Viêm mao mạch dị ứng là bệnh thuộc hệ miễn dịch, đây là bệnh lý có biểu hiện đa dạng khó xác định nguyên nhân dễ nhầm lẫn với nhiều loại bệnh lý khác như đau khớp, đau bụng, tiểu đường…
Bệnh có 2 dạng chính là viêm mao mạch dị ứng và viêm mao mạch hoại tử. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người vẫn chưa có hiểu biết rõ về bệnh này. Trong khi đó, biến chứng đáng lo ngại nhất của bệnh viêm mao mạch dị ứng là bị tổn thương thận, người bị bệnh có triệu chứng phù nề cơ thể, tiểu tiện ra máu.
Phó giáo sư Nguyễn Duy Hưng - Tổng thư ký Hội Da liễu Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy tại hội thảo về vai trò của thảo dược trong hỗ trợ điều trị bệnh viêm mao mạch, viêm tắc tĩnh mạch.
[Phê duyệt khoản vay 80 triệu USD cải thiện dịch vụ y tế tại Việt Nam]
Phân tích về bệnh này, phó giáo sư Hưng chỉ rõ, viêm mao mạch dị ứng là một bệnh tự dị ứng không rõ căn nguyên. Viêm mao mạch dị ứng sẽ gây ra tổn thương lan tỏa hệ thống vi mạch ở nhiều cơ quan mà chủ yếu là các cơ quan liên quan đến đến thận, ruột, da và khớp.
Những dấu hiệu của người mắc bệnh này là trên da xuất hiện các nốt mẩn đỏ, ban đỏ thưa thớt hoặc dày đặc, thường bắt đầu từ chân và lan dần ra các bộ phận khác trên cơ thể. Đôi khi, nhiều người tưởng như chỉ là dị ứng đơn thuần nhưng khi các khớp chân, khớp tay đau nhức, đau bụng thành từng cơn, nhiều người mới biết mình mắc phải bệnh viêm mao mạch dị ứng.
Theo phó giáo sư Hưng, viêm mao mạch cũng như các bệnh tự miễn khác không ngoại trừ bất kỳ lứa tuổi nào, ai cũng có thể là đối tượng mắc bệnh khi cơ thể không khỏe mạnh, hệ miễn dịch giảm và có dấu hiệu chống lại các kháng nguyên có lợi cho cơ thể. Khi hệ miễn dịch suy yếu, sức đề kháng của người bệnh bị đe dọa, kéo theo là hàng loạt các hệ quả liên quan tới sức khỏe của người bệnh.
Viêm mao mạch dị ứng không ngay lập tức gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh/song những ban đỏ trên da dày kín tại chân và tay gây mất thẩm mỹ, khiến nguời bị bệnh thiếu tự tin mỗi khi xuất hiện. Không dừng lại ở đó, người bệnh nếu không chữa trị kịp thời và đúng cách, các khớp xương trở nên đau nhức, không đi lại được, một số trường hợp xuất hiện các tổn thương lở loét, chuyển sang giai đoạn hoại tử do vùng đó không được máu nuôi dưỡng.
Tổng thư ký Hội Da liễu Việt Nam phân tích: “Việc điều trị căn bệnh này theo tây y đã mang lại kết quả tích cực nhưng một tác dụng phụ phổ biến của các loại thuốc ức chế miễn dịch là suy giảm miễn dịch, vì phần lớn trong số chúng hoạt động không chọn lọc, dẫn đến tăng tính nhạy cảm với nhiễm trùng và giảm khả năng giám sát miễn dịch.”
Để khắc phục và đẩy lùi tình trạng bệnh viêm mao mạch, y học hiện đại vẫn chưa đưa ra phác đồ chữa trị đặc hiệu, mang tính lâu dài và dứt điểm. Do đó, cần có giải pháp thiết thực hơn để giải quyết những hạn chế trong điều trị bệnh viêm mao mạch, viêm tắc tĩnh mạch.
Cũng tại hội thảo, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Siêm - Chủ tịch Hội đông y thành phố Hà Nội cho biết, từ lâu, trong đông y đã có những phương pháp giúp kiểm soát căn bệnh viêm mao mạch, viêm tắc tĩnh mạch an toàn và hiệu quả. Bài thuốc trong đông y tập trung vào việc bổ chính khu tà (nâng cao chính khí của cơ thể) cho bệnh nhân, lập lại sự cân bằng âm dương, chú trọng đến nâng cao chức năng của các tạng tỳ, can, thận…
Hội thảo còn có sự tham gia của hàng trăm bệnh nhân và người nhà bệnh nhân quan tâm đến căn bệnh viêm mao mạch, viêm tắc tĩnh mạch. Các bệnh nhân chia sẻ về quá trình điều trị căn bệnh này trong việc kết hợp các bài thuốc tây y và đông y để điều trị triệt để bệnh viêm mao mạch và viêm tắc tĩnh mạch./.