Ngày 10/11, tại Hà Nội, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức tổ chức “Lễ công bố Bệnh viện hạng đặc biệt.”
Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết với vai trò và sứ mệnh của bệnh viện chuyên khoa đầu ngành ngoại khoa của cả nước, bệnh viện đã luôn cố gắng, nỗ lực phấn đấu tìm tòi đổi mới cơ chế phục vụ, phát triển mạnh kỹ thuật chuyên sâu phục vụ theo nhu cầu của người bệnh. Với 7 nhiệm vụ được Bộ Y tế giao, bệnh viện luôn hoàn thành xuất sắc và vượt mức kế hoạch.
Nếu cách đây 10 năm bệnh viện mổ khoảng 20.000 ca 1 năm thì đến nay số ca mổ lớn, phức tạp đã là trên 42.000 ca 1 năm. Đặc biệt bệnh viện luôn chú trọng, phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu trong tất cả các chuyên khoa của bệnh viện.
Bệnh viện là đơn vị đầu tiên trong cả nước tiến hành thành công ca ghép gan ở người trưởng thành từ người cho chết não. Về ghép thận, tính đến nay bệnh viện đã triển khai ghép thận thường quy, số lượng ca ghép thận đã vượt 400 ca.
Bệnh viện đã triển khai được 23 trường hợp ghép gan và 9 trường hợp ghép tim thành công, đây là những con số đứng đầu trong các trung tâm ghép tạng của cả nước.
Gần đây, bệnh viện không chỉ tiến hành ghép một tạng mà tiến hành ghép nhiều tạng trên một người bệnh, và tiến tới chia tạng từ một người bệnh chết não để ghép cho nhiều người bệnh.
Phát biểu tại Lễ Công bố Bệnh viện hạng đặc biệt cho Bệnh viện Việt Đức, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị Bệnh viện tiếp tục phát huy truyền thống tập thể đoàn kết, những thành quả đã đạt được, đồng thời không ngừng nỗ lực phấn đấu trong chuyên môn, thực hiện tốt tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, thực hiện tốt vai trò trung tâm đào tạo, ứng dụng và chuyển giao kỹ thuật ngoại khoa.
Về cơ sở II của bệnh viện với 1.000 giường bệnh đang được đầu tư xây dựng, Bộ trưởng đề nghị Bệnh viện tích cực công tác chuẩn bị nhân lực, đào tạo cán bộ và đổi mới công tác quản lý tài chính bệnh viện.
Với việc được Chính phủ công nhận là Bệnh viện hạng đặc biệt của cả nước sẽ là động lực to lớn đối với tất cả công chức, viên chức và người lao động đang công tác tại Bệnh viện tiếp tục phát huy vai trò và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Đến nay, Bộ Y tế đã có 4 bệnh viện hạng đặc biệt là: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Việt Đức.
Được thành lập năm 1906 với tên gọi là Nhà thương Bảo hộ, theo thời gian, Bệnh viện Việt Đức mang các tên gọi khác nhau: Bệnh viện Yersin (1943), Bệnh viện Phủ Doãn (1954), Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cộng hòa Dân chủ Đức (1958-1990) và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (từ năm 1991 đến nay).
Hiện nay, Bệnh viện có quy mô hơn 1.200 giường bệnh gồm: 52 phòng mổ trang thiết bị y tế hiện đại, 1 viện và 8 trung tâm, 26 khoa lâm sàng, 10 khoa cận lâm sàng và 10 phòng chức năng với gần 1.700 cán bộ, bác sỹ, điều dưỡng đạt trình độ cao, giàu kinh nghiệm, sáng về y đức; trong đó có gần 70 giáo sư, phó giáo sư và tiến sỹ; 152 thạc sỹ, bác sỹ nội trú; đội ngũ các bác sỹ chuyên khoa-đa khoa và hơn 400 cán bộ có trình độ đại học và cao đẳng.
Hiện nay, Bệnh viện Việt Đức đã đạt những thành tích trong các lĩnh vực phẫu thuật như: thần kinh sọ não, tim mạch, tiết niệu, chấn thương, cột sống, tiêu hóa, gan mật, chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức, nhi; phẫu thuật bằng robot, nội soi, vi phẫu, ghép tạng của bệnh viện đều ngang tầm khu vực và thế giới./.