Bất thường việc đăng kiểm tàu cũ: Báo cáo kiểm tra khác xa thực tế

Đa số các tàu hút cát cũ tại 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông hiện nay đều không phải được đóng từ “thép đóng tàu” theo như thiết kế đã được phê duyệt, mà được đóng từ các loại thép xây dựng, thép “trôi nổi”
Bất thường việc đăng kiểm tàu cũ: Báo cáo kiểm tra khác xa thực tế ảnh 1Tàu Quốc Lưu 02 được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm vào ngày 9/11/2019 và xác định rõ năm đóng mới là 2019.

Không chỉ bỏ qua nhiều công đoạn bắt buộc, quan trọng trong quá trình đăng kiểm tàu hút cát cũ, các đăng kiểm viên của Chi cục Đăng kiểm số 5 còn kê khai nhiều thông tin không đúng sự thật trong quá trình lập hồ sơ đăng kiểm.

Kết quả là các tàu đã được cấp chứng nhận đăng kiểm đều có hồ sơ rất "đẹp," nhưng thực tế thì không phải như vậy.

Thực tế một đằng, hồ sơ một nẻo

Các báo cáo kiểm tra kinh tế kỹ thuật phương tiện thủy nội địa (tàu Nam Sơn 08, Nam Sơn 10…) do Chi cục Đăng kiểm số 5 cấp cho một số chủ phương tiện vào tháng 7/2019 ghi rõ kết quả kiểm tra phương tiện là “kiểm tra lần đầu/trên đà."

Tuy nhiên, trên thực tế, các tàu này đều không được đưa lên đà để kiểm tra theo như quy định về kiểm tra lần đầu để cấp chứng nhận đăng kiểm và tiến hành các thủ tục đăng ký phương tiện theo quy định của Bộ Giao thông-Vận tải.

Trao đổi về nội dung này, ông Lê Viết Dũng, Phó Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 5, một trong 2 đăng kiểm viên trực tiếp kiểm tra và ký xác nhận vào các báo cáo nêu trên, thừa nhận thực tế tàu không được đưa lên đà để kiểm tra nhưng trong nội dung vẫn ghi việc kết quả kiểm tra phương tiện là “lần đầu/trên đà."

Bất thường việc đăng kiểm tàu cũ: Báo cáo kiểm tra khác xa thực tế ảnh 2Hầu hết các tàu hút cát cũ (đã được cấp chứng nhận đăng kiểm) đều không có 'vật liệu thân tàu' là 'thép đóng tàu' theo như hồ sơ thiết kế.

Ông Lê Viết Dũng giải thích rằng kết quả kiểm tra được ghi theo mẫu chung, đăng kiểm viên chỉ “đánh” vào, chứ không thể bổ sung, thay thế hoặc chú thích vào được (?!).

Theo tìm hiểu của phóng viên, báo cáo kiểm tra kinh tế kỹ thuật phương tiện thủy nội địa là báo cáo quan trọng nhất trong quá trình đăng kiểm phương tiện. Việc nhiều nội dung trong báo cáo này không ghi rõ, ghi đúng quá trình kiểm tra thực tế cần được ngành chức năng kiểm tra, làm rõ và xử lý theo đúng các quy định của pháp luật.

Tương tự, trong các giấy chứng nhận thẩm định thiết kế phương tiện thủy nội địa do Phòng Tàu Sông, Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp cho Hợp tác xã khai thác cát Đoàn Kết (xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) đều ghi rõ vật liệu thân tàu là “thép đóng tàu." Đây là loại thép chuyên dụng cho ngành đóng tàu với nhiều đặc tính an toàn như có độ bền cao, chống ăn mòn hiệu quả, có độ dày lớn và khả năng chịu nhiệt… Đây là những tiêu chuẩn, đặc tính quan trọng, cần thiết vì các tàu hút cát đều chuyên chở nặng trên địa hình hiểm trở, phức tạp.

Tuy nhiên, trên thực tế, đa số các tàu hút cát cũ tại 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông hiện nay đều không phải được đóng từ “thép đóng tàu” theo như thiết kế đã được phê duyệt, mà được đóng từ các loại thép xây dựng, thép “trôi nổi” trên thị trường.

Ông Phạm Duy Khánh, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 5 khẳng định khi tiến hành đăng kiểm các tàu hút cát cũ, các đăng kiểm viên của đơn vị dựa trên hồ sơ thiết kế đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam phê duyệt. Và các nội dung trong hồ sơ thiết kế là cụ thể hóa các quy định liên quan của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải và đương nhiên, các tàu được kiểm tra, đăng kiêm trên thực tế phải được đóng, cải tạo, sửa chữa theo đúng các thiết kế này.

[Bất thường việc đăng kiểm tàu cũ ở Đắk Lắk và Đắk Nông]

Tuy nhiên, ông Lê Viết Dũng, Phó Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 5 thừa nhận đăng kiểm viên không cắt tôn, hay vật liệu thân tàu của bất kỳ tàu ra để kiểm tra (độ dày, chủng loại, chất lượng, hao mòn...) mà kiểm tra chủ yếu dựa vào kinh nghiệm.

