái, nếu bị cắn vào chân trái, ông lại đắp thuốc vào chân phải. Ai cũng thấy khó hiểu, nhưng kỳ lạ thay, tất cả những bệnh nhân bị rắn cắn đến với ông đều bình phục.
Lương y Sùng A Tu, dân tộc Mông ở xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc cũng là một kỳ tài được nhiều người dân mến phục. Ông có thể chữa trị được nhiều bệnh hiểm nghèo như suy tim, viêm gan, xơ gan cổ chướng và đặc biệt nhất là chữa được chấn thương sọ não.
Nhiều bệnh nhân bị chấn thương sọ não đã đi mổ, điều trị khắp các bệnh viện không khỏi nhưng khi lương y Sùng A Tu "ra tay," rất nhiều bệnh nhân từ tình trạng hôn mê bất tỉnh đã dần hồi phục. Nhiều bệnh nhân tận Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh biết được thông tin đã tìm đến tận nơi và được lương y Sùng A Tu chữa khỏi.
Ngoài ra, ở Cao Bằng còn có rất nhiều lương y có thể chữa được nhiều căn bệnh nan y như liệt dương, vô sinh. Chưa kể đến rất nhiều người dân bình thường, không hành nghề y nhưng lại có những bài thuốc rất hay, có thể chữa được nhiều bệnh.
Theo bác sỹ - lương y Đàm Đắc, Nguyên Giám đốc Bệnh viện y học cổ truyền Cao Bằng, Cao Bằng và các tỉnh miền núi nói chung có rất nhiều cây thuốc quý. Cao Bằng có tám dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc lại có cách sử dụng các loại cỏ, cây để làm thuốc chữa bệnh khác nhau. Điều này tạo nên sự đa dạng, độc đáo trong y học dân tộc cổ truyền ở địa phương.
Ông Đắc cho biết, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Cao Bằng không có lý thuyết âm dương, hàn nhiệt, ngũ hành, lục khí như y học cổ truyền Trung Quốc, hoặc như y học cổ truyền chính thống Việt Nam nhưng từ nhiều đời nay, họ đã có tập quán sử dụng thực vật, có những quan điểm riêng trong cách trị bệnh, có những cây thuốc quý và kinh nghiệm chữa bệnh rất hay mà chúng ta chưa từng biết đến. Đó chính là một kho báu vô giá cả về mặt y học và kinh tế.
Theo điều tra năm 1973, Cao Bằng có tới 617 loài động thực vật được sử dụng làm thuốc, trong đó có nhiều loài cây thuốc quý như Kê huyết đằng, Hà thủ ô đỏ, Ba kích, Thổ phục linh, Bình vôi, Chè dây, Hoàng bá, Bảy lá một hoa, Lan gấm, Kim ngân… Tại Cao Bằng thời điểm đó có hơn 800 lương y với nhiều kinh nghiệm chữa bệnh và hơn 1.000 bài thuốc dân gian quý báu.
Nguy cơ thất truyền những bài thuốc, cây dược liệu quý
Tiềm năng lớn là vậy nhưng đến nay, Cao Bằng vẫn chưa có phương pháp hợp lý để khai thác "kho báu" y học cổ truyền. Trong khi đó, những biến động về môi trường khiến nguồn tài nguyên về cây thuốc và những bài thuốc gia truyền của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng bị mai một.
Sự xâm nhập ồ ạt của “thuốc tây” với nhiều ưu thế như tiện sử dụng, tác dụng nhanh đã làm nhiều người xem nhẹ giá trị chữa bệnh bằng những loại thuốc từ cây cỏ. Chưa kể, các ông lang bà mế - những người biết những bài thuốc hay cũng chưa được quan tâm, tạo điều kiện để truyền nghề cho các thế hệ sau.
Hiện ở Cao Bằng chưa có một quyển sách nào ghi chép lại tên tuổi của những ông lang bà mế nổi tiếng của các dân tộc thiểu số cũng như kinh nghiệm chữa bệnh gia truyền của họ.
Trong khi đó, nhiều lương y là người dân tộc thiểu số lại không biết chữ nên không thể ghi chép, truyền lại cho thế hệ sau làm cho việc gìn giữ các bài thuốc gia truyền càng thêm khó khăn.
Theo ông Hoàng Văn Bé, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Cao Bằng, phần lớn những lương y giỏi của tỉnh đã cao tuổi, nhiều người trong số họ không tìm được truyền nhân.
Có những lương y sau khi qua đời, những bài thuốc nổi tiếng của họ cũng không còn được ai nhắc đến nữa. Trường hợp của cố Lương y Tạ Có là một điển hình, khi ông mất thì bài thuốc nổi tiếng năm xưa cũng không còn.
Đối với Hội Đông y tỉnh Cao Bằng, những khó khăn về kinh phí hoạt động đang là lực cản lớn nhất của Hội trong việc nghiên cứu, sưu tầm và phát triển những bài thuốc dân gian và in ấn các tài liệu về các bài thuốc quý./.