Mặc dù “tảng đá” COVID-19 đã và đang làm khó thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, nhất là bất động sản du lịch ven biển, song nhiều chuyên gia cũng lạc quan cho rằng trong những tháng cuối năm 2021, khi dịch bệnh được kiểm soát, Việt Nam sẽ là một trong những thị trường tốt nhất ở Đông Nam Á được nhiều “cá mập” (nhà đầu tư lớn từ nước ngoài) đến đầu tư.
Tuy nhiên, để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển mạnh sau dịch, một trong những chính sách quan trọng nhất cần hướng tới là “hộ chiếu vaccine.”
Cá mập theo sóng lớn
Một trong những loại hình bất động sản đã và đang được nhiều người quan tâm trong suốt hơn 1 năm qua là bất động sản nghỉ dưỡng, nhất là ở các tỉnh ven biển.
Theo đánh giá của giới chuyên gia bất động sản, thời gian qua, trong bối cảnh giá các loại hình bất động sản tăng cao, nhiều phân khúc thị trường bất động sản phục hồi mạnh mẽ thì sức cầu của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, nhất là bất động sản du lịch ven biển vẫn rất ảm đạm.
Nhìn nhận từ góc độ của đơn vị phát triển bất động sản, ông Đỗ Quý Duy - Giám đốc kinh doanh bất động sản Hải Phát cho rằng tác động của dịch COVID-19 đến thị trường là hết sức rõ ràng, đặc biệt là thị trường sơ cấp. Trong khi đó, việc giải ngân dành cho các nhà đầu tư bất động sản nhỏ (số vốn dưới 5 tỷ đồng) diễn ra khá sôi động trong thời gian qua. Minh chứng là tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng rất ổn định dù dịch bệnh diễn biến phức tạp ở nhiều nơi.
[Bất động sản thời dịch: Quả bóng chỉ bị nén, lực bật sau dịch rất mạnh]
Riêng với bất động sản nghỉ dưỡng, ông Duy cho rằng thị trường này có sự thu hút lớn với nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nhìn vào các yếu tố nội tại ở trong nước trong 2 năm qua, khi dịch bệnh COVID-19 “hoành hành” đã khiến một lực lượng lớn người làm du lịch gặp nhiều khó khăn.
Đơn cử là nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng, căn hộ condotel đang có xu hướng chào bán cắt lỗ khoảng 20-25% so với giá hiện tại của thị trường.
Vì thế, với diễn biến thị trường hiện nay, ông Duy nhận định trong 6 tháng đến 1 năm tới, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi thói quen của nhà đầu tư Việt Nam thường ưu tiên sự chắc chắn.
"Do vậy, trong bối cảnh hiện nay, khi đầu tư vào một sản phẩm phục vụ nhu cầu cao như nghỉ dưỡng, thị trường bất đông sản này sẽ vẫn gặp khó," ông Duy nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Ngô Văn, Giám đốc Marketing Tập đoàn Danh Khôi lại cho rằng Việt Nam đang bỏ quên một “đàn cá mập” - đó là các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài, họ đang chờ đợi giãn cách được tháo gỡ để tiếp cận vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ở nước ta.
Theo ông Ngô Văn, trong khu vực, các quốc gia thường có “đàn cá mập” chuyên săn tìm bất động sản lớn, giàu có như Hong Kong, Đài Loan, Singapore, Thái Lan. Đó là những nơi mà các nhà đầu tư luôn khao khát tìm kiếm dòng bất động sản có thể tăng trưởng lớn trong vòng 3-5 năm.
“Vì thế, ngay khi dịch được kiểm soát, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản du lịch ven biển sẽ là phân khúc hấp dẫn đối với tất cả các khách hàng, nhà đầu tư. Khi đó, tôi tin rằng Việt Nam sẽ là một trong những thị trường tốt nhất Đông Nam Á đón đợi 'đàn cá mập' đang săn mua các dự án lớn,” ông Ngô Văn nhấn mạnh.