Phóng viên nêu câu hỏi: “loại tôn trên tất cả các tàu hút cát cũ (đã được cấp chứng nhận đăng kiểm) đều không phải là tôn đóng tàu theo như quy định tại giấy chứng nhận thẩm định thiết kế phương tiện thủy nội địa đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam phê duyệt, đúng hay sai?”. Ông Lê Viết Dũng chần chừ và trả lời “tôn xây dựng hay tôn gì thì bọn tôi chịu."

Theo một đăng kiểm viên dày dạn kinh nghiệm, đa số các tàu hút cát cũ đều không có “vật liệu thân tàu” là “thép đóng tàu” theo như hồ sơ thiết kế. Điều này cho thấy một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất về độ bền, khả năng chịu lực, kết cấu tàu đã không đạt, không đủ điều kiện cấp chứng nhận đăng kiểm.

Thêm nữa, nếu “vật liệu thân tàu” không phải là “thép đóng tàu” thì việc hồ sơ thiết kế ghi rõ như vậy có cần thiết hay không? Hay “đánh đố," làm khó chủ tàu?

Cần thanh tra, kiểm tra tổng thể

Trao đổi với phóng viên vào ngày 27/4, ông Phạm Duy Khánh, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 5 xác nhận đoàn công tác của Chi cục đã hoàn thành việc kiểm tra “một số” tàu hút cát cũ tại 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông. Đây là một nội dung theo như chỉ đạo của Cục Đăng kiểm Việt Nam (phóng viên cũng đã thông tin việc kiểm tra, xác minh này vào ngày 20-21/4).

Đoàn công tác đang xây dựng báo cáo và gửi lên cấp trên. Tuy nhiên, ông Phạm Duy Khánh từ chối cung cấp cho phóng viên, đồng thời cho biết sẽ xin ý kiến cấp trên về vấn đề này.

Trước đó, ngày 24/4/2020, ông Nguyễn Vũ Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam đã ký công văn thông tin cho Cơ quan thường trú TTXVN tại tỉnh Đắk Nông việc đơn vị này đã chỉ đạo Chi cục Đăng kiểm số 5 lập tổ công tác.

Cục Đăng kiểm Việt Nam đang chờ Chi cục Đăng kiểm số 5 báo cáo và căn cứ trên báo cáo này, Cục sẽ làm việc, cung cấp thông tin cho phóng viên một cách “đầy đủ, khách quan."

Bất thường việc đăng kiểm tàu cũ: Báo cáo kiểm tra khác xa thực tế ảnh 3Tàu Nam Sơn 03 (được cấp chứng nhận đăng kiểm vào ngày 23/7/2019) cũ kỹ, rỉ sét nhiều vị trí vẫn được ghi trong hồ sơ là đóng mới năm 2019.

Chi cục Đăng kiểm số 5, Cục Đăng kiểm Việt Nam là đơn vị duy nhất có chức năng, thẩm quyền đăng kiểm phương tiện tại hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông. Thời gian qua, việc tiến hành các thủ tục đăng kiểm hơn 80 tàu hút cát cũ tại 2 tỉnh đã bị nhiều chủ tàu tố cáo có nhiều dấu hiệu bất thường, sai phạm.

Nhóm phóng viên TTXVN tại hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông cũng đã thông tin rõ một số vấn đề chính trong các nội dung tố cáo này.

Lãnh đạo Chi cục Đăng kiểm số 5 cũng đã thừa nhận các nội dung phản ánh là đúng. Việc Cục Đăng kiểm Việt Nam giao cho Chi cục Đăng kiểm số 5 tự kiểm tra, xác minh chính các tàu mà đơn vị này đã cấp chứng nhận đăng kiểm, các thông tin liên quan và đề xuất biện pháp xử lý liệu có đảm bảo tính khách quan hay không? Câu hỏi này xin dành cho lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải.

Thêm nữa, phóng viên đã nêu rõ việc nhiều công đoạn quan trọng, có vai trò quyết định đối với quá trình đăng kiểm cũng như sự an toàn của phương tiện, người sử dụng phương tiện đã bị bỏ qua khi Chi cục Đăng kiểm số 5 tiến hành đăng kiểm và cấp giấy chứng nhận đăng kiểm cho hơn 80 tàu hút cát cũ tại Đắk Lắk, Đắk Nông.

Tình trạng này không phải cá biệt, ngoại lệ, mà xảy ra phổ biến, với số lượng lớn. Tuy nhiên, khi tiến hành kiểm tra theo chỉ đạo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Chi cục Đăng kiểm số 5 chỉ kiểm tra các tàu mà phóng viên nêu đích danh (2 tàu) thì liệu có đảm bảo “đầy đủ, khách quan” để cung cấp thông tin hay không?

Nhóm phóng viên TTXVN tại Đắk Lắk, Đắk Nông sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục