Giới trẻ đang đóng vai trò tích cực trong việc gìn giữ và phát huy giá trị của di sản tư liệu, góp phần làm dày thêm kho thông tin của mỗi quốc gia, dân tộc.
Đó là nhận định của các diễn giả tại tọa đàm “Di sản với giới trẻ” do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I phối hợp với Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 27/12.
Theo ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, nếu tài liệu lưu trữ trước đây chỉ được thể hiện trên văn bản (giấy và các vật liệu chứa thông tin), thì nay “vật mang tin” đã trở nên đa dạng hơn rất nhiều, có thể là email, thẻ nhớ, thiết bị thông minh, lưu trữ đám mây…
Kỳ họp lần thứ 36 (năm 2011) của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Tuyên ngôn Quốc tế về Tài liệu lưu trữ (Universal Declaration on Archives), ghi nhận vai trò của tài liệu lưu trữ trong việc cung cấp bằng chứng xác thực về mọi mặt hoạt động, bảo đảm nền hành chính minh bạch cũng như gìn giữ ký ức chung của xã hội loài người.
Đảng và Nhà nước ta cũng khẳng định: “Tài liệu lưu trữ quốc gia là di sản của dân tộc, có giá trị đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”
Do đó, Cục trưởng Đặng Thanh Tùng bày tỏ hy vọng rằng việc thay đổi cách tiếp cận, thay đổi nhận thức về di sản nói chung, tài liệu lưu trữ nói riêng và về Luật Lưu trữ sẽ góp phần gợi mở giải pháp và định hướng hợp tác vì mục đích chung là nâng cao nhận thức của giới trẻ về bảo tồn, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ và di sản tư liệu.
“Di sản tư liệu là minh chứng hùng hồn để thế hệ trẻ có được niềm tự hào rằng mình trưởng thành từ một dân tộc anh hùng, từ đó bồi đắp khát vọng xây dựng đất nước hùng cường,” ông Tùng phát biểu.
Luật Lưu trữ sửa đổi: Chú trọng tới các quy trình nghiệp vụ Lưu trữ Điện tử
Thảo luận về dự thảo Luật Lưu trữ sửa đổi, các đại biểu đề nghị dự thảo luật cần hoàn thiện thêm các quy định về Tài liệu Số và Chuyển đổi Số trong hoạt động lưu trữ.
Tại tọa đàm, các chuyên gia trong lĩnh vực lưu trữ, giáo dục, quản lý di sản khẳng định, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản là câu chuyện chưa bao giờ cũ. Với nguồn tài nguyên di sản phong phú và đa dạng của Việt Nam thì nâng cao nhận thức trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản đáng trân quý của dân tộc trong bối cảnh hiện nay vô cùng quan trọng.
Theo Tiến sỹ Cam Anh Tuấn, Trưởng Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, tài liệu lưu trữ là di sản văn hóa đặc biệt của dân tộc, gồm di chỉ khảo cổ, hiện vật bảo tàng, công trình khoa học… Vấn đề cốt lõi là tài liệu đó phải có giá trị thực tiễn đối với xã hội.
“Với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, bất kỳ điều gì chúng ta viết ra đều có thể là di sản của một thời kỳ. Nhận thức được điều đó, các bạn trẻ sẽ có trách nhiệm hơn với những gì mình phát ngôn trong cuộc sống hay trên mạng xã hội,” ông Tuấn nói.
Cùng quan điểm với Cục trưởng Đặng Thanh Tùng, ông Tuấn cho rằng cần nâng cao nhận thức và có cách tiếp cận đa dạng với giới trẻ để họ tìm về văn hóa cội nguồn.
“Trong lúc tìm hiểu, thực hành di sản, người trẻ sẽ tự tìm ra cách ứng xử phù hợp với di sản, cũng như phát huy giá trị di sản cho những thế hệ sau nữa. Điều này giống như một ngọn đuốc được truyền từ tay người này sang tay người khác,” ông Tuấn bày tỏ.
Tọa đàm cũng nhận được nhiều ý kiến từ sinh viên các trường đại học, học viện, nhà nghiên cứu về cách ứng xử với di sản, như sưu tầm, lưu trữ, truyền đạt tài liệu của gia đình, dòng họ, cơ quan, đơn vị phục vụ cho việc học tập, công tác./.