Từ nhận định trên, ông Ngô Văn cho rằng trong quý 3/2021 khi giãn cách xã hội giảm bớt thì “đàn cá mập” từ các nước giàu có sẽ tới và sẽ đẩy một lực lớn đến thị trường bất động sản, nhất là bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam.
Riêng với khối nhà đầu tư ở trong nước, ông Ngô Văn cho rằng theo quỹ đạo chung của thị trường thì từ quý 3/2021 trở đi sẽ có nhiều giải ngân vào bất động sản; đặc biệt khi Chính phủ đang tăng cường việc tiêm vaccine để kiểm soát dịch thì đó sẽ là thời điểm nhà đầu tư "bung" tiền ra để chiếm được những sản phẩm bất động sản có giá tốt nhất, có lợi cho sau này.
“Tựu chung lại là từ cuối quý 3 đến hết năm nay, chúng ta sẽ đón nhận những làn sóng rất lớn đối với thị trường bất động sản,” ông Ngô Văn nhận định.
“Hộ chiếu vaccine” - cơ hội thu hút đầu tư
Tin tưởng rằng ngay sau khi Việt Nam kiểm soát được dịch COVID, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có sự khởi sắc, song bà Lê Nguyễn Hồng Phương-Giám đốc Công ty Bất động sản Tuấn 123 lưu ý rằng tín hiệu khởi sắc thế nào, có phục hồi được như trước khi xuất hiện COVID hay không sẽ còn phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch cũng như chính sách nhập cảnh của Việt Nam.
Đưa ra giải pháp để thúc đẩy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam sau dịch, bà Phương cho rằng chính sách quan trọng và gần gũi nhất cần hướng tới là “hộ chiếu vaccine.”
“Nếu hộ chiếu vaccine được thực thi, tôi tin bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam sẽ phát triển. Còn nếu vẫn phải chờ đợi, tôi cho rằng thị trường bất động sản vẫn sẽ ở mức độ không được mạnh mẽ như thời điểm trước dịch,” bà Phương nhấn mạnh.
Ngoài ra, một yếu tố khác được bà Phương đề cập tới là sự thu hút của bất động sản công nghiệp. Theo bà Phương, nếu thị trường này thu hút được các nhà đầu tư lớn của thế giới đến với Việt Nam, thì đương nhiên nhu cầu về nhà ở, nghỉ dưỡng cũng sẽ tăng lên.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng nền kinh tế của Việt Nam hiện vẫn đang là nền kinh tế phát triển. GDP của Việt Nam hiện vẫn đăng tăng trưởng tốt. Đây là điểm sáng.
Với bất động sản nghỉ dưỡng, ông Quốc Anh thừa nhận thị trường này hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, ưu tiên đầu tiên cho thị trường là phát triển du lịch.
“Chúng ta đã nhìn thấy bài học từ Thái Lan, họ đặt quyết tâm là trong vòng 120 ngày tới sẽ bắt đầu thí điểm mở cửa đón du khách nước ngoài trở lại Phuket - hòn đảo du lịch nổi tiếng nhất cả nước. Hầu hết người dân Phuket đã được tiêm vaccine phòng COVID-19. Lý do mở cửa là để thu hút du lịch, để giảm gánh nặng kinh tế cho những người dân đã mất đi thu nhập trong suốt một năm qua. Vì thế phải có hộ chiếu vaccine,” ông Quốc Anh nói.
Do vậy, theo ông Quốc Anh, tới đây Việt Nam cũng có thể nghiên cứu để áp dụng thí điểm việc mở cửa du lịch ở một khu vực, thông qua việc tiêm vaccine hết cho người dân ở đó. "Nếu làm được điều này, tôi tin rằng đây sẽ là cơ hội để thu hút lượng lớn khách du lịch cũng như các nhà đầu tư. Vậy tại sao chúng ta không thử?” ông Quốc Anh chia sẻ./.