Bến Tre: Vì sao một số trụ sở làm việc chưa hết bảo hành đã hỏng?

Cho rằng một số trụ sợ làm việc chưa hết bảo hành đã hỏng, cử tri tỉnh Bến Tre đề nghị Bộ Xây dựng có giải pháp giám sát hữu hiệu hơn để đảm bảo chất lượng công trình tránh gây thất thoát, lãng phí...
Bến Tre: Vì sao một số trụ sở làm việc chưa hết bảo hành đã hỏng? ảnh 1Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Thanh Thương/TTXVN)

Theo nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Bến Tre vừa được Văn phòng Chính phủ chuyển đến Bộ Xây dựng, thời gian qua, một số công trình công cộng, trụ sở làm việc của một số cơ quan đơn vị đưa vào sử dụng, chưa hết thời gian bảo hành đã xuống cấp. Vấn đề này cho chấy việc quản lý giám sát chưa chặt chẽ, nguyên vật liệu kém.

Vì thế, cử tri đề nghị Bộ Xây dựng có giải pháp giám sát hữu hiệu hơn để đảm bảo chất lượng công trình tránh gây thất thoát, lãng phí tiền của nhân dân.

Trả lời kiến nghị cử tri về nội dung nêu trên, phía Bộ Xây dựng cho biết hàng năm, có từ 40.000-50.000 các công trình được thi công xây dựng trên khắp cả nước.

[Sử dụng căn hộ làm dịch vụ cho thuê theo giờ: ‘Góc khuất’ cần làm rõ]

Theo số liệu thống kê năm 2019 của các địa phương và các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, các cơ quan chuyên môn về xây dựng đã tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu trên 35.000 công trình.

Quá trình kiểm tra đã phát hiện nhiều tồn tại về chất lượng và yêu cầu chủ đầu tư và các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng khắc phục trước khi nghiệm thu đưa vào sử dụng. Về cơ bản, chất lượng công trình xây dựng đã được kiểm soát tốt.

Tuy nhiên, phía Bộ Xây dựng cũng thừa nhận vẫn còn một số ít các công trình, chủ đầu tư không thực hiện việc báo cáo thông tin, báo cáo hoàn thành thi công xây dựng công trình, đưa công trình vào khai thác, sử dụng khi chưa được cơ quan chuyên môn về xây dựng có ý kiến chấp thuận kết quả nghiệm thu theo quy định, chất lượng công trình thấp, xuống cấp nhanh như cử tri tỉnh Bến Tre phản ánh.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do ý thức chấp hành các quy định của pháp luật của một số chủ đầu tư và các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng công trình chưa cao; các chế tài xử lý vi phạm còn chưa đủ sức răn đe; công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền còn chưa chặt chẽ.

Vì thế, để khắc phục các tồn tại nêu trên, Bộ Xây dựng đã xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 được Quốc Hội khóa XIV thông qua ngày 17/6/2020.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đang nghiên cứu, xây dựng dự thảo các Nghị định hướng dẫn Luật này, trong đó có những nội dung quy định cụ thể nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng các công trình xây dựng; nâng cao chế tài xử lý vi phạm đối với các hành vi không chấp hành các quy định của pháp luật, tự ý đưa công trình vào khai thác, sử dụng.

Phía Bộ Xây dựng cũng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng các công trình xây dựng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.